10 nguy cơ hàng đầu của an ninh thế giới năm 2023
Tin tức - Ngày đăng : 10:08, 29/12/2022
Nhóm các nhà phân tích có nhiều năm nghiên cứu tại Hội đồng Tình báo Quốc gia thuộc Cộng đồng Tình báo Mỹ đã thực hiện bản dự báo về 10 nguy cơ an ninh hàng đầu của thế giới năm 2023. Dưới đây là phần tóm tắt các ý chính trong báo cáo này.
Mỗi nguy cơ được gắn với một xác suất. Xác suất trung bình có nghĩa là cơ may 50/50 sẽ thành hiện thực. Trong bài này có 3 mức xác suất chính, là thấp, trung bình, và cao.
Việc dự báo rất khó khăn do có nhiều nguy cơ đan xen với nhau. “Đa khủng hoảng” là thuật ngữ dùng để chỉ bản chất hòa quện vào nhau của các khủng hoảng. Mặc dù các “đa khủng hoảng” đã tồn tại trước đây, cuộc xung đột Ukraine đã làm nổi rõ một bộ các khủng hoảng phụ thuộc lẫn nhau mà toàn thế giới hiện nay đang đối diện.
Khủng hoảng lương thực xấu đi do Ukraine không có khả năng xuất khẩu ngũ cốc. Khủng hoảng năng lượng bắt nguồn từ việc phương Tây nỗ lực ngăn bộ máy quân sự của Nga được tiếp sức từ lợi nhuận bán dầu khí và việc Nga trả đũa bằng cách cắt khí đốt cung cấp cho châu Âu.
Lạm phát tăng cao do giá năng lượng và giá lương thực tăng vọt nhưng cũng có liên quan đến việc chuỗi cung ứng bị xáo trộn do đại dịch Covid-19. Lạm phát cũng bắt nguồn từ giá các mặt khác gia tăng do xung đột vũ trang ở Ukraine, đồng thời cũng do các nước tăng nguồn cung tiền để chống suy thoái kinh tế do đại dịch.
Thực tế hầu hết các nguy cơ đều tác động qua lại lẫn nhau đồng nghĩa với việc nỗ lực giảm một nguy cơ đơn lẻ nào đó đều sẽ phụ thuộc vào giảm đồng thời nhiều rủi ro khác. Tương tự, tính nghiêm trọng của mỗi nguy cơ đều gắn kết và làm trầm trọng lẫn nhau.
1- Đa khủng hoảng từ xung đột Ukraine
Tàn cuộc xung đột Ukraine vẫn là điều bí ẩn. Nhưng vòng lặp đa khủng hoảng duỗi ra từ cuộc xung đột này (bao gồm bất ổn năng lượng và lương thực, lạm phát, kinh tế suy thoái) có thể đang tạo ra “nỗi mệt mỏi mang tên Ukraine” ở phương Tây, đe dọa sự ủng hộ của phương Tây dành cho Ukraine.
Khi mùa đông tới gần, chiến sự chậm lại, Tổng thống Nga Putin chắc chắn sẽ đẩy mạnh chiến lược tiêu hao, tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng và nguồn nước của Ukraine.
Các áp lực kéo và đẩy tác động lẫn nhau: Một mặt, Kiev yêu cầu được Mỹ và NATO cung cấp thêm các vũ khí tầm xa hiện đại. Mặt khác, một số nghị sĩ Mỹ muốn ngưng sự hậu thuẫn cho Ukraine.
Cuộc xung đột vũ trang này đang tạo nhiều rủi ro liên quan đến nhau, bao gồm xung đột đang diễn ra; sự leo thang xung đột nếu Mỹ và NATO gửi thêm vũ khí tiên tiến tới Kiev; Nga sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Kiev cố chiếm Crimea; sự mệt mỏi liên quan đến Ukraine ở châu Âu khi kinh tế nơi này suy thoái; và sự chia rẽ giữa Mỹ và EU về số lượng và chất lượng viện trợ quân sự cho Kiev.
Xác suất của nguy cơ này được nhóm tác giả đánh giá ở mức trên Trung bình và dưới Cao.
2- Bất ổn lương thực gia tăng
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã nhấn mạnh một “vành đai lửa” đói khát và suy dinh dưỡng trải dài khắp toàn cầu từ Trung Mỹ và Haiti đến Bắc Phi, Ghana, Cộng hòa Trung Phi, và Nam Sudan, rồi hướng sang phía Đông tới Sừng châu Phi, Syria, và Yemen và mở rộng sang Pakistan và Afghnaistan.
Số người đối mặt với bất ổn lương thực nghiêm trọng đã tăng vọt từ 135 triệu lên 345 triệu vào năm 2019. Kể cả khi xung đột Ukraine được giải quyết một cách hòa bình, tình trạng thiếu lương thực vẫn tồn tại.
Ngoài xung đột Ukraine, tình trạng biến đối khí hậu gây ra hạn hán nghiêm trọng cũng thúc đẩy tình trạng mất an ninh lương thực. Giá nhiên liệu diesel và chi phí phân bón tăng cao cũng làm tăng chi phí nuôi gia súc và động vật cung cấp sữa.
Xác suất: Cao.
