Người tận tâm với các giá trị văn hóa quốc gia của xứ Đông

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 22:00, 23/12/2022

Từng gặp gỡ, trò chuyện cùng Nguyễn Hữu Oanh - người con quê hương Đức Chính (Cẩm Giàng), tôi càng thấm thía cái tâm của ông dành cho việc gìn giữ, khôi phục các giá trị văn hóa và lịch sử của quê hương.


Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh (đứng giữa hàng đầu), nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, nguyên Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam

Tôi biết Nguyễn Hữu Oanh trong trường hợp rất tình cờ. Một tối nọ, bỗng nhiên bật ti vi, tôi thấy anh đang nói về Đại danh y - Thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ thuốc Nam. Cả gương mặt và giọng nói của anh đều làm tôi cảm động: “Từ Trung Quốc, cụ Tuệ Tĩnh đã bằng một cách nào đó gửi về nước cho chúng ta bộ sách thuốc Nam: Hồng Nghĩa giác tư ý thư (1) với tinh thần thuốc Nam chữa bệnh cho người Nam… Hồng là phủ Thượng Hồng thuộc dải đất Hải Dương xưa, Nghĩa là làng Nghĩa Phú, tổng Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, phủ Thượng Hồng, nay là xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, quê hương cụ. Như vậy, lúc nào cụ cũng nhớ quê hương, đất nước. Cụ là một thầy thuốc giỏi, bị buộc phải cống sang Trung Quốc năm 1385 để chữa bệnh cho vua nhà Minh. Cụ mất ở Trung Quốc năm 1400. Trên mộ cụ, có một dòng khắc chữ vào đá: Có ai người nước Nam sang đây, hãy đưa tôi về với. Đã hơn 600 năm rồi, biết đến bao giờ, chúng ta mới thực hiện được lời dặn thiết tha này của cụ”. Câu nói ấy như vọng lên từ cõi mang mang trong ký ức tuổi thơ tôi.

Lần thứ hai, tôi mở ti vi để theo dõi buổi truyền hình trực tiếp Lễ khánh thành đền thờ Anh hùng dân tộc, Đại thi hào Nguyễn Trãi ở Côn Sơn (Chí Linh), gần quê tôi. Trong hàng nghìn người tham dự, ông Nguyễn Hữu Oanh đọc Văn tế Nguyễn Trãi, giọng trầm hùng thống thiết như vang ra từ chính tâm hồn mình.

Tôi rất xúc động. Tôi hỏi nhà Hải Dương học Tăng Bá Hoành, Giám đốc Bảo tàng Hải Dương khi đó là ông Đặng Đình Thể, những người từng cộng sự đắc lực với Nguyễn Hữu Oanh, mới hay ông là một trong số không nhiều người ở Hải Dương biết chinh phục người khác cho những hoạt động hướng thiện, biết xã hội hóa các nguồn đầu tư cho việc khôi phục các giá trị văn hóa và lịch sử, vì lợi ích không chỉ của hôm nay.

Nguyễn Hữu Oanh tiếp tôi tại phòng làm việc của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, khi anh sắp được miễn nhiệm chức danh này để về Hà Nội nhận chức Phó Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ. Anh quê ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng), tốt nghiệp Khoa Địa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1969. Anh đã có 6 năm dạy học ở tuyến lửa Quảng Bình.

Năm 1982, khi 34 tuổi, anh là Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Giàng, phụ trách khu vực Cẩm Điền, nơi có Văn miếu Mao Điền nổi tiếng của xứ Đông. Bấy giờ, Văn miếu Mao Điền là một bãi hoang, sân mọc đầy cỏ dại. Anh bùi ngùi thương cảm. Anh cho chặt 2 cây xà cừ ở thôn Hoàng Xá về thay 2 cái cột đã mục, cho dặm những viên ngói ta vào những mảng đã sụt lở. Kết quả, anh bị phê bình tại sao lại đi sửa chữa nơi thờ cúng người nước ngoài, mê tín dị đoan, trong khi cần quan tâm nhiều hơn đến các trường học. Chức vụ của anh được người khác thay và anh thuộc diện phải đi học để trau dồi tư tưởng lập trường…


Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh có công lớn đối với việc tôn tạo Văn miếu Mao Điền

Nguyễn Hữu Oanh đưa tôi đi thăm Văn miếu Mao Điền ngay trong chiều tôi đến thăm anh. Sắp đến ngày thi đại học và cao đẳng, sĩ tử lần lượt đến văn miếu thắp hương trước những người thầy của muôn đời. Một cô giáo bảo học sinh: "Các con đến chào thầy Oanh đi. Công của thầy đối với văn miếu này lớn lắm".

