Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn dàn trải, ôm đồm

Chính trị - Ngày đăng : 18:07, 06/01/2023

Đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga góp ý vào Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại phiên thảo luận tổ.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 rất dàn trải, ôm đồm, nhất là với du lịch

Sáng 6.1, tiếp tục Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV, đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch Covid-19.

Thiếu tính tổng thể, tầm nhìn dài hạn

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 về định hướng phát triển hạ tầng xã hội cấp quốc gia mới chưa mang tính chất quy hoạch tổng thể, tầm nhìn dài hạn đến năm 2050, đặc biệt là với ngành du lịch. Do chỉ liệt kê hết tất cả các sản phẩm du lịch hiện có mà chưa có định hướng phát triển cụ thể nên các sản phẩm du lịch của vùng tương tự, na ná nhau. Như vậy, quy hoạch đang liệt kê tất cả những gì đã có chứ không phải một bản quy hoạch tổng thể, bài bản và định hướng lâu dài cho phát triển ngành du lịch.

Theo đại biểu, Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu, rà soát lại nhiều khái niệm, thuật ngữ để bảo đảm tính chuẩn xác. Riêng về du lịch, Ban soạn thảo cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn để tránh trùng lặp. “Quy hoạch hiện đang rất dàn trải và ôm đồm, chưa thấy được sự khác biệt giữa các vùng, miền, chưa thấy được định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Tôi đề nghị việc định hướng phát triển du lịch cần được rà soát lại”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ quan điểm. 

Quan tâm đến nội dung tập trung phát triển mạng xã hội “made in Vietnam”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết thực tế những năm vừa qua đã phát triển một số mạng xã hội của Việt Nam. Cho biết mình đã chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông không dưới 2 lần về mạng xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đánh giá mặc dù đã bỏ ra nhiều tâm huyết, thời gian, công sức và tiền bạc để xây dựng mạng xã hội của Việt Nam nhưng số lượng người sử dụng rất ít. Do đó, việc định hướng phát triển mạng xã hội “made in Vietnam” cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Nhiều hạn chế trong thực hiện Nghị quyết 30/2021/QH15

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chỉ ra nhiều hạn chế trong thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng chống dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng đây là một sáng kiến lập pháp vô cùng quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp trong tình hình dịch bệnh.

 Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ 4 sáng 6.1

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng Chính phủ cần phải giải trình, làm rõ, phân tích cụ thể việc thực hiện các nghị quyết Quốc hội đã ban hành. Lấy ví dụ liên quan đến tỷ lệ phát hiện ca dương tính với Covid-19 trên tổng số mẫu xét nghiệm chưa đến 5%, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng đây là con số cho thấy sự lãng phí. Đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo đánh giá làm rõ việc này bởi việc xét nghiệm Covid-19 trên diện rộng tại một số thời điểm cũng được đánh giá là chưa hiệu quả và gây lãng phí nguồn lực, được rất nhiều cử tri phản ánh.

Đối với một số chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế cũng mang tính chất đặc thù, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cho biết các chính sách đặc thù này chưa thực sự phát huy hết tác dụng. Chính sách miễn, giảm thuế, lãi từ nghị quyết này chưa chạm tới kỳ vọng của các doanh nghiệp và tỷ lệ các doanh nghiệp được miễn, giảm rất thấp. Chính phủ cần làm rõ điều này.

PHONG TUYẾT