Dự báo thế giới 2023: Châu Âu quay trở lại năng lượng hạt nhân

Tin tức - Ngày đăng : 07:51, 26/12/2022

Tại Pháp, nhận định về tình hình phát triển điện hạt nhân ở khu vực châu Âu, nhật báo Les Echos cho rằng cuộc xung đột tại Ukraine đang khiến năng lượng hạt nhân trở thành chủ đề được quan tâm.

Chú thích ảnh

Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Bugey ở Saint-Vulbas, miền Đông Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Hà Lan, Thụy Điển, Pháp và Ba Lan đều hy vọng vào sự hồi sinh mạnh mẽ của loại hình năng lượng này trong những năm tới.

Phát biểu tại buổi lễ tái khởi động năng lượng hạt nhân của Pháp được tổ chức ở Penly, Normandy, đầu tháng này, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho rằng tất cả các nước công nghiệp lớn ở châu Âu, bao gồm cả các quốc gia đã đưa ra lựa chọn khác, "sớm muộn cũng sẽ quay trở lại với năng lượng hạt nhân". Tuyên bố này dường như báo trước sự hồi sinh năng lượng hạt nhân ở "Lục địa Già" và là một trong những tín hiệu khởi động chiến dịch này.

Hà Lan và Thụy Điển đã liên tiếp công bố các dự án mới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Đối với hai quốc gia này, các thông báo đó đã đánh dấu sự đảo ngược sâu sắc trong chính sách năng lượng của họ. Tại Thụy Điển, chính phủ tiền nhiệm đã thông qua lộ trình nhằm đạt mục tiêu 100% điện năng được sản xuất từ năng lượng tái tạo vào năm 2040. Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố, bằng cách bổ sung điện hạt nhân vào tổ hợp năng lượng, nước này sẽ giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến sản xuất điện và  sẽ bớt phụ thuộc vào các quốc gia cung cấp nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều quốc gia khác ở châu Âu cũng đã lựa chọn việc hồi sinh năng lượng hạt nhân từ trước khi xảy ra cuộc xung đột tại Ukraine và đang tiếp tục đi trên con đường này. Pháp có dự án xây dựng 6 lò phản ứng kiểu EPR (lò phản ứng nước áp lực thế hệ thứ ba). Ba Lan là nước muốn xây dựng 6 đến 9 GW điện hạt nhân vào năm 2043. Thậm chí Anh cũng muốn xây dựng tại Sizewell các lò phản ứng giống như mô hình đã được Tập đoàn điện lực Pháp (EDF) thực hiện trong dự án Hinkley Point C tại Somerset.

Chú thích ảnh

Nhà máy điện hạt nhân Isar ở Essenbach, gần Landshut, miền Nam Đức. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Đức và Bỉ dù chưa có những kế hoạch chi tiết như vậy nhưng cũng đã khẩn trương hoãn thời hạn đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân của họ. Những quyết định chính trị mang tính đảo ngược này rất đáng chú ý, đặc biệt là đối với Đức, nước đã coi việc từ bỏ điện hạt nhân là nền tảng trong chính sách năng lượng của mình.

Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ông Fatih Birol, nhận định trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng và giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao như hiện nay, điện hạt nhân có thể trở lại vị trí hàng đầu. Tuy nhiên, điều này sẽ phụ thuộc vào khả năng của các chính phủ và ngành công nghiệp hạt nhân trong việc huy động các khoản đầu tư cần thiết và việc nhanh chóng giải quyết các vấn đề về bội chi ngân sách cũng như tình trạng chậm trễ hàng loạt.

Trong các dự báo từ nay đến năm 2030, IEA ước tính tỷ lệ điện hạt nhân trong tổ hợp điện toàn cầu sẽ chỉ duy trì gần với mức hiện nay của nó là 10%, vì các dự án mới sẽ không kịp đưa vào hoạt động để bù đắp cho việc đóng cửa nhiều lò phản ứng đã đến cuối vòng đời vận hành.

Theo TTXVN