3- Xung đột với Iran
Đây cũng là một đa khủng hoảng. Mỹ và Iran đứng trước nguy cơ đụng độ trực diện với Iran. Iran đang đẩy nhanh sản xuất urani làm giàu cấp độ cao. Iran đã làm giàu urani đến độ tinh khiết 60%, trong khi mức độ tinh khiết 90% là cần thiết để chế tạo bom hạt nhân. Ngoài ra họ dự kiến sẽ sớm có đầu đạn hạt nhân có thể gắn lên tên đạn đạo để phóng đi xa.
Việc Iran cung cấp UAV và tên lửa cho Nga càng làm gia tăng thêm thế đối đầu với Mỹ.
Xác suất: Cao.
4- Khủng hoảng nợ xấu đi ở các nước đang phát triển
Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã cảnh báo rằng 54 nước có thu nhập thấp và trung bình có “những vấn đề nợ nần nghiêm trọng”. Những nước này chiếm 18% dân số toàn cầu, và hơn 50% những người sống trong điều kiện hết sức nghèo khổ.
Việc hỗ trợ giảm nợ thường đến quá ít, quá chậm.
Xác suất: Trên Trung bình và dưới Cao.
5- Nợ toàn cầu tăng vọt
Cả nợ doanh nghiệp của các công ty phi tài chính lẫn nợ của chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình gộp lại đã gia tăng trong 4-5 năm qua, theo Viện Tài chính Quốc tế.
Đa khủng hoảng về lãi suất tăng cao, đồng USD mạnh, suy thoái châu Âu, tốc độ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại và những điều bất định về chiến sự Ukraine có khả năng kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính khu vực và toàn cầu nữa.
Quy mô nợ nần lớn hơn đáng kể so với thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ khiến Bắc Kinh khó hợp tác với Washington như đã từng vào năm 2008.
Xác suất: Trung bình.
6- Thiếu hụt hợp tác toàn cầu trầm trọng hơn
Các rủi ro toàn cầu, như biến đổi khí hậu và nợ ở các nước kém phát triển nhất đang gia tăng do cạnh tranh nước lớn khiến các bên khó hợp tác trong xử lý các vấn đề chung toàn cầu.
Sau hội nghị G20 vào tháng 11 giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai nhà lãnh đạo đồng ý nối lại đàm phán song phương về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan có thể ngăn cản sự hợp tác đó.
G20 cũng kém hiệu quả trong giải quyết khủng hoảng nợ ngày càng tăng ở các nước chịu ảnh hưởng lớn nhất như Bangladesh, Pakistan, Sri Lanka…, trong khi Ngân hàng Thế giới bị các nước đang phát triển chỉ trích nặng nề vì không phân bổ thêm tài chính cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Sự phân mảnh hệ thống đa phương có thể làm tăng rủi ro ói nghèo, chủ nghĩa dân tộc và xung đột.
Xác suất: Cao.
7- Hệ thống phân cực về công nghệ
Khi cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc nóng lên, Trung Quốc sẽ không tiếp cận được nhiều sản phẩm nước ngoài và sẽ thế vào đó bằng các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, từ đó khiến việc tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu bị xói mòn.
Boston Consulting Group ước tính rằng nếu các nước lớn cố gắng tự chủ về sản xuất chất bán dẫn thì chi phí đầu tư sẽ đội lên và giá các con chip sẽ đắt thêm 35-65%.
Xác suất: Trên Trung bình và dưới Cao.
8- Tác động của Biến đổi khí hậu ngày càng tệ hại
Tại Hội nghị thượng đỉnh COP27 năm 2022, các nước sản xuất dầu mỏ đã chặn các lời kêu gọi loại bỏ nhiên liệu hóa thạch ngay cả khi mục tiêu được đặt ra là giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C.
Hầu hết các nhà khoa học cho rằng thế giới sẽ sớm đặt mức tăng 1,5 độ C và đang trên hành trình tới mức 2,2 độ C trừ phi các nước cam kết cắt giảm 43% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí hậu nóng hơn sẽ đe dọa gây ra hạn hán và lũ lụt, cũng như làm đảo lộn lượng mưa, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến mùa màng.
Xác suất: Cao.
9- Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc sâu sắc hơn
Tình hình giữa 2 nước vẫn căng thẳng trong các vấn đề như trí tuệ nhân tạo, chip siêu máy tính, chất bán dẫn, thương mại, nhân quyền và Đài Loan.
Xác suất: Trên Trung bình và dưới Cao.
10- Tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng nguy hiểm
Bình Nhưỡng thực hiện 86 vụ thử tên lửa đạn đạo trong năm 2022 và hàng loạt vụ thử tên lửa hành trình, tên lửa chiến thuật, tên lửa tầm xa, tên lửa liên lục địa.
Triều Tiên đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân lần thứ 7 theo như cảnh báo của Mỹ và Hàn Quốc.
Xác suất: Trên Trung bình và dưới Cao.
Ngoài ra còn các rủi ro khác đe dọa nhân loại đó là các thảm họa tự nhiên như: Núi lửa phun, tiểu hành tinh va vào Trái Đất, bão mặt trời, các đại dịch mới còn nguy hiểm hơn cả Covid-19… Các rủi ro này được đánh giá ở mức thấp.
Theo VTC