Vướng mắc trong xử lý hai bãi rác ở khu công nghiệp An Phát 1

Môi trường - Ngày đăng : 11:05, 05/01/2023

Trong khu công nghiệp (KCN) An Phát 1 hiện còn 2 bãi chôn lấp rác thải chưa được xử lý, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạ tầng và có nguy cơ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư vào KCN này.


Trong khu công nghiệp An Phát 1 ở huyện Nam Sách còn 2 bãi rác của các thôn An Đông, An Đoài (xã An Bình) và thôn An Lương (xã An Lâm) chưa có phương án xử lý


2 bãi rác trong KCN

Dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN An Phát 1 (Nam Sách) do Công ty CP KCN Kỹ thuật cao An Phát 1 làm chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2.2021, Ban Quản lý các KCN tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư lần đầu vào tháng 3.2021, điều chỉnh lần thứ ba vào tháng 3.2022. Quy mô sử dụng đất của dự án khoảng 180 ha thuộc các xã Quốc Tuấn, An Bình và An Lâm (Nam Sách). KCN An Phát 1 được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tháng 4.2020, điều chỉnh tháng 12.2021. Theo UBND huyện Nam Sách, công tác giải phóng mặt bằng KCN An Phát 1 đã cơ bản hoàn thành, chủ đầu tư hạ tầng đã được bàn giao khoảng 99% diện tích đất.

Tuy nhiên, trong KCN An Phát 1 hiện có 1 bãi rác của thôn An Lương (xã An Lâm) và 1 bãi rác của các thôn An Đông, An Đoài (xã An Bình). Đây là 2 bãi chôn lấp rác sinh hoạt của nhân dân. Bãi rác ở xã An Bình đưa vào sử dụng từ năm 2018, có diện tích 3.130 m2. Khối lượng rác tại đây ước tính khoảng trên 4.000 tấn. Bãi rác ở xã An Lâm đưa vào sử dụng từ năm 2014, diện tích 2.752 m2, khối lượng rác ước khoảng 3.000 tấn.

Khi tiến hành lập quy hoạch chi tiết KCN An Phát 1, Công ty CP Kỹ thuật cao An Phát 1 cam kết sẽ hoàn trả cho 2 xã trên 2 bãi rác ra vị trí mới, trong đó doanh nghiệp tự bỏ chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí xây dựng. Nhưng do không tìm được vị trí để xây dựng bãi rác mới thay thế bảo đảm khoảng cách theo quy định nên việc xây dựng bãi rác mới không khả thi. Công ty CP Kỹ thuật cao An Phát 1 đã thống nhất với UBND huyện Nam Sách và UBND 2 xã An Bình, An Lâm không xây dựng hoàn trả bãi rác ra vị trí mới, thay vào đó doanh nghiệp sẽ hỗ trợ chi phí vận chuyển và xử lý toàn bộ khối lượng rác sinh hoạt của 3 thôn tại nhà máy sau khi đã trừ đi số tiền thu của các hộ dân. Thời gian hỗ trợ là 5 năm, kể từ khi đóng cửa 2 bãi rác này. Sau thời gian 5 năm, việc chi trả chi phí xử lý rác sinh hoạt của 3 thôn này sẽ được thực hiện theo quy định.

Đại diện Công ty CP Kỹ thuật cao An Phát 1 chia sẻ, việc thi công hạ tầng KCN An Phát 1 giai đoạn 1 đã đạt hơn 70%. Tuy nhiên, do chưa xử lý, di dời được 2 bãi rác trong KCN nên công ty phải quây lại, không thực hiện san lấp thi công khu vực này được, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hạ tầng.

Vướng ở đâu?

Theo tìm hiểu của phóng viên, việc đóng cửa 2 bãi rác  trong KCN An Phát 1 không ảnh hưởng nhiều tới việc thu gom, xử lý rác thải của 3 thôn ở 2 xã An Bình và An Lâm bởi hiện nay tất cả các địa phương của Nam Sách đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, lượng rác phát sinh phải xử lý sau phân loại không quá lớn.

Theo đại diện lãnh đạo xã An Bình, 2 thôn An Đoài và An Đông có khoảng 5.600 nhân khẩu. Việc đóng cửa bãi rác nằm trong KCN An Phát 1 không ảnh hưởng tới việc thu gom, xử lý rác của 2 thôn này. Rác sau khi phân loại được đưa đi xử lý tại nhà máy của Công ty CP Môi trường APT- Seraphin Hải Dương ở xã Việt Hồng (Thanh Hà). Tuy nhiên, sau khi thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, tần suất thu gom, vận chuyển từ các hộ dân đến điểm tập kết tăng lên. Từ tháng 10.2022, Công ty CP Kỹ thuật cao An Phát 1 thí điểm hỗ trợ kinh phí vận chuyển, xử lý rác từ khu tập kết đến nhà máy. Địa phương mong muốn được hỗ trợ phần kinh phí tăng thêm do tần suất vận chuyển tăng. Đối với bãi rác ở xã An Lâm, Công ty CP Kỹ thuật cao An Phát 1 chưa thực hiện hỗ trợ kinh phí vận chuyển.

Việc xử lý 2 bãi rác trong KCN An Phát 1 đang gặp vướng mắc. Qua tìm hiểu của phóng viên, để xử lý 2 bãi rác này, UBND huyện Nam Sách đã giao cho Hội đồng Giải phóng mặt bằng huyện liên hệ với một số đơn vị tư vấn để lập dự toán di chuyển song đến nay không có đơn vị nào nhận làm do không có định mức đơn giá xử lý rác đã chôn lấp để lập dự toán. UBND huyện Nam Sách không có cơ sở thực hiện các thủ tục tiếp theo để đấu thầu lựa chọn đơn vị vận chuyển, xử lý. Huyện Nam Sách đang xây dựng phương án xử lý cụ thể để xin ý kiến các sở, ngành có liên quan.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng KCN An Phát 1, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư, việc sớm có phương án di chuyển, xử lý 2 bãi rác trong KCN An Phát 1 rất cần thiết. Cùng với nỗ lực của huyện, sự phối hợp chặt chẽ, tham gia ý kiến của các sở, ngành có liên quan rất quan trọng.

PV