Các cháu ríu rít đến chào anh. Điều đơn giản ấy thực sự làm tôi cảm động. Tôi bảo: "Đấy là tấm huân chương cao quý nhất mà nhân dân tặng anh. Những gì tốt đẹp sẽ còn lại mãi mãi".

Sau một hồi thăm thú, Nguyễn Hữu Oanh bảo tôi: Một lần, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi thấy các em học sinh rủ nhau đi mua hoa, ríu rít tặng các thầy cô giáo, một phong tục mới rất đẹp. Tự nhiên tôi nghĩ: Có một ông thầy của tất cả mọi ông thầy còn nằm trong cánh rừng hoang kia, sao không có ai tặng hoa là ra làm sao. Tôi mua một bó hoa và bảo chú lái xe đưa tôi về Chí Linh. Lúc bấy giờ, đường vào xã Văn An còn gập ghềnh lắm, cây lá rậm rạp, đi lại khó khăn chứ đâu có được dễ dàng như bây giờ. Khoảng 11 giờ trưa thì tôi đến khu đất mà các cụ ngày trước bảo rằng thầy giáo Chu An (2), đã từ quan về ở ẩn, dựng trường dạy học ở đây. Đó là trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam. Một bà mừng rỡ chạy ra: Đúng ông này rồi! Tôi chờ ông từ sáng tới giờ. Tôi ngạc nhiên hỏi sao lại chờ tôi. Bà bảo: Đêm qua tôi nằm mơ thấy thầy về, mặc quần áo đỏ, tóc bạc râu thưa. Thầy bảo: Trong vòng sáng mai, sẽ có một người lên thăm thầy. Người ấy sẽ lo tính việc xây nhà cho thầy đấy. Vậy người này đúng là ông vì bây giờ đã là trưa rồi. Bây giờ, kể với anh điều này tôi vẫn ngại ngần, vì có thể anh sẽ nghĩ là tôi bịa ra. Nếu còn thời gian, ngay hôm nay tôi sẽ đưa anh đến gặp bà ấy. Bà ấy là Vũ Thị Xuân, người xã Cộng Hòa. Chính bà đã tự dỡ ngôi nhà ngang của mình đưa lên núi, dựng tạm ngôi nhà nhỏ và hằng ngày tự nguyện đến thắp hương cho thầy.

- "Lòng dân dù ở thời nào. Vẫn như mây nước thấm vào cỏ hoa…" - tôi đọc 2 câu thơ…

- Đúng là lòng dân… Dân mình kỳ diệu thật đấy anh ạ! Khi bà Xuân đưa tôi thẻ hương, tôi đốt cả cắm vào bát hương. Điều này anh có tin được không? Cả bát hương bốc cháy đùng đùng. Bà Xuân kêu lên: Đúng là ông rồi! Thầy đã bảo tôi mà. Vậy ông là ai? Từ đâu đến đây? Tôi rợn cả người, chợt nghĩ: Hình như người xưa vẫn còn ở quanh chúng ta anh ạ, vẫn hiểu được chúng ta, nghe được chúng ta, vẫn theo dõi từng bước đi của chúng ta… Dọc đường về tỉnh, tôi đã hình dung xong những điều sẽ báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy trong phiên họp chỉ vài ngày sau và nội dung cuộc điện thoại mà tôi sẽ báo cáo trước Bộ trưởng Giáo dục… Tôi cho mua một ngôi nhà gỗ cổ ở Nam Sách, dựng tạm lên làm đền thờ thầy, thay cho ngôi nhà cũ của bà Xuân. Bởi tôi biết việc này phải kiên trì vận động trong nhiều năm, qua nhiều cấp… Thế rồi, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, Chủ tịch TP Hà Nội vào cuộc vì thầy Chu An là người Hà Nội. Phó Chủ tịch nước, Bộ trưởng, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục… rồi Hội nghị hiệu trưởng toàn quốc họp, mỗi thầy cô giáo tự nguyện góp 1 ngày lương để xây đền thờ và sửa sang mộ thầy. Đến gần 10 năm trời và bây giờ đền sắp khánh thành thì tôi đi… 

Giọng Nguyễn Hữu Oanh thoáng một chút bùi ngùi!


