10 sự kiện thế giới nổi bật năm 2022

Tin tức - Ngày đăng : 09:23, 25/12/2022

Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất, World Cup 2022 tại Qatar... là những sự kiện thế giới nổi bật năm 2022.

1. Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine


Người dân sơ tán khỏi thành phố Irpin, tây bắc thủ đô Kiev (Ukraine) ngày 5.3. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 24.2, Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Xung đột nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu dừng lại, đẩy quan hệ Nga-phương Tây vào vòng xoáy đối đầu mới.

Cuộc xung đột cùng các biện pháp trừng phạt-đáp trả giữa Nga và phương Tây tác động nặng nề tới an ninh, chính trị toàn cầu; đẩy giá khí đốt có thời điểm đạt mức cao kỷ lục trong 14 năm; nhiều quốc gia phải đối mặt với thiếu hụt lương thực và giá cả hàng hóa tăng mạnh kể từ tháng 3 đến tháng cuối của năm.

2. Nhiều ngân hàng trung ương tăng mạnh lãi suất


Trong năm 2022, Fed đã bảy lần tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5%. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 16.3, lần đầu tiên trong hơn ba năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất. Trong năm 2022, Fed đã bảy lần tăng lãi suất, đưa lãi suất cơ bản lên 4,25-4,5%.

Ngày 21.7, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm và sau đó tăng thêm ba lần nữa trong năm. Việc Fed, ECB và nhiều ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và giữ thị trường tài chính ổn định đã làm cho một số nền kinh tế rơi vào nguy cơ suy thoái.

3. Thế giới ứng phó với dịch COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ


Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng bệnh đậu mùa khỉ tại Los Angeles, California (Mỹ), ngày 27.7. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo đại dịch COVID-19 chưa thể chấm dứt do biến thể phụ Omicron của virus Corona tiếp tục làm dịch bệnh lây lan mạnh ở nhiều quốc gia.

Cùng đó, ngày 23.7, WHO ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh “đậu mùa khỉ.” Dịch bệnh tiếp tục gây lo ngại cho nhiều quốc gia, hoạt động bình thường vẫn chưa được khôi phục hoàn toàn trên phạm vi toàn cầu.

4. Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức thành công Đại hội XX


Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Tập Cận Bình (giữa, hàng đầu) cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước tại lễ khai mạc Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XX Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh ngày 16.10. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 16-22.10, ông Tập Cận Bình đã được bầu lại làm Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp.

Đại hội thông qua sửa đổi Điều lệ Đảng, đồng thời xác định nhiệm vụ chiến lược trong 5 năm tới và xa hơn nữa, hướng tới thực hiện thành công mục tiêu "100 năm thứ hai" xây dựng Trung Quốc trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại toàn diện về mọi mặt vào năm 2049.

5. Biến động liên tiếp trên chính trường Anh


Ngày 25.10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm nhận cương vị thủ tướng Anh trong hơn 200 năm. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 7.7, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố từ chức. Đến ngày 20.10, bà Liz Truss, người được được bầu thay thế ông Boris Johnson, cũng từ chức sau 45 ngày tại vị, trở thành thủ tướng cầm quyền ngắn nhất trong lịch sử nước Anh. Ngày 25.10, ông Rishi Sunak, 42 tuổi, trở thành người trẻ nhất đảm nhận cương vị thủ tướng Anh trong hơn 200 năm.

Ngày 8.9, Nữ hoàng Anh Elizabeth II qua đời ở tuổi 96 sau 70 năm trị vì. Thái tử Charles lên kế vị, trở thành Nhà Vua Charles III.

6. COP27 đạt thỏa thuận thành lập Quỹ bồi thường tổn thất do biến đổi khí hậu


Các phái đoàn tham dự COP27 đã bày tỏ sự ủng hộ sau khi quỹ bồi thường "tổn thất và thiệt hại" được nhất trí thông qua. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20.11, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) thông qua thỏa thuận bước ngoặt về việc các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ đền bù tổn thất cho các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn đối với con người và môi trường.

7. Dân số thế giới cán mốc 8 tỷ người


Ngày 15.11.2022 trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của xã hội loài người khi dân số thế giới chính thức đạt 8 tỷ người. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 15.11, bé gái Venice Mabansag, chào đời ở Manila (Philippines) trở thành công dân thứ 8 tỷ.

Dấu mốc dân số này vừa tạo động lực phát triển vừa đặt thế giới trước những thách thức về môi trường, hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước...

8. Thảm kịch giẫm đạp tại Hàn Quốc và Indonesia


Lực lượng cứu hộ chuyển nạn nhân tại hiện trường vụ giẫm đạp ở khu Itaewon, Seoul (Hàn Quốc), ngày 30.10. Ảnh: THX/TTXVN

Ít nhất 158 người đã thiệt mạng trong vụ giẫm đạp kinh hoàng khi hàng chục nghìn người tham gia lễ hội Halloween tại khu phố Itaewon ở Seoul (Hàn Quốc) tối 29.10. Hơn 130 người đã thiệt mạng và hàng trăm người bị thương trong vụ giẫm đạp và xô xát xảy ra tối 1.10 tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang (Indonesia).

Hai thảm họa liên tiếp trong vòng một tháng dấy lên hồi chuông cảnh báo về sự an toàn của các sự kiện tập trung đông người sau đại dịch COVID-19.

9. NASA thực hiện thành công thử nghiệm thay đổi quỹ đạo của tiểu hành tinh


Hình ảnh mô phỏng do Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ-NASA công bố ngày 4.11.2021: Tàu vũ trụ thực hiện thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) chuẩn bị đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Ảnh: AFP/TTXVN

Tối 26.9 (giờ Mỹ), tàu vũ trụ mang tên Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh (DART) của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã thực hiện cú va chạm có chủ đích với Dimorphos, đẩy tiểu hành tinh này chệch khỏi quỹ đạo tự nhiên.

Đây là lần đầu tiên con người thành công trong việc thay đổi có chủ đích chuyển động của một vật thể ngoài vũ trụ, và cũng là lần đầu tiên công nghệ dịch chuyển tiểu hình tinh được thực hiện được một cách toàn diện.

10. World Cup 2022 tại Qatar với nhiều điều đặc biệt


Giây phút đăng quang vô địch World Cup 2022 của Lionel Messi (giữa) cùng các đồng đội Argentina. Ảnh: AFP/TTXVN

Lần đầu tiên, Giải vô địch bóng đá thế giới FIFA World Cup được tổ chức vào cuối năm (giữa mùa giải), tại một nước Arab, có trọng tài nữ điều hành, sử dụng công nghệ xác định việt vị bán tự động, ứng dụng thông tin hiệu suất cầu thủ FIFA Player và hệ sinh thái dữ liệu bóng đá...

Cầu thủ Lionel Messi của đội vô địch Argentina trở thành cầu thủ đầu tiên có hai Quả bóng vàng World Cup. Đội tuyển Maroc làm nên lịch sử khi là đại diện đầu tiên của châu Phi vào nhóm bốn đội tuyển mạnh nhất vòng chung kết.

Theo TTXVN