Nét riêng làng quê Hải Dương xưa
Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 07:00, 20/01/2023
Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã mang đến cho làng quê Hải Dương một diện mạo mới, ngày càng khang trang, hiện đại, song vẫn còn đó những dấu tích của làng quê cũ, những phong tục, tập quán đã trở thành hồn quê mãi không phai trong tâm thức bao người.
Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Hồng, phên dậu phía đông của kinh thành Thăng Long, xứ Đông là vùng đất giàu truyền thống văn hiến. Làng quê xứ Đông vừa mang đặc trưng của làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ, vừa mang nét riêng chỉ xứ Đông - Hải Dương mới có.
Do có hệ thống sông ngòi dày đặc nên trong nhiều nhà dân ở Hải Dương luôn có thuyền làm phương tiện vận chuyển. Trong ảnh: Người dân xã Kim Anh (Kim Thành) dùng thuyền đánh cá. Ảnh tư liệu
Văn hiến, lâu đời
“Theo các di tích khảo cổ, người dân ở Hải Dương quần cư sớm. Dấu vết của người nguyên thủy từ cách đây 50.000 - 30.000 năm ở hang Thánh Hóa, núi Nhẫm Dương (Kinh Môn) rồi dấu vết của văn hóa Đông Sơn khá phổ biến trong các di tích, di vật tìm được ở Hải Dương là những minh chứng. Ở Hải Dương, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy hàng nghìn ngôi mộ quan lại nhà Hán, huyện nào cũng có… Điều đó cho thấy, đây là vùng đất cổ, có từ lâu đời”, nhà sử học Tăng Bá Hoành nói với chúng tôi như thế về mảnh đất Hải Dương – xứ Đông. Cũng theo ông Hoành, tỉnh ta hiện có nhiều ngôi làng đã nghìn năm tuổi như Hoạch Trạch (Thái Học), Mộ Trạch (Tân Hồng, cùng huyện Bình Giang); Cập Nhất, Cập Thượng (Tiền Tiến, TP Hải Dương)…
Không chỉ lâu đời, Hải Dương còn là vùng đất văn hiến, giàu truyền thống khoa bảng. Thời phong kiến, Hải Dương đứng đầu cả nước về số người học hành đỗ đạt, đặc biệt là về số tiến sĩ Nho học với 472 người, trong đó có 11 trạng nguyên. Không chỉ có làng Mộ Trạch, nơi được mệnh danh là “lò tiến sĩ xứ Đông” mới là đất học, ở Hải Dương đâu đâu cũng thấy sự hiện diện của sự học. Hầu như làng nào cũng có văn chỉ, một thiết chế văn hóa xưa để “thờ riêng những bậc khoa hoạn trong làng” – như cách nói của Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục. Còn theo nhà sử học Tăng Bá Hoành, văn chỉ chỉ có ở những làng có những người học chữ Hán đến một trình độ nhất định từ khóa sinh trở lên. Cùng với văn chỉ, các làng ở Hải Dương đều có bia ký, cho thấy trong làng có đội ngũ được học chữ Hán, am hiểu chữ nghĩa. Đây là điểm khác biệt so với nhiều làng vùng đồng bằng Nam Bộ, miền núi và ngay cả nhiều địa phương ở Bắc Bộ.
Làng gắn với sông
Theo sách Lịch sử Hải Dương tập 1 (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật, năm 2021), với địa hình vùng đất đồng bằng xen đồi núi, hệ thống sông hồ dày đặc, người Hải Dương xưa đã chọn các hình thức cư trú ven sông, dưới chân đồi, trên các vùng đất cao tạo lập nên xóm làng - những đơn vị hành chính từ buổi đầu dựng nước. Từ những đơn vị cư trú đầu tiên trên các vùng đồi núi Nhẫm Dương (Kinh Môn), con người tiến xuống chinh phục đồng bằng, những vùng đất cao bãi bồi ven sông được chọn làm nơi lập làng, với nơi ở cao ráo, có tư liệu sản xuất, giao thông thuận lợi đã hình thành nên các làng cư trú ven các dòng sông và ngày càng sầm uất.