Đền thờ thầy giáo Chu Văn An

Nguyễn Hữu Oanh còn kịp tham gia cắt băng khánh thành đền Bia thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh, một trong những công trình mà anh đã góp nhiều tâm sức để hoàn thành trước khi về công tác tại Hà Nội. Ngày 15.2.2000 (âm lịch), lần đầu tiên ngành y tổ chức quốc giỗ Tuệ Tĩnh, từ gợi ý của anh, nhân 200 năm ngày mất của cụ. Bộ trưởng Y tế đã phát động toàn ngành học tập y đức của cụ và góp sức cùng Nhà nước sửa sang lại ngôi đền thờ cụ ở nơi mà hơn 300 năm nay, sự ra đời của ngôi đền đã trở thành huyền thoại.

Tháng 4 năm Canh Ngọ (1690), vua Lê Hi Tông lập đoàn sứ bộ sang nhà Thanh để nộp thuế cống và yêu cầu nhà vua tra xét cho rõ ràng, trả lại cho ta đất đai các thôn động ở bốn châu Bảo Lạc, Vị Xuyên, Thủy Vĩ và Quỳnh Nhai mà quan quân Vân Nam đã chiếm. Đoàn do Thượng Bảo khanh, tiến sĩ đời Vĩnh Trị là Nguyễn Danh Nho, người làng Nghĩa Phú, cùng quê với cụ Tuệ Tĩnh, làm Chánh sứ; Phương Thạch hầu, Tả thị lang bộ Hộ, phụ trách về đất đai, dân số và hộ tịch thời đó, đảm nhiệm việc đòi đất trong chuyến đi sứ lần này, là cụ tổ 9 đời của tôi. Trong thời gian ở Trung Quốc, đoàn đã đến thăm mộ cụ Tuệ Tĩnh ở Giang Nam và vô cùng xúc động trước dòng chữ cụ cho khắc trước vào bia đá, rồi nhờ người đặt lên mộ mình: Có ai người nước Nam sang đây, hãy đưa tôi về với. Biết không thể đưa hài cốt cụ cùng về, Chánh sứ Nguyễn Danh Nho đã lấy giấy bản dập hàng chữ trên bia. Khi về nước, ông thửa một phiến đá tương tự như thế rồi thuê thợ khắc chữ y như bản dập, đưa bia lên thuyền chở về làng. Thuyền bia về đến đây, cách làng chỉ một đoạn đường sông thôi thì mắc cạn, thuê bao nhiêu người kéo đẩy cũng không được. Ông bước lên bờ và kinh ngạc nhận ra doi đất làm con thuyền mắc cạn giống như con dao thái thuốc của Thiền sư. Ông nghĩ đây là ý của chính cụ chăng nên cho khiêng bia lên doi đất đặt ở đấy và lập một cái miếu nhỏ để thờ. Tôi đã đứng trên cái doi hình con dao cầu linh thiêng ấy và cảm nhận lẽ kỳ diệu của trời đất.

TRẦN NHUẬN MINH

-------------------
1. Theo Tuệ Tĩnh và nền y học cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Y học 1975, bộ sách này lúc đầu có tên là Thập tam phương gia giảm, do cư sĩ Lê Đức Toàn chép lại. Năm 1717, sách đến tay vua Lê Dụ Tông, nhà vua giao Viện Thái y soát lại rồi cho in làm 2 tập, đặt tên là Hồng Nghĩa giác y thư. Sách in xong năm 1725 và truyền lại đến nay.

2. Sau khi chết, Chu An được vua Trần Nghệ Tông ban cho tước Văn Trịnh Công