Pele mãi là vua bóng đá
Quốc tế - Ngày đăng : 08:07, 27/12/2022
Pele luôn biết cách tỏa sáng ở các kỳ World Cup - Ảnh: INTERNET
Khi còn là một cậu bé, Edson Arantes Do Nascimento được bạn bè gọi bằng biệt danh Pele như một cách trêu chọc cho việc anh phát âm sai tên cầu thủ mình yêu thích - thủ môn Bile của Vasco De Gama. Mãi đến nhiều năm sau này, người ta mới nói cho Pele biết rằng, trong tiếng Hebrew, cái tên đó có nghĩa là phép màu.
Thần đồng bóng đá
Và dù Pele cho biết ông chưa bao giờ yêu thích cái tên được bạn bè gán ghép cho này hay việc ngày nay chẳng còn mấy ai biết tiếng Hebrew, người hâm mộ bóng đá hơn nửa thế kỷ qua đều gật gù đồng tình rằng Pele chính là một phép màu mà Thượng đế ban tặng cho họ.
Một cách đầy "ngoan cố", vị vua của làng bóng đá vẫn khẳng định như đinh đóng cột trong nhiều lần trả lời phỏng vấn sau này rằng ông không hề thích cái tên Pele. Thay vào đó, ông thích được gọi bằng Edison hơn.
Đó vốn là cái tên mà ông được cha mẹ đặt cho, theo tên của nhà phát minh người Mỹ nổi tiếng Thomas Edison, nhưng vì sai sót giấy tờ mà tên ông trở thành Edson.
Khi mà giới hâm mộ bóng đá ngày nay thật ra cũng không còn mấy người từng được chứng kiến Pele chơi bóng, những câu chuyện kiểu như vậy càng được lưu truyền rộng rãi hơn. Người ta thắc mắc và quan tâm mọi chuyện về vị vua của họ trong sân bóng: Pele là con của ai, lớn lên ở đâu và đến với bóng đá như thế nào?
Câu chuyện của Pele giống như hầu hết những danh thủ bóng đá Brazil hậu bối mà chúng ta biết. Ông lớn lên trong đói nghèo ở một khu phố ổ chuột tại Sao Paulo và phải làm công việc chạy bàn từ nhỏ để phụ giúp gia đình.
Điều Pele may mắn hơn là có một người cha từng chơi bóng đá chuyên nghiệp - ông Dondinho. Chính ông Dondinho đã dạy con mình cách chơi bóng, rồi sớm nhận ra cậu bé Pele có thiên phú thực sự với quả bóng tròn.
Mới 10 tuổi, tiềm năng của Pele đã được các câu lạc bộ chuyên nghiệp để mắt đến. Và khi cậu bé 14 tuổi này giúp đội trẻ Bauru Athletic Club giành chức vô địch toàn bang Sao Paulo năm 1954, dòng thời gian của bóng đá chính thức được đóng một cột mốc.
2 năm sau, Pele được ông Waldemar de Brito - Huấn luyện viên đội trẻ của Bauru - giới thiệu cho Santos. Ông de Brito đã nói với các đồng nghiệp ở Santos khi đó rằng: "Cậu bé này sẽ trở thành cầu thủ vĩ đại nhất thế giới". Chỉ vài tháng sau đó, Pele ra mắt Santos khi còn chưa đến tuổi 16 và ghi ngay hai bàn trong hai trận đầu tiên.
World Cup 1958 và cuộc xưng vương vĩ đại
Sự tiến bộ thần tốc ở Santos khiến Pele được điền tên vào danh sách tuyển Brazil tham dự World Cup 1958 khi mới 17 tuổi. Ông thậm chí bị dính một chấn thương đầu gối phải bỏ lỡ hai trận đầu tiên của giải.
Nhưng các đồng đội ở tuyển đồng lòng khuyên huấn luyện viên tuyển Brazil khi đó là ông Vicente Feola điền tên cậu em út của đội vào sân trong trận cuối cùng giai đoạn vòng bảng gặp Liên Xô.
Pele không ghi bàn trong trận đó, nhưng ông lần đầu tiên được hít thở bầu không khí World Cup và sẵn sàng cho một cuộc xưng vương vĩ đại nhất lịch sử bóng đá.
Bàn thắng duy nhất giúp Brazil thắng tối thiểu Xứ Wales ở tứ kết, một cú hat-trick trong vòng 23 phút vào lưới tuyển Pháp (thắng 5-2) ở bán kết, và cú đúp vào lưới Thụy Điển (cũng thắng 5-2) ở chung kết.
Cả thế giới bóng đá sững sờ trước sự xuất sắc của chàng trai 17 tuổi. Dù vậy, Didi - đàn anh hơn Pele 12 tuổi - vẫn được đánh giá cao hơn nhờ vai trò tiền vệ tổ chức và được các chuyên gia chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải năm đó (danh hiệu này khi đó chưa chính thức, nhưng sau này đã được FIFA công nhận).
