Gói ghém Tết gửi nhà giàn DK-I
Chính trị - Ngày đăng : 14:00, 16/01/2023
Quà Tết từ mọi miền Tổ quốc được gửi tới chiến sĩ nhà giàn
Vượt lên những khó khăn, vất vả do mưa giăng, biển động, sóng dồn, đoàn công tác số 1 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân trên con tàu Trường Sa 21 mà tôi - nữ phóng viên Báo Hải Dương được đi cùng đã mang hơi ấm của đất liền, gói ghém đủ đầy hương vị, sắc màu Tết tới các cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK-I, nơi thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Chuyến tàu chở nặng nghĩa tình
Không phải lần đầu thực hiện nhiệm vụ đưa đoàn công tác và vận chuyển những món quà từ mọi miền đất nước đến với các nhà giàn DK-I nhân dịp Tết Nguyên đán nhưng đợt này sự háo hức, mong chờ của các thành viên tàu Trường Sa 21 như được nhân lên vì dịch Covid-19 đã được kiểm soát. Bởi dịch bệnh mà 2 cái Tết qua, cán bộ, chiến sĩ nhà giàn không được hưởng trọn vẹn không khí Tết dù quân nhu, quà Tết đầy đủ, nhưng phải hạn chế lượng người tới thăm, chúc Tết. Tết Quý Mão này đã khác. Những ngày cuối tháng 12.2022, cái nắng gắt tại cảng Lữ đoàn 171 (TP Vũng Tàu) cũng không cản nổi bước chân nhanh nhẹn của chiến sĩ Tiểu đoàn DK-I và thành viên tàu Trường Sa 21 khi chuyển quà Tết lên tàu, chuẩn bị cho chuyến hành trình biết trước là gian nan mà thấm đẫm ân tình. Thượng uý Phạm Văn Quyền, Thuyền trưởng tàu Trường Sa 21 tất bật chỉ đạo việc bố trí, sắp xếp các kiện hàng sao cho hợp lý. Đã 2 lần tham gia tặng quà Tết nhà giàn song đây là lần đầu tiên trên cương vị thuyền trưởng nên anh Quyền không giấu nổi niềm vui xen lẫn tự hào. “Anh em của tàu đã làm hết khả năng với mong muốn chuẩn bị chu đáo, tươm tất nhất cho hải trình dài đầy sóng gió để đến với đồng đội trên nhà giàn DK-I”, thượng uý Quyền nói với vẻ mặt rạng ngời.
Thành viên tàu Trường Sa 21 kiểm tra kỹ các gói quà trước khi vận chuyển qua dây lên nhà giàn
Quà Tết của cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK-I không chỉ có quân nhu, chế độ theo tiêu chuẩn mà còn có những sản phẩm đặc trưng của Tết như đào, mai, quất, gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn… Ngoài ra, Tết này lính nhà giàn còn được thưởng thức hương vị đậm đà của tương bần Hưng Yên, trà xanh Thái Nguyên… Những đặc sản vùng miền thể hiện sự quan tâm của nhân dân tới những người lính đang giấu nỗi niềm riêng, nhất là mỗi độ Tết đến xuân về để chắc tay súng giữ biển đảo quê hương. Anh Nguyễn Mạnh Cường, thành viên Câu lạc bộ Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương đã nhiều lần đồng hành trên những con tàu vượt biển đến với người lính hải quân làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Tuy nhiên, lần ra nhà giàn này mang đến cho anh những cảm xúc khó tả hơn cả. Anh Cường xúc động cho hay: “Chuyến đi này không mang ý nghĩa cá nhân mà tôi được nhiều người từ trẻ nhỏ tới người già gửi gắm nghĩa tình từ đất liền ra trùng khơi qua những món quà, tặng phẩm. Những người lính không quản vất vả, gian lao để gác biển trời cho Tổ quốc vào xuân là niềm tự hào của người dân cả nước. Do đó, ai cũng muốn đóng góp một phần nhỏ bé để gửi tới họ”.
