Kinh Môn tiêu thụ nông sản thuận lợi nhờ OCOP

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 11:10, 13/01/2023

Nhờ thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), nhiều nông sản của Kinh Môn được nâng tầm giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định.


Người dân phường Thất Hùng thu hoạch cam


Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), đến nay, thị xã Kinh Môn có 25 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận, trong đó 10 sản phẩm đạt 4 sao, còn lại 3 sao. Các sản phẩm OCOP được nâng tầm giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định.

Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm (ở phường Hiệp Sơn) là đơn vị sở hữu nhiều sản phẩm OCOP nhất thị xã với 7 sản phẩm đạt 4 sao, gồm rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm, rượu tỏi, rượu sâm sắn dây, rượu đông trùng hạ thảo, rượu vang nếp, rượu sim rừng và gạo nếp cái hoa vàng Phương Khiêm. Để không ngừng nâng cao chất lượng, ngoài liên kết với hơn 20 hộ dân phường Duy Tân sản xuất lúa nếp cái hoa vàng an toàn, mỗi năm tiêu thụ hơn 200 tấn gạo nếp, doanh nghiệp này vừa đầu tư hơn 10 tỷ đồng mua dây chuyền sản xuất hiện đại, tự động loại bỏ độc tố trong rượu.

Ông Trần Đình Khiêm, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Phương Khiêm cho biết: “Được chứng nhận OCOP, các sản phẩm của công ty dễ dàng tiếp cận thị trường mới. Đơn vị đang xúc tiến xuất khẩu một số sản phẩm sang Nhật Bản”.

Sau khi đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao, cam Thất Hùng đã được nhiều người biết đến, giá bán cũng cao hơn. Trước đây, cam Thất Hùng chỉ bán từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ nhỏ hẹp thì nay, sản phẩm được bán tại vườn 55.000 - 70.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc HTX Sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thất Hùng cho biết, năm 2022, dự kiến mỗi sào trồng cam cho lãi trên 70 triệu đồng, tăng 35 triệu đồng so với năm trước.

Năm 2022, HTX Nông sản sạch Thành Nhàn (xã Thượng Quận) đã cung cấp ra thị trường hơn 60 tấn bột sắn dây mang thương hiệu “Sắn dây Thành Nhàn”, giá bán mỗi kg 120.000 đồng (tăng khoảng 50 tấn, tăng 30.000 đồng/kg so với năm 2021). Bột sắn dây Thành Nhàn đang có mặt ở nhiều siêu thị trên cả nước và trên một số sàn thương mại điện tử. Giám đốc HTX Nông sản sạch Thành Nhàn Bùi Văn Thành cho biết: “Với việc đạt sản phẩm OCOP 3 sao vào năm 2020, doanh thu bột sắn dây Thành Nhàn tăng cao so với trước đây. Người tiêu dùng ở nhiều tỉnh, thành phố đã chủ động liên hệ trực tiếp để mua sản phẩm”.

Có thể khẳng định khi tham gia vào sân chơi OCOP, nhiều sản phẩm của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể đã tìm được lối đi riêng, chuyên nghiệp và ổn định hơn, từ việc đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, lựa chọn bao bì, lô gô, thương hiệu đến việc tiếp thị sản phẩm cho đối tác.

Rượu nếp cái hoa vàng Phương Khiêm (OCOP 4 sao) có mặt tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022


Bà Trần Thị Phượng, Phòng Kinh tế thị xã cho biết: "Năm 2019, thị xã Kinh Môn bắt đầu tiếp nhận hồ sơ, tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Khi đó, nhiều sản phẩm đăng ký thẩm định còn thiếu thủ tục về kiểm định chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhãn mác, bao bì của sản phẩm cũng khá thô sơ. Chúng tôi tích cực tiếp cận, động viên, hướng dẫn các chủ thể xây dựng sản phẩm không chỉ bảo đảm tiêu chuẩn OCOP mà còn mang thương hiệu riêng. Sau 4 năm thực hiện chương trình, người dân và các hộ kinh doanh nhận thấy rõ hiệu quả chương trình mang lại nên đã chủ động đăng ký tham gia sản phẩm mới, đăng ký gia hạn, nâng hạng sản phẩm".

Với những sản phẩm sau khi đạt OCOP, hằng năm thị xã chủ động kết nối, xúc tiến thương mại, hỗ trợ, giới thiệu tham gia quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, Festival sản phẩm nông nghiệp trong và ngoài tỉnh. Qua đó giúp các chủ thể chủ động nghiên cứu thị trường, thị hiếu người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp, thương mại của thị xã tăng trưởng xanh, bền vững.

BẢO THANH