4 năm sau, Pele lúc này đã được công nhận là cầu thủ xuất sắc nhất giải khi dự World Cup 1962. Nhưng chấn thương khiến ông phải ngồi ngoài phần còn lại của giải đấu sau khi kết thúc trận thứ hai gặp CH Czech. Năm đó, Brazil vẫn lên ngôi vô địch và người góp công lớn nhất là Garrincha.
Pele trải qua một kỳ World Cup không mấy thành công nữa ở World Cup 1966, khi tuyển Brazil bị loại từ vòng bảng. Và rồi 4 năm sau đó, vua bóng đá trở lại đầy mạnh mẽ trên đất Mexico. Bốn bàn thắng của ông góp công lớn giúp Brazil đoạt chiếc cúp vàng lần thứ 3 trong lịch sử, còn bản thân Pele được giới chuyên môn bầu chọn là cầu thủ xuất sắc nhất giải.
Đến thời điểm này, chẳng còn ai tranh cãi về danh hiệu vua bóng đá của Pele nữa. Ông giã từ tuyển quốc gia vào năm 1971 với một sự nghiệp đầy viên mãn. Lịch sử hào hùng của bóng đá xứ sở samba cũng như việc họ trở thành nền bóng đá mạnh nhất World Cup có quá nửa mang dấu ấn của Pele.
Bảo vật quốc gia
Không chỉ vậy, vị vua của bóng đá Brazil còn tạo nên những kỷ lục cá nhân đặc biệt. Nổi bật nhất trong đó là số lượng bàn thắng nhiều nhất mọi thời đại.
Sách kỷ lục Guinness hiện đang ghi nhận Pele là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất với 1.279 bàn thắng. Dù khoảng 1/3 trong số đó là bàn thắng từ các trận giao hữu cùng Santos, cột mốc ngàn bàn thắng mà Pele tạo ra vẫn được xem là kỳ tích của loài người.
Nên nhớ vào giai đoạn đó, cầu thủ bóng đá chưa có được sự chăm sóc của đội ngũ y tế, thể lực, dinh dưỡng riêng biệt và chuyên nghiệp như ngày nay. Vì vậy, rất khó để có thể duy trì sự thăng hoa bền bỉ được như Pele.
Xuất sắc đến vậy nhưng phần lớn sự nghiệp của Pele chỉ gắn liền với Santos. Phải đến năm 1975, khi đã gần 35 tuổi, vua bóng đá mới chuyển sang "dưỡng già" ở New York Cosmos của Mỹ.
Nguyên nhân đến từ một quyết định lạ lùng của Tổng thống Brazil Janio Quadros - người tuyên bố Pele là báu vật quốc gia vào năm 1961. Và điều này khiến các câu lạc bộ châu Âu chịu thua trong nỗ lực ký hợp đồng với ông. Quyết định này khiến làng bóng đá thế giới tiếc nuối, nhưng càng làm cho những giai thoại về vị vua bóng đá trở nên huyền ảo hơn.
40 năm qua, những người hâm mộ bóng đá các thế hệ sau chỉ còn biết đến Pele qua những câu chuyện truyền miệng, các bài báo, hay tiêu cực hơn là những bê bối đời tư liên quan đến những lần ngoại tình của ông.
Pele thậm chí còn bị mỉa mai vì "biệt tài" đoán đâu... trật đó. Nhưng khi gói gọn tất cả vào sân cỏ, tất cả chúng ta đều phải ngả mũ trước vị vua tuyệt đối của làng bóng đá - người đã ba lần vô địch World Cup, ghi hơn 1.000 bàn thắng trong sự nghiệp và trở thành biểu tượng của xứ sở samba trong môn bóng đá.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
"Thánh", "Hoàng đế" đều phục "Vua" Pele Sự công nhận cho biệt danh vua bóng đá của Pele đến từ bóng đá thế giới chứ không riêng người dân Brazil. Với biệt danh "Thánh Johan", huyền thoại bóng đá Hà Lan Johan Cruyff từng nhận xét Pele rằng "ông ấy là cầu thủ bóng đá duy nhất vượt qua khỏi logic". "Hoàng đế" Beckenbauer (Đức) cũng khẳng định: "Pele là cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại. Ông ấy đã trị vì xuyên suốt gần 20 năm, không ai có thể so sánh với ông ấy". Còn Ferenc Puskas (Hungary), một trong những cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại, nói: "Cầu thủ xuất sắc nhất lịch sử là Di Stefano. Tôi xếp Pele ngoài danh sách cầu thủ, anh ấy vĩ đại hơn tất cả". |
Theo Tuổi trẻ