Nhà khoa học sát cánh cùng nông dân
Làm theo gương Bác - Ngày đăng : 16:22, 27/12/2022
Ông Nguyễn Ngọc Thái (bên phải) hướng dẫn anh Nguyễn Quang Sỹ ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) cách chăm sóc bò
Hơn 50 năm công tác, ông Nguyễn Ngọc Thái, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng và phát triển khoa học - công nghệ (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh) luôn gắn bó, đồng hành, hỗ trợ nông dân.
Anh Lê Xuân Bến ở thôn Thừa Liệt, xã Thanh Hải (Thanh Hà) kể, nhiều ngày nay, con bò sinh sản của gia đình bị liệt. Sau khi kiểm tra, ông Thái khẳng định bò bị kiệt sức do đang nuôi con nhưng chưa được chăm sóc chu đáo. Ông đã tư vấn cho anh Bến cần cho bò ăn thêm cám gạo, rơm, muối, đá liếm… Khi đủ dinh dưỡng, sức khỏe của bò sẽ được cải thiện.
Gia đình anh Nguyễn Quang Sỹ ở thôn Tiền Vỹ, xã Thanh Hải cũng được ông Thái chữa trị để con bò cái tiếp tục sinh sản. Con bò nhà anh Sỹ đã đẻ được 3 lứa nhưng sau đó ngừng lại. Anh đã tìm mọi cách chữa trị nhưng không được. Trong một lần tham gia lớp tập huấn do huyện Thanh Hà tổ chức, lắng nghe ông Thái chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Sỹ đã hỏi và được ông Thái giải đáp các thắc mắc về bò sinh sản. Ông Thái còn về nhà anh Sỹ để khám và chữa, hướng dẫn anh Sỹ cách chăm sóc, bổ sung dinh dưỡng cho bò. Nhờ đó, sau 2 năm ngừng, con bò đã sinh sản trở lại.
Sau khi tốt nghiệp ngành chăn nuôi, thú y của Trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc, ông Thái nhập ngũ. Trong những năm chiến tranh, bên cạnh tham gia chiến đấu, ông Thái còn trực tiếp tham gia xây dựng căn cứ hậu cần chiến lược phục vụ việc sản xuất lương thực, thực phẩm. Sau chiến tranh, ông tích cực tham gia xây dựng các nông trường chăn nuôi ở khu vực phía Nam. Nổi bật là xây dựng nông trường nuôi bò ở làng Vây, huyện Lao Bảo (Quảng Trị).
Hòa bình lập lại, ông Thái về công tác và giữ những vị trí quan trọng tại nhiều cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh như Giám đốc Trung tâm Giống gia súc tỉnh, Chủ tịch Hội Khí sinh học tỉnh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng và phát triển khoa học công nghệ... Ở vị trí nào, ông cũng tích cực tìm tòi, bổ sung các kiến thức mang lại lợi ích trực tiếp cho nông dân.
Ông Thái được coi là “cha đẻ” của việc xử lý môi trường chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học biogas. Để áp dụng được công nghệ này trong thực tiễn, ông đã tham gia khóa đào tạo ở Trung Quốc trong năm 1998. Sau khi về nước, ông tham gia một số dự án của Hà Lan về khí sinh học trên địa bàn tỉnh. Ông đã xây dựng 16 đội thợ xây để lắp đặt bể composite, hồ che phủ HDPE và đã xây dựng được hàng nghìn công trình khí sinh học từ 100 m3 đến cả nghìn m3. Nhờ đó, môi trường chăn nuôi được cải thiện đáng kể, người dân sử dụng khí vào đun nấu, sưởi ấm cho gia súc, gia cầm, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Một trong những hoạt động nữa gắn bó tên tuổi của ông Thái với nông dân đó là việc ông tập trung đào tạo, dạy nghề cho gần 1.100 dẫn tinh viên bò, lợn trên địa bàn tỉnh. Họ đã tổ chức thành mạng lưới truyền tinh lợn, bò từ tỉnh đến cơ sở. Nhờ đó, tạo ra những lứa bò sinh sản cũng như bò thịt chất lượng cao, tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân...
Trong quá trình công tác, ông Thái có 12 sáng kiến, đề tài nghiên cứu với tư cách là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm hoặc tham gia được ứng dụng vào thực tiễn, các lĩnh vực chủ yếu là chăn nuôi và bảo vệ môi trường. Ông vinh dự được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, giải thưởng khoa học của các cấp, ngành. Năm 2022, ông Thái được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu “Nhà khoa học của nhà nông”.
THANH HÀ