Góp mặt trong đoàn công tác là các nhà báo đến từ nhiều cơ quan thông tấn báo chí. Có người mới đi lần đầu và cũng có người đã tham gia vài lần song tâm trạng hồi hộp, háo hức vẫn vẹn nguyên. Chị Cù Thị Thuận công tác tại Báo Đồng Nai là phóng viên nữ lớn tuổi nhất trong đoàn đã nhiều lần đến với biển đảo, nhưng với chị mỗi chuyến đi là mỗi trải nghiệm khác nhau và đến với người lính nhà giàn dịp Tết Nguyên đán cận kề thì cảm xúc lại đong đầy hơn hết. Chị Thuận chia sẻ: “Tết là dịp sum vầy, ai cũng mong muốn đoàn tụ với người thân, gia đình. Tuy nhiên vì nhiệm vụ, vì đồng bào, vì chủ quyền dân tộc, những người lính đành gác lại nỗi lòng riêng. Lính hải quân, nhất là lính nhà giàn thiệt thòi hơn cả nên sự động viên, khích lệ từ đất liền chính là liều thuốc tinh thần hữu hiệu nhất. Chính vì vậy, dù đã có tuổi, sức khoẻ không còn dẻo dai tôi vẫn muốn được gặp gỡ, trò chuyện với đồng bào của mình nơi đầu sóng”.
Chiến sĩ tàu Trường Sa 21 nỗ lực chuyển quà Tết cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn qua dây
Những người nhiều lần ra nhà giàn đã vậy, với người lần đầu tiên được tham gia hải trình này như tôi cảm xúc háo hức lại càng khó diễn tả.
Đúng 9 giờ ngày 26.12.2022, tàu Trường Sa 21 rẽ sóng ra khơi mang theo quà Tết và những tấm chân tình.
Tặng quà qua dây
Mùa này gió lớn, biển động. Lịch trình của đoàn phải lùi lại 2 ngày so với kế hoạch vì sóng mạnh cấp 5, cấp 6. Dù vậy, nghĩ tới những người lính nhà giàn đang ngày đêm mong ngóng nên không thể chần chừ thêm, tàu Trường Sa 21 đã lách sóng mà đi, hướng về các nhà giàn DK-I. Dù đã xác định tâm lý từ trước để vững tinh thần trên hải trình gian nan nhưng khó khăn bởi sóng gió làm không ít thành viên trong đoàn thấy mệt mỏi, có thời điểm cảm thấy quá sức chịu đựng. Không phải ngẫu nhiên ngư dân gọi gió mùa hoạt động trên biển những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới là gió chướng. Gió thổi ào ào khiến sóng càng dữ dội hơn. Tàu Trường Sa 21 chòng chành, chơi vơi giữa biển khơi. Không chỉ người mới đi biển mà người đi biển nhiều lần cũng thấy khó chịu, nôn nao vì tàu rung lắc mạnh theo từng đợt sóng. Bao nhiêu ngày trên tàu là bấy nhiêu thời gian tôi hết ngả bên này lại nghiêng bên kia, đêm nằm phải lấy va li chắn giường để khỏi rơi xuống sàn tàu...
Những gói quà Tết lênh đênh trên mặt biển được kéo lên nhà giàn
Hơn 40 giờ đồng hồ lênh đênh trên biển, tàu Trường Sa 21 mới tới được nhà giàn DK-I/15 ở bãi Phúc Nguyên. Nhìn thấy nhà giàn, mệt mỏi dường như tan biến, ai cũng phấn chấn trở lại, háo hức được gặp đồng chí, đồng đội, đồng bào của mình. Nhưng dẫu vượt nắng, thắng mưa, xé từng con sóng thì niềm vui vẫn chưa thể trọn. Vì sóng to, gió lớn mà chúng tôi chỉ có thể vẫy tay chào nhau chứ không thể có cái bắt tay thật chặt. Từ bãi Phúc Nguyên đến bãi Tư Chính, 4 nhà giàn đi qua nhưng đoàn công tác vẫn không thể tay bắt, mặt mừng với cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Lần nào tới gần nhà giàn, đại tá Phạm Quyết Tiến, Phó Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trưởng đoàn công tác cũng đứng trên tầng 3 của tàu trầm ngâm quan sát. Không trăn trở, tâm tư sao được khi cả đoàn không lên được nhà giàn. Nhiều lần ông hạ quyết tâm, chỉ đạo các lực lượng hạ xuồng, sẵn sàng phương án để đưa các thành viên lên thăm nhà giàn. Dẫu vậy, trước sóng lớn, có lúc mạnh cấp 7, cấp 8 thì lý trí, bản lĩnh lại chiến thắng cảm xúc, con tim bởi an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, cả đoàn đành ngậm ngùi "chúc Tết qua loa, tặng quà qua dây".
