Quốc gia dẫn đầu thế giới về tỷ lệ phụ nữ trung niên không có con

Tin tức - Ngày đăng : 16:41, 12/01/2023

Dữ liệu gần nhất cho thấy Nhật Bản có tỷ lệ phụ nữ 50 tuổi không có con cao nhất trong số các nước phát triển.


Quyết định không có con ngày càng phổ biến trong các thế hệ trẻ Nhật Bản. Ảnh: Japan Times

Tại Nhật Bản, 27% phụ nữ sinh năm 1970 chưa từng sinh con khi họ 50 tuổi, theo thống kê của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Đây là tỷ lệ lớn nhất trong số 17 quốc gia có dữ liệu so sánh, xếp sau Phần Lan với 20,7%.

Áo và Tây Ban Nha lần lượt xếp thứ 3 và thứ 4. Dữ liệu của OECD không bao gồm Đức, nhưng số liệu thống kê chính thức của nước này cho thấy 21% phụ nữ sinh năm 1969 chưa có con.

Nhật Bản cũng một lần nữa dẫn đầu về tỷ lệ phụ nữ không có con, ở mức 22,1%, khi so sánh dữ liệu trên nhóm phụ nữ sinh năm 1965 tại 24 quốc gia.

Theo Nikkei Asia, các nước Tây Âu đã cố gắng ngăn chặn sự gia tăng tỷ lệ những người không có con bằng cách cung cấp hỗ trợ để cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình. Theo một số báo cáo, tỷ lệ phụ nữ không có con đã giảm hoàn toàn ở Mỹ và Anh.

Nhưng Nhật Bản vẫn là một ngoại lệ, ngay cả trong thế hệ trẻ. Điều này nhấn mạnh những thách thức mà quốc gia này phải đối mặt trong việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng dân số sắp xảy ra.

Nguyên nhân

Đối với nữ giới Nhật Bản sinh năm 2000, từ 31,6% đến 39,2% nhóm này có thể sẽ không sinh con trong suốt cuộc đời của họ, theo ước tính của Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia (IPSS) có trụ sở tại Tokyo.

Rie Moriizumi, nhà nghiên cứu cấp cao tại IPSS, phát hiện ra rằng phụ nữ không sinh con do nhiều yếu tố, như khó kết hôn, không muốn có con hoặc trì hoãn việc có con, vô sinh hoặc lý do sức khỏe.

Những phát hiện này dựa trên các câu trả lời khảo sát được thu thập bởi IPSS.

Trong những năm gần đây, tỷ lệ phụ nữ Nhật Bản không có con do gặp khó khăn trong vấn đề kết hôn đã tăng vọt, trở thành lý do hàng đầu đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 25 đến 49.

Dường như rào cản lớn đối với hôn nhân ở Nhật Bản là tìm được một người bạn đời phù hợp với nguồn tài chính đầy đủ.

Mặt khác, xu hướng không kết hôn ngày càng phổ biến trong giới trẻ được cho làm trầm trọng thêm tình trạng già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp ở xứ anh đào.

Trước đó, cuộc khảo sát năm 2021 của Viện nghiên cứu dân số và an sinh xã hội quốc gia cho hay 17,3% nam giới và 14,6% phụ nữ trong độ tuổi 18-34 không có ý định lập gia đình - con số cao nhất kể từ khi khảo sát được thực hiện lần đầu năm 1982.

Khi đó, chỉ có 2,3% nam giới và 4,1% nữ giới nói rằng sẽ không kết hôn, theo Guardian.

Những phụ nữ không muốn có con chiếm số lượng lớn thứ hai trong nhóm trên. Moriizumi ước tính rằng khoảng 5% phụ nữ đã lựa chọn như vậy, và con số này đặc biệt tăng lên ở thế hệ trẻ.

Phụ nữ chưa kết hôn có nhiều khả năng quyết định không sinh con nếu họ có thu nhập thấp hoặc chưa tìm được bạn đời.

"Điều này cho thấy nhiều phụ nữ đã từ bỏ hơn là chủ động lựa chọn" không sinh con, Moriizumi nói.

Tìm kiếm giải pháp

Trong bối cảnh đó, chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida dự kiến ​​mở rộng hỗ trợ tài chính cho các gia đình có trẻ em.

Nhóm ủng hộ đã kêu gọi tăng phúc lợi xã hội cho những người làm việc bán thời gian, cùng cải cách lao động để giúp các bậc cha mẹ cân bằng việc nuôi dạy con cái với cuộc sống, công việc của họ. Vấn đề giảm chi phí giáo dục cũng nổi lên như mục tiêu cấp bách trong chính sách.

"Chính phủ Nhật Bản đã và đang nỗ lực để tăng tỷ lệ sinh bằng cách cố gắng hỗ trợ những người muốn kết hôn hoặc có con. Nhưng nếu số người không muốn lập gia đình tiếp tục tăng, chính phủ sẽ buộc phải xem xét lại các chính sách", Shigeki Matsuda, giáo sư xã hội học tại Đại học Chukyo, nói với tờ Mainichi Shimbun.

Nhóm sinh từ năm 1965 đến 1970, có tỷ lệ lớn không có con, là thế hệ đầu tiên trải nghiệm tác động của luật cơ hội việc làm bình đẳng được ban hành vào năm 1986.

Mặc dù ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia lực lượng lao động, việc thiếu các biện pháp giúp cân bằng giữa công việc và gia đình đã buộc nhiều người phải lựa chọn bỏ việc để chăm sóc gia đình, hoặc bỏ con cái để tiếp tục sự nghiệp. Điều này dẫn đến tỷ lệ sinh giảm.

Toshihiko Hara, giáo sư danh dự tại Đại học Thành phố Sapporo, người đã nghiên cứu về tình trạng không có con cái ở Đức và Nhật Bản, chia sẻ: “Khi phụ nữ ngừng coi việc kết hôn và nuôi dạy con cái là ưu tiên hàng đầu của họ để phát triển sự nghiệp, hôn nhân và sinh con ngày càng bị trì hoãn. Ngày càng có nhiều người không có con”.

Một số chuyên gia cảnh báo rằng sự gia tăng tỷ lệ không có con có thể làm xáo trộn cấu trúc xã hội của Nhật Bản.

Giáo sư Aya Abe của Đại học Thủ đô Tokyo đã tiến hành nghiên cứu định lượng để chỉ ra rằng việc không có con thường dẫn đến sự thiếu thốn mạng lưới hỗ trợ xã hội.

Sử dụng dữ liệu từ IPSS, bà Abe phát hiện ra rằng có một tỷ lệ lớn những người không sinh con đang thiếu mất sự trợ giúp hàng ngày, như không có ai giúp đỡ các nhiệm vụ nhỏ hay hỗ trợ về mặt cảm xúc, chẳng hạn để trút bầu tâm sự.

Đàn ông, đặc biệt là đàn ông nghèo, phải chịu đựng nhiều hơn khi thiếu sự hỗ trợ như vậy.

"Nghiên cứu ở châu Âu cho thấy những người không có con ở các quốc gia định hướng gia đình có nhiều khả năng trở nên bị cô lập", bà nói.

Theo Zing