“Thủ phủ” đào vào vụ Tết

Nông nghiệp - Nông thôn - Ngày đăng : 10:30, 14/01/2023

Là địa phương có diện tích trồng đào lớn nhất tỉnh, người trồng đào ở TP Hải Dương đang tất bật những công đoạn cuối cùng để đưa đào đi khoe sắc muôn nơi trong dịp Tết này.


TP Hải Dương là địa phương có diện tích trồng đào lớn nhất tỉnh, đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân. Ảnh: Thành Chung

TP  Hải Dương được coi là “thủ phủ” đào của tỉnh. Những ngày này, các chủ vườn đào ở đây đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để mang đào xuống phố đón xuân. 

Tỉ mỉ chăm cây

Bất chấp thời tiết mưa rét của những ngày tháng chạp, vùng trồng đào ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên (TP Hải Dương) trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Không chỉ thương lái trong tỉnh mà thương lái từ nhiều tỉnh, thành phố cũng về đây chọn mua đào. Người bán, người mua nhộn nhịp cả cánh đồng. 

Ông Vũ Duy Đạt, chủ vườn đào rộng 8 mẫu ở thôn Tranh Đấu đang tranh thủ từng phút huy động nhân lực để kịp đánh cây vận chuyển cho thương lái các tỉnh miền Nam. Năm nay, đào nở đẹp, nhiều nụ và to hơn những năm trước. Vườn đào của ông Đạt cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 cây đào thế, đào rừng và đào bonsai. Đây là vườn đào lớn nhất ở Gia Xuyên với nhiều cành đẹp, chất lượng. Theo ông Đạt, để đào ra hoa đúng dịp Tết, người trồng đào phải tỉ mỉ chăm sóc quanh năm. Nhưng quan trọng nhất vẫn là yếu tố thời tiết, bởi chỉ cần hoa nở sớm hoặc muộn vài ngày là hỏng cả vụ, tốn cả năm trời chăm sóc. Bởi vậy, người trồng đào phải theo dõi kỹ thời tiết để điều chỉnh kịp thời bằng nhiều phương pháp cho cây ra hoa đúng dịp.

Dịp này, ông Lê Văn Toản ở phường Hải Tân cũng có gần 800 gốc đào nhiều loại để phục vụ thị trường Tết. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trồng đào, ông Toản cho biết: “Việc chọn thời điểm tuốt lá được coi là một trong những khâu quan trọng nhất quyết định mùa đào thành công hay thất bại, bởi tuốt lá đúng thời điểm đào sẽ ra hoa đúng dịp Tết, bán mới được giá”. 

Theo những người trồng đào Tết ở phường Tân Hưng, thời điểm bán đào cũng là lúc người trồng nhập các phôi đào rừng từ các tỉnh miền núi phía Bắc về trồng và ghép mắt chuẩn bị cho vụ Tết sau. Phải mất ít nhất 1 năm trồng và chăm sóc, đào rừng mới cho thu hoạch. Với những cây đào thế, đào bonsai, thời gian phải từ 3-4 năm để chăm sóc và định hình cho cây. Việc uốn dáng cho cây phải đúng thời điểm và theo các giai đoạn phát triển. Vừa phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc như làm đất, bấm ngọn, tuốt lá… việc chăm sóc vườn đào diễn ra quanh năm, nhưng thời điểm đào bắt đầu ra mắt cho đến khi cận Tết luôn được chú trọng, quyết định sự thành bại của cả vụ hoa đào.

TP Hải Dương là địa phương có diện tích trồng đào lớn nhất tỉnh với khoảng 230 ha tập trung ở các phường, xã như Gia Xuyên, Hải Tân, Liên Hồng, Tân Hưng. Đây được coi là “thủ phủ” đào Tết của cả tỉnh. Nhiều năm qua, nghề trồng đào Tết đã đem lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân vùng ven đô. 


Toàn bộ 2.000 cây đào của ông Vũ Duy Đạt ở thôn Tranh Đấu, xã Gia Xuyên đều đã được đặt mua hết 

Khoe sắc muôn nơi

Xã Gia Xuyên là địa điểm quen thuộc của người yêu đào ở khắp nơi trong và ngoài tỉnh. Khác với những làng đào khác trong tỉnh, đào Gia Xuyên được tiêu thụ nhiều ở các tỉnh phía Nam. Ngay từ đầu tháng chạp, nhiều tiểu thương ở Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Nam Định, TP Hồ Chí Minh... không quản đường sá xa xôi đã đến đây mua đào. Những cây đào kiểu dáng đẹp, khoe sắc thắm có mặt ở khắp các hội chợ hoa xuân từ miền Bắc tới miền Nam.

Ông Phạm Văn Sử ở TP Nam Định là khách hàng quen thuộc của làng đào Gia Xuyên. Tết này, ông đặt mua 200 cây đào bonsai và đào thế để bán tại hội hoa xuân của TP Đà Nẵng. Trước Tết cả tháng, ông Sử đã gọi điện cho chủ vườn ở Gia Xuyên báo số lượng cây và đặt cọc tiền. Ông Sử chia sẻ: "Năm nay, dịch Covid-19 đã được kiểm soát, nhiều hội chợ hoa xuân ở các tỉnh, thành phố được tổ chức với quy mô lớn nên các tiểu thương như chúng tôi đều tranh thủ dịp này để bán thêm hoa Tết. Tôi đã đi tới làng đào ở nhiều tỉnh khác nhau nhưng đào ở đây hoa to, đẹp và giá cũng mềm hơn các địa phương khác. Năm nào tôi cũng lấy đào của Hải Dương mang đi bán ở nhiều tỉnh, thành phố". Ông Sử cho biết thêm những cây đào của Hải Dương có dáng đẹp, nụ to, màu sắc tươi tắn nên được nhiều người chọn mua. Thông thường, ông chỉ bán tới ngày 28 Tết là đã hết hàng.

Theo ông Vũ Duy Đạt, năm nay thời tiết rét nhiều nên thuận lợi cho cây đào phát triển. Người dân vùng đào cũng đã có nhiều kinh nghiệm trong việc chăm cây, lựa chọn thời điểm tuốt lá nên đào nở hoa đẹp đúng dịp Tết. Khó khăn lớn nhất của người trồng đào là giá vật tư, phân bón tăng cao nên kéo theo chi phí chăm sóc tăng. Vì vậy, giá đào Tết năm nay tăng, những cây đào to, có nhiều năm tuổi đắt thêm từ 1-2 triệu đồng. Giá đào bonsai bán tại vườn từ 500.000-700.000 đồng/cây, những cây đào rừng, đào thế giá bán trung bình từ 3-5 triệu đồng, có những cây gần 10 triệu đồng. Dù giá tăng gấp rưỡi so với năm trước thì toàn bộ 2.000 cây đào của gia đình ông Đạt đều đã được đặt mua hết.

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, những cành đào, cây đào của Hải Dương đã khoe sắc ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Người trồng đào khấp khởi hy vọng một vụ mùa thành công khi đào nở hoa đúng dịp Tết. Đây cũng là dịp để các hộ trồng đào gỡ gạc lại vốn sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. 

TRẦN HIỀN