Có thể nhận ra điểm khác biệt này trong các ngôi làng ở Hải Dương. Cũng như các ngôi làng của đồng bằng Bắc Bộ, làng ở Hải Dương được bao bọc trong các lũy tre, song lại không khép kín bởi nhiều làng có sông chảy qua. Vì gắn với sông nước, nên trong nhà của người dân xưa, nhất là dân các huyện ở phía đông, phía nam của TP Hải Dương như Thanh Hà, Kim Thành, Gia Lộc… đều có thuyền và người dân thì giỏi bơi lội. Thuyền là phương tiện đi lại chính của họ. Thậm chí, cả bọn trộm, cướp các làng thời xưa cũng đi bằng đường sông. Nhiều đình làng, chợ làng nằm gần bến sông và mang tên gọi đình Bến, chợ Bến. Có làng tên gọi cũng thể hiện rõ là làng bên sông, nơi thuyền neo đậu như làng Chu Đậu, Thái Tân (Nam Sách). Trước Cách mạng Tháng Tám, tỉnh ta có nhiều làng chài, người dân dựa vào sông nước đánh bắt cá tôm để mưu sinh. Nhiều trò chơi dân gian của Hải Dương trong các lễ hội làng cũng gắn với sông nước như đi cầu thùm, bắt vịt, bơi chải…
Tập tục phong phú
Do địa hình, khí hậu nóng ẩm, trong mỗi ngôi làng ở xứ Đông, người dân thường xây nhà bằng vật liệu tranh tre, nứa lá; tường trát vách. Đa số nhà được làm ở hướng nam để tránh nóng với cấu trúc trong một khu vườn, gồm: cổng - ao - sân - nhà - vườn. Bếp được xây dựng tách biệt với nhà và thường ở gần ao để tiện cho việc giặt giũ, rửa ráy và cứu hỏa.
Nhiều ngôi nhà thời hiện đại vẫn mang dáng dấp nhà của người xứ Đông xưa với các tấm mành chắn nắng. Ảnh: THÀNH CHUNG
Mối quan hệ cộng đồng làng được tạo nên từ quan hệ gắn kết giữa các dòng họ. Trong làng có nhiều dòng họ với những nguồn gốc khác nhau, trong mỗi dòng họ có sự phân chia chặt chẽ theo thứ bậc thế hệ. Nhiều làng mang tên gọi của các dòng họ như: Phạm Xá, Đỗ Xá, Vũ Xá… để ghi dấu việc dòng họ ấy là những người đầu tiên lập làng.
Dân xứ Đông xưa chủ yếu làm nông nghiệp, đánh bắt thủy sản, trồng bông, dệt vải, trồng dâu, nuôi tằm... sau này, hình thành và phát triển nhiều nghề thủ công khác.
Nằm trong không gian văn hóa vùng đồng bằng Bắc Bộ, các làng quê xứ Đông cũng mang trong mình các nét văn hóa chung của vùng như mỗi làng đều có cổng làng, có đình, chùa, một số nơi có quán. Vào dịp nông nhàn, các làng thường tổ chức lễ hội với nhiều hoạt động phong phú.
Vào dịp Tết, người dân có nhiều tục tốt lành như mừng tuổi, mừng thọ, khao lão... cùng những tục kiêng cữ: kiêng quét nhà, kiêng to tiếng, kiêng nói tục. Một số làng có tục treo cây nêu ngày Tết hoặc đi lễ chùa trong đêm giao thừa… Tất cả đã tạo nên văn hóa Tết của làng quê xứ Đông.
Ngày nay, với sự phát triển chung của xã hội, làng quê Hải Dương cũng có rất nhiều biến đổi. Là tỉnh nông thôn mới với nhiều xã đã và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, diện mạo làng quê Hải Dương đang ngày một khang trang, hiện đại và văn minh. Song vẫn còn đó hồn quê xứ Đông với nhiều nét văn hóa truyền thống, nhiều phong tục, tập quán được bảo tồn và phát huy.
HOÀI ANH