Mưu đồ lừa phỉnh, kích động công nhân đình công, biểu tình

Góc nhìn - Ngày đăng : 08:14, 05/01/2023

Lợi dụng tình hình khó khăn trong bảo đảm ổn định thu nhập, việc làm của một số doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian qua, trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết kích động công nhân đình công, biểu tình.

Các bài viết này phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam, cho rằng Công đoàn Việt Nam không đấu tranh đòi tăng lương cho người lao động. Đây là âm mưu nguy hiểm, với ý đồ muốn phá hoại ổn định chính trị, phá hoại môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Thực tế là vấn đề đấu tranh đòi tăng lương, yêu cầu bảo vệ quyền lợi cho người lao động luôn là mối quan tâm hàng đầu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Trong các cuộc họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia, tiếng nói của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn là tiếng nói đầy trọng lượng và rất quyết liệt. Mỗi lần họp bàn về tăng mức lương tối thiểu vùng, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn đưa ra một mức đề xuất cao nhất so với các ý kiến khác và đấu tranh quyết liệt với đại diện người sử dụng lao động để bảo vệ đề xuất ấy.

Các cấp công đoàn luôn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Ảnh minh họa 

Các cấp công đoàn cũng nắm bắt thông tin, tâm tư, nguyện vọng của người lao động, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm xã hội.

Theo Cục Quan hệ lao động và Tiền lương (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), năm nào Nhà nước có điều chỉnh lương tối thiểu vùng thì tiền lương thực tế của người lao động sẽ được tăng cao hơn mức tăng bình quân khoảng 2%. Trong 10 năm qua, tiền lương của người lao động tăng bình quân 6-7% mỗi năm.

Khi có tranh chấp lao động tập thể, ngừng việc tập thể, đình công tự phát, các cấp công đoàn đều chủ động phối hợp với UBND và các cơ quan chức năng trên địa bàn kịp thời giải quyết, bảo đảm quyền lợi của tập thể người lao động, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự.

Đồng thời cần khẳng định rằng, việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động không phải chỉ là trách nhiệm của Công đoàn Việt Nam mà còn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa luôn quan tâm chăm lo, bảo vệ, đấu tranh cho quyền lợi chính đáng của người lao động.

Cũng do luôn sâu sát, nắm bắt đời sống, tâm tư, nguyện vọng của công nhân, người lao động nên ngay từ cuối quý III.2022, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lên kế hoạch chăm lo Tết Quý Mão 2023. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dành gói hỗ trợ khoảng 500 tỷ đồng phân bổ về các công đoàn ngành, địa phương, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh thực sự khó khăn, mức hỗ trợ 500.000 đồng/người, được chi bằng tiền mặt (ước có khoảng 1 triệu đoàn viên công đoàn, người lao động có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ - bằng 10% tổng số đoàn viên công đoàn).

Công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực hiện có, tự quyết định mức chi chăm lo cho đoàn viên, người lao động.

Như thế có thể thấy, ý kiến cho rằng người lao động bị Công đoàn Việt Nam bỏ mặc, Công đoàn Việt Nam không quan tâm đến đấu tranh đòi tăng lương, không quan tâm đấu tranh cho đời sống người lao động là hoàn toàn sai trái. Nguy hại hơn nữa là mưu đồ kích động người lao động đình công tự phát, biểu tình để đòi tăng lương. Cần nhận thức rằng doanh nghiệp chính là môi trường làm việc, là nơi trả lương và bảo đảm đời sống cho người lao động. Vì thế, công nhân cần có trách nhiệm cùng xây dựng để doanh nghiệp phát triển, từ đó mới có nguồn lực để tăng lương, bảo đảm đời sống. Xây dựng mối quan hệ gắn bó, bảo đảm quyền lợi hài hòa, cùng chia sẻ khó khăn giữa công nhân và người sử dụng lao động là một chủ trương đúng đắn của Công đoàn Việt Nam. Khi người lao động thấy bất bình đẳng trong quan hệ lao động hay quyền lợi của mình bị xâm hại cần thông báo kịp thời cho công đoàn, cùng công đoàn đấu tranh có tổ chức, tôn trọng pháp luật để đòi hỏi quyền lợi hợp pháp, chính đáng. Môi trường kinh doanh có ổn định thì các doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư vào Việt  Nam. Do đó, việc kích động công nhân biểu tình, đình công tự phát là lừa phỉnh họ, xui họ làm điều sai trái, để rồi tự hủy hoại "nồi cơm" của chính mình.

HỒ QUANG PHƯƠNG