Tiếc chi lời yêu thương

Gia đình - Ngày đăng : 09:50, 12/01/2023

Tình cảm của bố mẹ dành cho con không thay đổi, chỉ là mỗi người có một cách thể hiện yêu thương. Chỉ có điều tấm lòng của bố mẹ không phải lúc nào cũng được con thấu hiểu và trân trọng.

Giờ học ngữ văn của học sinh lớp 8 bắt đầu bằng bầu không khí sôi nổi với nhiều cánh tay giơ lên phát biểu. Vậy mà đến bài tập đặt câu cảm thán bày tỏ cảm xúc với người thân, các em lại rụt rè, e ngại. Khuyến khích, động viên mãi các em mới lóng ngóng phát biểu.

Lớp trưởng ngần ngại thốt ra câu cảm ơn mẹ tặng chiếc áo mới hôm sinh nhật. Lớp phó e thẹn bày tỏ nỗi nhớ người dì đang mắc kẹt vì dịch ở nơi xa. Thêm một vài ý kiến góp, rồi tất cả… "lặng ngắt". Tìm hiểu tôi được biết các em không quen bày tỏ lời thương, tiếng nhớ, câu nói tình cảm với bố mẹ và người thân vì càng lớn các em càng ít nghe lời nói dịu dàng thốt ra từ trái tim giàu yêu thương của bậc sinh thành.

Tình cảm của bố mẹ dành cho con không thay đổi, chỉ là mỗi người có một cách thể hiện yêu thương. Có người dễ dàng thốt ra câu nói đong đầy cảm xúc, có người lại gói ghém nỗi nhớ thương qua ánh mắt dịu ngọt và hành động lặng thầm chăm chút miếng ăn giấc ngủ cho con. Có người thoải mái vuốt ve mái tóc con gái hay ôm vai bá cổ con trai. Có người lại luôn nghiêm nghị…

Chỉ có điều tấm lòng của bố mẹ không phải lúc nào cũng được con thấu hiểu và trân trọng. Tôi bắt gặp không ít nỗi lòng trăn trở của các em qua từng trang viết tuổi học trò. Đó là lúc con muốn theo đuổi môn học yêu thích lại vấp phải sự đả kích mạnh mẽ từ bố mẹ. Đó là lúc con thèm bữa cơm gia đình ấm cúng nhưng lại nghe tiếng cãi vã inh ỏi dội vào tai. Đó là lúc con ấm ức vì thường xuyên nghe lời la mắng dù không có lỗi…

Đứng trước học sinh đang tuổi lớn, mỗi khi bài học liên quan đến tình cảm gia đình, tôi đều cố gắng khơi gợi trong lòng các em về tấm lòng của mẹ cha, về cách yêu thương khác biệt ở mỗi gia đình.

Tôi luôn khẳng định: Các con là duy nhất của bố mẹ, là tình yêu và hạnh phúc của bố mẹ. Dù vậy, trong tôi vẫn khát khao về sợi dây gắn kết bền chặt giữa bố mẹ và con cái bằng muôn lời yêu thương.

Hãy thủ thỉ với con mỗi ngày về tình yêu lớn lao mà bố mẹ gửi gắm cho con! Hãy sẵn lòng khen ngợi khi con làm được việc tốt, điều hay để con cảm nhận được rằng nỗ lực của con xứng đáng được ghi nhận!

Hãy nghiêm khắc uốn nắn và tỉ mẩn phân tích với con về tình yêu gửi gắm đằng sau sự nghiêm nghị của bố mẹ! Hãy cho con biết con luôn có vòng ôm vững chắc từ phía sau để mỗi khi vấp ngã trên đường đời, con có chỗ quay về nương náu và được tiếp thêm động lực bước tiếp về phía trước.

Xin hãy chậm lại để thêm thắt vào muôn nỗi bận tâm của ta một thông tin cần biết, cần nhớ và cần suy ngẫm: Cuộc khảo sát do Trường Đại học Sư phạm TP HCM thực hiện với hơn 3.400 trẻ vị thành niên ở các đô thị miền Nam cho thấy có hơn 1.200 trẻ có nguy cơ tự hủy hoại bản thân, trong đó không ít trẻ tự thực hiện hành vi gây hại, gây thương tích cho chính mình từ 1-4 lần/năm.

Vậy nên, đừng tiếc những lời yêu thương cho con. Để cảm xúc của con có nơi neo đậu lúc chông chênh. Để tâm trí con không in vết hằn chối bỏ rằng mình là "đồ vô tích sự". Để trái tim con thôi nhức nhối vì những quát tháo, mắng mỏ suốt tuổi thơ. Và để những hội nhóm kín ghét bố mẹ trên mạng xã hội bớt đi những câu từ cay nghiệt ném chan chát về phía bậc sinh thành…

Theo Người lao động