Để những phần quà Tết đến tay cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, Tổ phục vụ tàu Trường Sa 21 phải gói bọc quà cẩn thận, buộc chắc chắn vào dây chão để kéo lên nhà giàn. Nghe thì có vẻ dễ dàng nhưng thực hiện giữa sóng to, gió lớn thì nguy hiểm khôn cùng. Nhanh chóng mở khoang hầm hàng ra rồi lại khẩn trương đóng lại vì mưa bất chợt. Thả dây xuống rồi lại gấp gáp kéo lên bởi chưa bảo đảm an toàn. Mọi công đoạn, thao tác đều phải làm nhanh, tranh thủ vì nếu lỡ cơ hội thì khó khăn lại gia tăng. Trung úy Nguyễn Duy Hoàng, Phó Thuyền trưởng, Tổ trưởng xuồng tàu Trường Sa 21 là người trực tiếp chỉ đạo việc vận chuyển quà Tết. Anh Hoàng năm nay mới 25 tuổi nhưng gương mặt đã nhuốm màu biển cả. Sóng to, gió lớn đã tôi luyện anh trở nên bản lĩnh, quyết đoán trong mọi hoàn cảnh, tình huống, nhất là khi nguy hiểm cận kề. Không phải lúc nào việc chuyển quà Tết qua dây cũng suôn sẻ, có khi gói quà tuột dây lại bị sóng đánh trôi ra xa, anh Hoàng cùng đồng đội không do dự mà lái xuồng vớt về. Anh Hoàng tâm niệm đó không chỉ là phần quà Tết thông thường mà còn là tình cảm của người dân cả nước gửi tới người lính nhà giàn và trách nhiệm của anh là phải trao đầy đủ, vẹn toàn tới cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, có lúc sóng chồm lên cao như nuốt chửng chiếc xuồng nhỏ nhưng anh vẫn vững tâm lái xuồng, đưa quà Tết tới đúng địa chỉ. “Sóng xô nhanh và mạnh thì mình phải hành động mạnh và nhanh hơn sóng”, anh Hoàng dõng dạc nói.
Do biển động mạnh nên đoàn công tác chỉ có thể thăm hỏi, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn DK-I qua bộ đàm
Quà Tết được chuyển an toàn lên nhà giàn cũng là lúc lòng người lắng đọng. Qua sóng bộ đàm, những con người ở hai đầu không biết mặt nhau, chỉ hình dung về nhau qua giọng nói tiếng cười mà vẫn đầm ấm, chân tình. Giữa trùng khơi, những lời chúc Tết cũng trở nên thiêng liêng, cao cả. Đại tá Phạm Quyết Tiến thay mặt đoàn gửi gắm tình cảm thân thương của đất liền tới các cán bộ, chiến sĩ nhà giàn nhân dịp Tết đến, xuân về, đồng thời tin tưởng những người lính nhà giàn bền gan, vững chí giữ vững chủ quyền thềm lục địa phía nam của Tổ quốc. Đáp lại, đầu dây bên kia chỉ qua giọng nói cũng thể hiện quyết tâm vì chủ quyền, vì dân tộc. Và rồi mọi ranh giới, khoảng cách bị xóa nhòa khi giai điệu bài hát “Mùa xuân DK” vang lên. “Sóng gió mặc sóng gió/ Lính nhà giàn bọn tôi ở đó/ Chông chênh mặc chông chênh/ Lính nhà giàn chẳng sợ bão giông”.
Có vất vả, có gian lao, thậm chí hy sinh, mất mát song những người lính nhà giàn vẫn hiên ngang, yêu đời, giữ biển trời, góp thêm sức xuân cho Tổ quốc. Và nhân dân cả nước vẫn luôn hướng về nhà giàn bởi nơi đó có đồng bào, máu thịt của ta.
NGUYỄN MƠ