2 cha con cùng là trọng tài bóng bàn quốc gia
Trong tỉnh - Ngày đăng : 10:31, 03/01/2023
Cha con trọng tài quốc gia Đặng Hà Dương cùng điều hành môn bóng bàn tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022. Ảnh: Mai Anh
Cha truyền...
Trong một con ngõ nhỏ của phố Ỷ Lan (TP Hải Dương), ông Đặng Hà Dương (sinh năm 1954) say mê kể về thời tuổi trẻ và con đường trở thành trọng tài cấp quốc gia của mình. Trên chiếc kệ đặt trang trọng ở phòng khách là rất nhiều kỷ vật gắn với các giải đấu, ở đó có 2 chiếc đĩa là quà tặng của SEA Games 22 và SEA Games 31, mà theo ông Dương "có tiền cũng không mua được". Hai chiếc đĩa đánh dấu 2 lần cách nhau 19 năm ông vinh dự trực tiếp điều hành môn bóng bàn tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á.
Ông Dương làm quen với bóng bàn từ rất sớm và đã chứng kiến bóng bàn Hải Dương từng bước phát triển lên chuyên nghiệp từ lúc sơ khai. Ông Dương chỉ là thế hệ thứ ba, thứ tư của phong trào bóng bàn nghiệp dư ở thị xã Hải Dương hồi đó, nhưng là lứa vận động viên luân huấn, đi theo con đường chuyên nghiệp đầu tiên. Ông cũng có nhiều năm thi đấu và là một trong những tay vợt chuyên nghiệp sớm nhất của Hải Dương.
Khoảng năm 1962, dù thị xã còn nghèo song bóng bàn đã phát triển. Nhà tập luyện ở đoạn phố Tuy An, Trần Bình Trọng bây giờ chỉ có những chiếc bàn đá, sau đó mới có bàn gỗ nhưng lúc nào cũng có người tập luyện. Năm 1965, ông học lớp 5 Trường Văn hóa nghệ thuật và theo học bóng bàn tại đó. Đến năm 1968, chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt, trường phải giải thể, ông trở về thị xã tham gia đội tuyển thiếu niên nâng cao thị xã Hải Dương cùng với Nguyễn Đức Long - người sau đó trở thành tay vợt trứ danh của bóng bàn Việt Nam, Nguyễn Thị Kim Oanh (chị ruột ông Nguyễn Đức Long), Nguyễn Bá Thành, Trần Thị Dung...
Dù còn chiến tranh song các giải đấu vẫn được tổ chức và hầu như giải nào Hải Dương cũng có đội tuyển. Đó là các giải miền Bắc tại Thái Bình (năm 1965), tại Hà Nam (năm 1966), tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng (Hà Nội) các năm 1967, 1968 và 1969. Để đến được Hà Nội, các huấn luyện viên, vận động viên Hải Dương phải đạp xe từ sớm, có xe chở 3 người. Có lần gần đến Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, thầy trò quẳng xe lao xuống hố trú ẩn. Bom ngớt, thầy trò lại bò dậy gọi nhau đi tiếp...
Ông Dương kể, con đường trở thành trọng tài của mình như một cơ duyên. Tháng 7.1973, ông được cử đi học lớp đào tạo huấn luyện viên bóng bàn các tỉnh, thành phố, ngành tại Nhổn (Hà Nội) để về "cấy" lực lượng trẻ của địa phương. Cuối năm 1979, đoàn vận động viên bóng bàn Việt Nam vừa tập huấn ở Hungary về thi đấu tại Hải Dương nhưng thiếu trọng tài. Ông được trám vào vị trí đó. Khi tổng kết rút kinh nghiệm, nhiều người khen ông Dương bắt sắc sảo, đúng luật nên ông đã dần làm quen với công tác này. "Đó là một ngã rẽ quan trọng. Và từ đó đến nay, công tác trọng tài đã ngấm vào máu, rồi truyền cả sang con", ông Dương kể.
... con nối
Trọng tài quốc gia Đặng Ngọc Quyên điều hành tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022
Cô con gái út của ông Dương là Đặng Ngọc Quyên cũng có xuất phát điểm từ một vận động viên bóng bàn. Sinh năm 1989, chị Quyên tập bóng bàn từ năm 6 tuổi, nhưng đến năm lớp 8 thì xin thôi để tập trung cho việc học.
Khi còn là vận động viên luân huấn, chị Quyên tập cùng với lứa Nguyễn Văn Ngọc - thành viên đội tuyển bóng bàn tỉnh vừa thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX... Sau này, chị Quyên trở thành sinh viên chuyên sâu bóng bàn tại Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh.
Nếu như người cha của mình đến năm 26 tuổi mới trực tiếp tham gia công tác trọng tài ở một giải chuyên nghiệp là Giải bóng bàn Báo Nhân Dân năm 1980 tại TP Hồ Chí Minh, thì vừa ra trường chị Quyên đã trực tiếp tham gia điều hành tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứVIII năm 2012 tại Cần Thơ. Cũng giống như ông Dương, chị Quyên đã được Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam công nhận trọng tài bóng bàn quốc gia. Dù đã trở thành trọng tài được 10 năm, song với chị Quyên, con đường phía trước còn rất dài. Chị cho biết sẽ phấn đấu được điều hành tất cả các giải bóng bàn cao nhất trong nước giống như cha của mình.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, cha con chị Quyên cùng làm trọng tài suốt giải. Hai cha con, 2 thế hệ cùng làm trọng tài tại một sự kiện thể thao lớn nhất cả nước là điều hiếm gặp trong làng thể thao Hải Dương từ trước đến nay. Thế nhưng, đây chưa phải sự kiện thể thao tầm cỡ nhất cha con ông Dương cùng làm việc. Tại SEA Games 31 ở Hải Dương hồi tháng 5.2022, bố con ông Dương cùng tham gia với vai trò các trọng tài. "Với con gái, đó là một dấu mốc rất đáng nhớ, nhưng điều hành tại SEA Games 31 lại là một kỷ niệm cực kỳ đặc biệt với tôi. Ở SEA Games 22 cách đây 19 năm, tôi tham gia điều hành trận chung kết đơn nam giữa Trần Tuấn Quỳnh và tay vợt Thái Lan. 19 năm sau, tôi cũng là trọng tài giữa tay vợt Thái Lan đó và Nguyễn Đức Tuân của Hải Dương. Cách nhau 19 năm và Việt Nam đều vô địch", ông Dương nói.
Ông Dương tâm niệm và luôn nhắc nhở con gái, để trở thành một trọng tài uy tín thì phải đam mê thể thao và đam mê công tác trọng tài mới có thể nắm chắc luật và vận dụng luật để điều hành trận đấu chính xác, công tâm, khách quan, trung thực.
TIẾN HUY