Hàng đặc sản hút khách

Thị trường - Ngày đăng : 15:22, 18/01/2023

Vài năm gần đây, các loại đặc sản được nhiều người lựa chọn trong dịp Tết Nguyên đán. Nắm bắt nhu cầu này, các siêu thị, cửa hàng, người kinh doanh online đã nhập nhiều mặt hàng này để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.


Các cửa hàng kinh doanh đặc sản đón lượng khách tăng cao trong những ngày cận Tết


Đủ cả ta lẫn Tây

Những ngày này, dạo quanh một số siêu thị, cửa hàng và hội nhóm bán hàng online có thể thấy nhiều mặt hàng đặc sản vùng miền, đặc sản nhập khẩu được bày bán sôi động.

Cửa hàng Kyo Food ở đường Nguyễn Văn Linh (TP Hải Dương) hiện có khoảng 50 loại đặc sản vùng miền và nhập khẩu. Đại diện cửa hàng chị Đoàn Thị Hiền cho biết gần Tết, mỗi ngày cửa hàng có gần 200 đơn hàng. Cùng với nhiều đặc sản đến từ các vùng miền trong nước như xoài Cát Chu, chuối ngự tiến vua, gà Đông Tảo, cửa hàng còn có những đặc sản nhập khẩu như cá hồi Na Uy, cá tuyết Nam Cực, thịt bò Kobe, Wagyu A5 (Nhật Bản)… Cũng theo chị Hiền, xu hướng của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Dịp Tết, nhiều người không chỉ quan tâm lựa chọn sản phẩm ngon mà còn phải lạ, độc đáo.

Dịp Tết này, siêu thị BRG Mart ở TP Hải Dương đưa lên kệ nhiều đặc sản vùng miền như bưởi da xanh, mì chũ Bắc Giang, nấm hương, mộc nhĩ rừng… Cùng với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử, không khó để tìm kiếm nhiều loại đặc sản trên Shopee, Lazada, Sendo… và nhiều chợ, nhóm online trên mạng xã hội. 



Các siêu thị nhập nhiều đặc sản vùng miền trong nước để phục vụ người tiêu dùng


Đắt hàng  

Một số cơ sở kinh doanh đặc sản vùng miền cho biết đa phần giá các mặt hàng đặc sản cao hơn sản phẩm cùng loại trên thị trường do chi phí vận chuyển, việc tìm nguồn hàng, chọn lọc hàng đều phức tạp hơn.

Theo chị Đoàn Thị Hiền, đại diện cửa hàng Kyo Food, gần Tết, nhiều sản phẩm của cửa hàng bán khá chạy. Trung bình mỗi ngày cửa hàng bán được khoảng 60-70 kg giò đà điểu với giá 340.000 đồng/kg. Các loại thịt, hải sản nhập khẩu cũng được nhiều khách hàng quan tâm như cá hồi Na Uy, bò Mỹ, sườn cừu...

Chị Trương Minh Việt ở phường Phạm Ngũ Lão (TP Hải Dương) có khoảng 5 năm kinh doanh nhiều mặt hàng đặc sản của vùng núi phía Bắc. Gần Tết, chị Việt bận rộn với nhận đơn và giao hàng. Chị cho biết: “Bán hàng đặc sản quanh năm, nhưng thời điểm gần Tết luôn là dịp bán chạy nhất. Khách hàng quan tâm nhiều đến thịt gác bếp, gạo nếp nương, măng, miến". Năm nay, dịch Covid-19 được kiểm soát nên phương tiện vận chuyển dễ dàng, nhu cầu của người tiêu dùng tăng nên việc kinh doanh cũng khởi sắc. Hiện nay, trung bình mỗi ngày, chị nhận được khoảng 50 đơn hàng, cao hơn 20-30% so với thông thường.

Do có người quen làm giò me (giò bê) ở Nghệ An nên từ Tết năm ngoái, chị Chu Thị Duyên ở xã Cao An (Cẩm Giàng) bắt đầu bán sản phẩm này. Tết năm nay, chị Duyên tiếp tục kinh doanh giò me, bắt đầu bán từ 20 tháng chạp. Đến ngày 24, chị đã bán hơn 5 tạ giò me và tiếp tục nhận được nhiều đơn của khách hàng. 

Tết năm nay, giá một số loại đặc sản đã tăng từ 10-15% so với Tết năm ngoái. Cụ thể, thịt trâu gác bếp từ 900.000-1 triệu đồng/kg, gạo Séng Cù 32.000 đồng/kg, gạo nếp Tú Lệ (Yên Bái) 45.000 đồng/kg, măng nứa khô Văn Bàn (Lào Cai) 330.000 đồng/kg, nấm hương khô Sa Pa 400.000 đồng/kg, miến Bản Xèo-Bát Xát (Lào Cai) 120.000 đồng/kg…

Các mặt hàng đặc sản rất phong phú nên người tiêu dùng dễ dàng chọn lựa. Tuy nhiên, khi mua đặc sản trong dịp Tết, người tiêu dùng cần lưu ý chọn sản phẩm có đầy đủ thông tin như ngày sản xuất, hạn sử dụng, điều kiện bảo quản, địa chỉ cơ sở sản xuất… để bảo đảm an toàn, tránh mua phải sản phẩm kém chất lượng. 

HOÀNG QUÂN