Ngành vận tải biển có thể gặp khó nếu EU cấm thuyền viên Philippines
Thế giới - Ngày đăng : 09:14, 30/12/2022
Theo trang jalopnik.com, nếu được thông qua, lệnh cấm có thể tác động mạnh mẽ đến ngành vận tải biển toàn cầu. Hiện tại, cứ bốn thành viên thủy thủ đoàn trên các tàu hàng trên khắp thế giới thì có một người Philippines.
Liên minh châu Âu chỉ đứng sau Panama về tổng trọng tải thương mại. Lệnh cấm có thể làm đảo lộn cả một ngành đang gặp khó khăn trong nhiều năm.
Theo kênh Deutsche Welle (Đức), châu Âu đang cân nhắc lệnh cấm trên sau cuộc kiểm toán của Cơ quan An toàn Hàng hải Châu Âu (EMSA). Các cơ quan quản lý châu Âu phát hiện ra rằng các tổ chức đào tạo hàng hải ở Philippines không đáp ứng các tiêu chuẩn của Công ước Quốc tế về Tiêu chuẩn Huấn luyện, Chứng nhận và Trực ca dành cho thuyền viên.
Nếu Ủy ban châu Âu quyết định hành động, Liên minh châu Âu sẽ không còn công nhận các chứng chỉ năng lực được cấp ở Philippines nữa. Các chứng chỉ hiện tại sẽ được công nhận cho đến khi hết hạn, có thể là tối đa 5 năm kể từ bây giờ.
Chính phủ Philippines đã bị đổ lỗi cho việc không tuân thủ này. Edwin Dela Cruz thuộc nhóm quyền của người di cư Philippines Migrante International, nói với Deutsche Welle: “Chính phủ đã dựa vào các tổ chức đào tạo tư nhân để cung cấp giáo dục hàng hải, nhưng đã không trợ cấp đầy đủ cho họ để nâng cấp cơ sở vật chất sao cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Chính phủ kiếm được rất nhiều tiền từ những thuyền viên. Ít nhất họ cần cung cấp cho thuyền viên chương trình đào tạo cập nhật chứ không phải các biện pháp tạm thời”.
Theo Ngân hàng Trung ương Philippines, thuyền viên đã gửi hơn 6 tỷ USD về Philippines khi họ làm việc trên các tàu được đăng ký tại các quốc gia trên thế giới.
Giờ đây, hàng trăm nghìn thủy thủ có thể mất việc làm và ngành vận tải biển toàn cầu có thể mất một phần lớn lực lượng lao động để duy trì hoạt động.
EMSA đã cảnh báo về vấn đề này với Philippines từ năm 2006. Vào tháng 11 vừa qua, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã gặp các quan chức vận tải Liên minh châu Âu tại Bỉ và đảm bảo rằng sẽ giải quyết những thiếu sót và tuân thủ các quy định của châu Âu. Các quan chức khẳng định chính phủ Philippines đã thực hiện biện pháp nhất quán để cải thiện đào tạo và giáo dục hàng hải.
Dữ liệu từ Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển cho thấy Philippines là quốc gia có số thuyền viên đông nhất thế giới. Ước tính có 380.000 thuyền viên Philippines, tương đương 1/4 tổng số thủy thủ đoàn trên các tàu thương mại toàn cầu.
Dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các thuyền viên Philippines. Trong giai đoạn cao điểm năm 2020, khoảng 50.000 thuyền viên Philippines đã trở về nhà. Theo các dữ liệu của chính phủ, quá trình tuyển dụng thuyền viên mới chỉ trở lại bình thường từ năm 2021.
Ông Jan Hoffmann, Giám đốc bộ phận hậu cần thương mại tại Hội nghị của Liên hợp quốc về thương mại và phát triển, nói: "Các thuyền viên, gồm cả người Philippines, đã gặp nhiều khó khăn trong đại dịch COVID-19. Những khó khăn hơn nữa về việc làm không phải là điều họ cần".
Theo báo Tin tức