Khắc phục khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý đất đai

Kinh tế - Ngày đăng : 08:38, 13/01/2023

Văn phòng Đăng ký (VPĐK) đất đai tỉnh Hải Dương được thành lập theo Quyết định số 1288/QĐ-UBND ngày 19.5.2022 của UBND tỉnh trên cơ sở hợp nhất VPĐK quyền sử dụng đất tỉnh và VPĐK quyền sử dụng đất cấp huyện.


Lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Hải Dương trong lễ công bố quyết định thành lập

VPĐK đất đai tỉnh có 12 chi nhánh tại các huyện, thị xã, thành phố và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.6.2022. 

 Khởi đầu nan

Trong những tháng đầu đi vào hoạt động, VPĐK đất đai vừa phải duy trì hoạt động ổn định, vừa sắp xếp lại bộ máy theo mô hình "một cấp” và từng bước tham mưu xây dựng, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính, đồng bộ hóa hồ sơ địa chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện, từng bước đồng bộ đến cấp xã. Làm cơ sở cho việc xây dựng CSDL đất đai đồng bộ toàn tỉnh. 

Với khối lượng công việc lớn, nhiệm vụ nặng nề, thời gian qua VPĐK đất đai tỉnh đã gặp phải nhiều khó khăn, từ công tác tổ chức, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), công tác đảng và đoàn thể. Hiện nay, số lượng biên chế của VPĐK đất đai tỉnh còn ít trong khi khối lượng công việc nhiều. Hệ thống hồ sơ địa chính đã lập trước đây chưa đầy đủ và đồng bộ, còn thiếu thành phần và thông tin. Hệ thống bản đồ địa chính được xây dựng ở nhiều thời kỳ khác nhau, nhiều hệ tọa độ khác nhau, đặc biệt sau khi đo đạc chưa thực hiện cấp đổi dẫn đến việc thực hiện giải quyết các TTHC gặp rất nhiều khó khăn. Bộ máy tổ chức của một số phòng, chi nhánh chưa được kiện toàn đầy đủ, máy móc, thiết bị còn thiếu và đã quá cũ, phòng làm việc chật hẹp. Hệ thống công nghệ thông tin chưa được kết nối đồng bộ, trong khi đó việc tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC phải số hóa toàn bộ hồ sơ nên mất rất nhiều thời gian và nhân lực. Đặc biệt với yêu cầu hiện nay phải tiếp nhận hồ sơ trên môi trường điện tử trong khi hệ thống máy tính đã cũ dẫn đến công tác cài đặt các phần mềm và hệ thống CSDL để liên thông các cấp rất hạn chế, dẫn đến khó khăn cho giải quyết các công việc, tiến độ chậm.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thẩm định hồ sơ cấp giấy chứng nhận cũng gặp không ít khó khăn. Nhiều hồ sơ, giấy chứng nhận đã cấp trước đây chưa được thống nhất, còn thiếu hoặc sai sót về nguồn gốc sử dụng đất, thông tin. Cách thực hiện của mỗi địa phương khác nhau, chưa đồng bộ. Khi VPĐK đất đai một cấp được thành lập cần phải thống nhất về chuyên môn trong toàn tỉnh nên đã gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý những hạn chế trước đây.

Để thực hiện Kế hoạch 569/KH-UBND ngày 7.3.2022 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 6.1.2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022- 2025, tầm nhìn đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh, công tác xây dựng CSDL đất đai rất cần thiết, đáp ứng kết nối các thông tin dữ liệu đất đai với CSDL quốc gia. Đối với CSDL đất đai thì thông tin về người sử dụng đất và bản đồ phải được thống nhất. Tuy nhiên những giấy chứng nhận (GCN) đã cấp trước đây (cấp theo bản đồ giấy giai đoạn 1993, bản đồ 299) so với hiện trạng và bản đồ đã được đo đạc mới chưa thống nhất, có sai khác nhiều. Công tác cấp GCN sau khi đo đạc bản đồ chưa được thực hiện, công tác cập nhật biến động chưa được chú trọng. Vì vậy, để bảo đảm cho việc giải quyết TTHC và cập nhật CSDL địa chính mất nhiều thời gian đo đạc lại. Bên cạnh đó, tại một số địa phương, công tác xử lý, cấp GCN đối với các trường hợp có diện tích tăng so với GCN đã cấp chưa triệt để, ảnh hưởng lớn đến việc cập nhật đồng bộ CSDL địa chính.

