Người con gái thu tín hiệu B52 đầu tiên bay vào Hà Nội
Chính trị - Ngày đăng : 10:01, 31/12/2022
Chị Nguyễn Thị Hường (bên phải) cùng đồng đội cũ tại nhà riêng. Ảnh: X.T
Tháng 12.1971, người con gái quê đất vải thiều Thanh Hà Nguyễn Thị Hường nhập ngũ vào Trung đoàn 26 (Đoàn Thông tin sóng điện, Quân chủng Phòng không - Không quân) khi vừa tròn 17 tuổi. Sau thời gian huấn luyện, chị được phân công trực báo vụ, nhưng chưa được trực chính, vẫn phải có người kèm bởi trước sự đánh phá ác liệt của không quân Mỹ, đòi hỏi các chiến sĩ tiêu đồ đánh dấu tọa độ đường bay phải tuyệt đối chính xác và có kinh nghiệm dày dặn cùng một bản lĩnh “thép”.
Chiến sĩ thông tin Nguyễn Thị Hường (Ảnh chụp lại tại Phòng truyền thống Lữ đoàn 26)
Tối 18.12.1972, chị nhận ca trực từ 18 giờ, bình thường mỗi ca trực 4 giờ thì kết thúc. Trước lúc vào trực, chị được thủ trưởng đơn vị thông báo trước hàng quân: “Kể từ hôm nay đồng chí Nguyễn Thị Hường được đảm nhiệm ca trực chính”. Chị vui mừng khôn xiết vì đúng tháng 12 này chị cũng vừa tròn một tuổi quân. Trung đội trưởng phân công chị phụ trách mạng tiêu đồ 292. Lúc 18 giờ 30, chị nhận tín hiệu đài bạn báo về máy bay địch đang bay vào Hà Nội. Mọi lần, tín hiệu đài bạn thường ngân vang, trong trẻo còn lần này sao có vẻ dồn dập, khẩn trương. Tiếng rào rào nhiễu của máy thu mỗi lúc một tăng, tín hiệu đài bạn chập chờn lúc được, lúc không. Chị thấy có nhiều điểm rất khác lạ so với các lần trước đây. Tim chị đập nhanh hơn bình thường, linh tính như mách bảo chị có vấn đề gì đó rất hệ trọng. Với kiến thức và kinh nghiệm đã học, chị bình tĩnh tập trung áp chặt tai nghe để tìm kiếm tín hiệu từ đài bạn sao cho chuẩn nhất. Đang tập trung nghe để đánh dấu đường bay trên bản đồ thì chị nhận tín hiệu tình báo từ đài bạn phát về có mục tiêu. Chị nhanh tay đánh dấu tín hiệu tình báo đầu tiên lên tấm bản đồ mi ca và báo cáo chỉ huy, tốp máy bay chị đang “bắt” được ở tọa độ trên bản đồ chính là tốp B52 đang bay vào Hà Nội. Ngay lập tức, Sở Chỉ huy báo động toàn đơn vị vào cấp I, không khí bỗng chốc nhộn nhịp, khẩn trương, không có tiếng cười nói ngoài những mệnh lệnh được phát ra…
Bấy giờ, ai ở vị trí công tác nào thì ở yên đó, không được đi lại, mọi người tập trung vào từng việc của mình. Chị rất hồi hộp và căng thẳng, vì đây là buổi tối đầu tiên chị đảm nhiệm trực chính nên rất lo lắng về chuyên môn. Kinh nghiệm chưa có nhiều, đến khi đồng đội lấy tai nghe cắm vào máy thu tín hiệu tiếp sức cho chị, chị mới thấy yên tâm hơn. Chị tự nhủ: "Phải tập trung thật tốt để theo dõi được chính xác tọa độ đường bay". Nghe tín hiệu đài bạn to, rõ hơn nhưng máy bay đến nhiều, tung nhiễu dày đặc, tín hiệu chuyển về dồn dập, chập chờn. Một tay chị kẹp 2 bút chì để đánh dấu tọa độ đường bay, một tay áp chặt tai nghe để nghe rõ. Anh Nguyễn Quốc Hân, một trong những báo vụ giỏi của đơn vị tuy không đảm nhiệm trực mạng nhưng có nhiệm vụ đứng bên cạnh kèm tăng cường khi có tình huống liên tục chỉnh máy để nghe tín hiệu cho rõ. Sau khi mạng chị phát hiện ra tốp B52 đầu tiên thì các mạng khác sau đó cũng bắt được tín hiệu na ná như vậy (Sở Chỉ huy có 5 mạng tiêu đồ, từ 290 đến 294. Mỗi mạng 2 người, nếu người này chưa bắt được thì người khác nhìn số tốp). Lúc này tín hiệu tình báo kéo đến nhiều, đánh dấu không kịp nữa. Chúng dày đặc tạo nên những đường ngoằn ngoèo, đan quyện vào nhau như những sợi chão khổng lồ lúc chụm vào, lúc tách ra. Bàn tay chị đi chì thoăn thoắt. Một đồng chí cán bộ trong Sở Chỉ huy vỗ nhẹ vào vai chị tỏ vẻ hài lòng làm cho chị càng vững tin hơn. Cả phiên ban trực lẽ ra bình thường kết thúc lúc 22 giờ, nhưng hơn 4 giờ sáng 19.12, các chị mới được lệnh thay ca. Như vậy, cả ca trực hôm ấy kéo dài hơn 8 giờ, gấp đôi ngày thường. Rời khỏi Sở Chỉ huy, ai cũng mệt mỏi và căng thẳng, chân tay rã rời, song ai cũng hồ hởi, phấn khởi khi được chỉ huy đơn vị nhận xét ca trực đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt là chị, người nữ tiêu đồ vừa tròn một tuổi quân, vừa được đảm nhiệm ca trực chính buổi đầu tiên đã thu tín hiệu chính xác tốp B52 đầu tiên bay vào Hà Nội, góp phần giúp chỉ huy các cấp chỉ huy kịp thời các lực lượng phòng không - không quân đánh trả máy bay địch. Do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên, năm 1978, chị được nhận Huân chương Chiến công hạng ba do Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký tặng.
Tháng 10.1976, chị chuyển ngành về Xí nghiệp May I Hải Dương rồi xây dựng gia đình. Chồng chị là lính Sư đoàn 320, cũng đã có hơn 10 năm ở chiến trường B3. Năm 1983, chị về nghỉ chế độ một lần. Nhớ lại những năm tháng hào hùng của tuổi trẻ, nhất là 12 ngày đêm năm 1972, chị bảo: “Đó là những năm tháng đẹp nhất của mình vì đã hiến dâng tuổi trẻ vào chiến thắng chung của dân tộc, cùng quân dân Thủ đô viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ trên không bất diệt”.
LÊ QUÝ