"Thuốc" trị bạo lực học đường

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:17, 25/12/2022

Liều thuốc đặc trị bệnh bạo lực học đường phải được “điều chế” bằng tình thương yêu, quan tâm của gia đình, nhà trường và rộng hơn là toàn xã hội.

Cách đây vài ngày một video clip ghi lại hình ảnh 1 nữ sinh của Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương bị đánh đăng tải trên mạng xã hội một lần nữa khiến nhiều người lo lắng về bạo lực học đường hiện nay. Hai em đánh nhau nhưng bạn bè và những người có mặt lúc đó không hề can ngăn, thậm chí còn hùa vào cổ vũ cho hành động trên.

Đây không phải là lần đầu tiên video clip quay cảnh bạo lực trong học sinh xuất hiện trên mạng xã hội. Trước đó hồi tháng 3, tại Nam Sách liên tiếp xảy ra 2 vụ đánh nhau của học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện và Trường THPT Phan Bội Châu. Có em bị thương nặng phải đưa đi cấp cứu.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, cả nước xảy ra gần 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (bình quân khoảng 5 vụ/ngày). Phần lớn các vụ học sinh xô xát, đánh nhau xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trên lớp, trong cuộc sống, nói xấu nhau trên mạng xã hội... Đáng chú ý gần đây số vụ bạo lực diễn ra ở nữ sinh nhiều hơn. Hình ảnh các em bị túm tóc, xé quần áo... thật đáng sợ.

Sau mỗi vụ được phát hiện, các em đã phải nhận những mức xử phạt nhưng đó chỉ là phần nổi của tảng bằng chìm bởi thực tế còn nhiều vụ bạo lực vẫn âm thầm diễn ra trong trường học mà không bị phát hiện. Tôi biết có những học sinh phải chịu đựng sự tẩy chay, nói xấu, cô lập từ bạn bè. Ở một số nơi các em còn lập nhóm nói xấu nhau trên mạng xã hội. Nhiều em vừa phải chịu áp lực học hành vừa phải chịu tổn thương vì bị bắt nạt trên mạng nên rơi vào bế tắc, trầm cảm.

Mái trường là nơi cung cấp cho các em tri thức bước vào đời, nơi chắp cánh cho những ước mơ và có thể là nơi được cha mẹ gửi gắm con vì sự an toàn, thân thiện, nhưng nếu không quan tâm để những vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xuất hiện nhiều thì rất có thể trường học lại là nơi ẩn chứa những nỗi đau khôn lường, âm thầm ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ.

Dễ thấy sau mỗi vụ BLHĐ, cách giải quyết đơn giản là đối thoại giữa nhà trường và gia đình. Nhẹ thì người gây ra vụ việc sẽ xin lỗi đối phương, nặng thì nhà trường đuổi học học sinh. Nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được tận gốc vấn đề.

Ở Nhật Bản hay Thụy Điển, các trường thường xuyên tổ chức những khoá học tâm lý học đường cho giáo viên. Hầu hết các trường ở đây có địa chỉ email riêng để học trò có thể gửi gắm tâm sự, những chuyện tế nhị, khó nói. Khi phát hiện BLHĐ, các trường ở Nhật Bản cũng có hình thức xử lý hay, đó là cách ly tự vấn hoặc trải nghiệm cảm xúc. Cách ly tự vấn có nghĩa là để học sinh có hành vi bạo lực ngồi trong một căn phòng yên tĩnh, viết ra giấy những hành vi của mình, tự đánh giá hành vi ấy gây tổn thương như thế nào đến bạn… Các em được trải nghiệm cảm xúc bằng cách “đổi vai”. Bạn A có lời nói xúc phạm bạn B, thì bây giờ để bạn B đổi vai và tái hiện lại những lời nói ấy đến bạn A, để bạn A có thể hiểu hơn những tổn thương tinh thần mà bạn B phải chịu. Ngoài ra, ở một số trường học còn thành lập lực lượng chuyên trách xử lý BLHĐ, để khi có vụ việc họ vào cuộc và có cách xử lý phù hợp.

Đã đến lúc cần liều thuốc đặc trị bệnh BLHĐ. Thuốc đó phải được “điều chế” bằng tình thương yêu, quan tâm của gia đình, nhà trường và rộng hơn là toàn xã hội. Nhà trường, gia đình cần trở thành nơi tin cậy cho các em bày tỏ, chia sẻ những tâm tư, tình cảm, bức xúc. Khi học sinh sẵn sàng chia sẻ thì chúng ta mới có giải pháp hiệu quả để giúp trẻ vượt qua khủng hoảng, tránh xa những hành vi lệch lạc, từ đó hướng đến những suy nghĩ và hành động tốt đẹp hơn.

BẢO ANH