Ngoài ra, hiện nay phần mềm một cửa điện tử do Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng công việc thực tế đang diễn ra để kiểm soát TTHC về đất đai theo quy định. Nhiều hồ sơ giải quyết TTHC của VPĐK đất đai đang ở giai đoạn chờ người dân đi nộp thuế nhưng bị tính vào thời gian giải quyết TTHC của VPĐK đất đai. Vì vậy, thời gian qua có nhiều hồ sơ đất đai bị báo quá hạn trên hệ thống Cổng Dịch vụ công của tỉnh. Trong khi VPĐK đất đai tỉnh phải tập trung khắc phục khó khăn, bảo đảm nhiệm vụ chuyên môn, có một số tổ chức, cá nhân với mục đích riêng đã lợi dụng thời điểm này gửi nhiều đơn thư kiến nghị về lĩnh vực đất đai. 

 Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thường xuyên nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh


Những kết quả bước đầu

Trước những khó khăn trên, với quyết tâm chính trị của cả hệ thống, VPĐK đất đai tỉnh đã khắc phục được nhiều hạn chế về tổ chức và cơ chế hoạt động của hệ thống VPĐK quyền sử dụng đất trước đây. Đây là cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hiện đại, tập trung thống nhất.

VPĐK đất đai tỉnh đã tham mưu Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành các văn bản để thống nhất một số biện pháp khắc phục các vướng mắc, khó khăn, hạn chế về chuyên môn nhằm giải quyết hồ sơ bảo đảm theo quy định của pháp luật, đưa hoạt động quản lý đất đai vào nền nếp. Công tác chỉnh lý biến động sau khi cấp GCN đã được thực hiện đồng bộ. Ngay khi đi vào hoạt động, VPĐK đất đai đã giải quyết kịp thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các TTHC, công khai TTHC. Công tác cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, thống kê, kiểm kê đất đai đã được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công quản lý nhà nước về đất đai, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong quá trình tra cứu, cung cấp các thông tin địa chính bảo đảm chính xác, kịp thời.

VPĐK đất đai thường xuyên tham mưu, đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc trong công tác cấp GCN cho các tổ chức, gia đình, cá nhân. Tham mưu ban hành các văn bản về việc quản lý, sử dụng, chỉnh lý bản đồ địa chính, khai thác, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai. Hướng dẫn thực hiện trích lục bản đồ địa chính và trích đo địa chính, chỉnh lý bản đồ địa chính áp dụng trong nội bộ hệ thống VPĐK đất đai. Phối hợp, chia sẻ dữ liệu phục vụ thực hiện Đề án 06. VPĐK đất đai đã làm sạch dữ liệu địa chính đối với gần 4.000 hồ sơ đã thực hiện xong TTHC, số hóa gần 30.000 hồ sơ sau giải quyết TTHC. Tham mưu xây dựng quy chế phối hợp trong hoạt động của VPĐK đất đai với các cơ quan liên quan. Đến ngày 30.11, VPĐK đất đai tỉnh đã giải quyết gần 600 hồ sơ của tổ chức, gần 43.200 hồ sơ của gia đình, cá nhân. VPĐK đất đai đã thực hiện số hóa, ký số dữ liệu hồ sơ đầu vào và sản phẩm đầu ra tại bộ phận “một cửa” của Chi nhánh VPĐK đất đai cấp huyện…

VPĐK đất đai luôn xác định mục tiêu chính trị quan trọng là xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính bảo đảm tính pháp lý để tạo cơ sở, nền tảng cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, liên thông dữ liệu với các ngành khác, tiến tới xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia hiện đại, tập trung thống nhất.

LAN NGUYỄN