Chợ quê

Thị trường - Ngày đăng : 16:06, 21/01/2023

Chợ nông thôn nay đã có nhiều nét khác xưa nhưng những tinh túy của sản vật và sự hồn hậu của người quê vẫn luôn hiện hữu. Về chợ quê những ngày áp Tết thấy mùa xuân như đến sớm hơn.

Nét xưa

Thuở ấy, dịp áp Tết, bà nội tôi còn khỏe, mắt tinh, lưng chưa còng nên thường đi bộ dắt mấy đứa cháu nhỏ men theo đường đê xuống phiên chợ Thông, xã Đoàn Tùng (Thanh Miện). Chợ Thông gần nhà và cũng là phiên chợ sầm uất nhất, nhì khu vực lúc ấy. Tôi biết vậy bởi bà hay đọc câu thơ “Qua Thông, xuống Bóng rẽ vào Rồng” để nhắc về 3 chợ phiên lớn ở đây. Phiên chợ ngày áp Tết cái gì cũng lạ. Lạ bởi chợ đông hơn, thơm hơn. Mùi ngan ngát của hương trầm, bưởi chín, của mớ mùi già đã chuyển màu bà thường hay mua cho cả nhà rửa mặt vào sớm mùng 1 Tết. Người đi chợ ken cứng cả lối đi…

Những ký ức về chợ Tết tuổi thơ ùa về như thế khi một người bạn ở nước ngoài nhắn tin hẹn áp Tết sẽ trở lại Hải Dương và nhờ chúng tôi dẫn đến thăm chợ Côm (Thanh Hà). Nghe tên chợ Côm, tôi không khỏi tò mò bởi ngay giữa TP Hải Dương có chợ Con, chợ Bắc Kinh nổi tiếng sầm uất hơn nhiều tại sao bạn lại muốn tìm về chợ Côm? 


Chợ Côm ở xã Tân Việt (Thanh Hà) vẫn gìn giữ được khu nhà tường trình hơn 100 năm để người dân buôn bán trong đó

Giải đáp thắc mắc này, bạn bảo: "Tớ đọc thấy Hải Dương có nhiều chợ quê đẹp nhưng chợ Côm vẫn giữ được nhiều nét đặc trưng của chợ quê đồng bằng Bắc Bộ xưa. Điều đặc biệt chợ Côm ngày nay còn giữ được một khu nhà tường trình hơn 100 năm tuổi làm bằng xỉ vôi". 


Một góc bức tường ở chợ Côm phủ rêu phong

Tôi tìm về chợ Côm ở xã Tân Việt (Thanh Hà) vào một sáng đầu đông hanh hao, nắng nhẹ. Chợ bày bán rất nhiều sản vật của địa phương. Gặp ông Phạm Công Phong, hậu duệ đời thứ ba của cụ Phạm Công Hữu, người được dòng họ tạc bia ở chợ Côm vì trồng cây đa lưu niệm ở đây trò chuyện về chợ quê xưa và nay.

Ông Phong nhớ lại: Chợ Côm sầm uất chẳng kém chợ Vàng, chợ Cháy. Chợ họp theo phiên, 2 và 7. Ngày 27 Tết là phiên cuối cùng cũng là ngày chợ Côm đông vui nhất. Ngày ấy, trong khu nhà tường trình do cụ cai Nhâm tài trợ xây dựng, người mua, kẻ bán tấp nập. Họ bán nhiều nhất là hoa Tết. Hoa cúc, hồng, lay ơn, thược dược đủ màu. "Đến cổng chợ, lũ trẻ chúng tôi háo hức đi tìm chỗ bán pháo diêm, kẹo vồ, kẹo lạc để kỳ kèo mẹ mua bằng được. Đối với tôi, chợ Côm nay dù có khác xưa thì khi đến đây vẫn thấy nét quê bình dị và ấm áp. Trải qua thời gian, khu nhà tường trình có tuổi đời hơn 100 năm vẫn được người dân gìn giữ. Mỗi lần đến ngắm nghía những bức tường đã nhuốm màu rêu phong ấy tôi như trẻ lại, ký ức tuổi thơ ùa về”, ông Phong nói.

Cũng như bao vùng miền khác trong cả nước, mỗi địa phương của Hải Dương đều có những phiên chợ. Chợ Vàng, xã Quyết Thắng (TP Hải Dương) hiện vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của chợ quê. Người dân vẫn họp chợ trong những gian nhà mái ngói rêu phong. Chợ Yên (Tứ Kỳ) có những đặc sản mà chỉ ở chợ quê mới có như bánh đúc xanh, bánh ú, kẹo vồ, kẹo kéo…; chợ Vé, chợ Đọ (Ninh Giang) có đặc sản thịt trâu ngon nức tiếng…


Người dân nông thôn thường mang những sản vật cây nhà, lá vườn đến chợ quê để bán

Hải Dương cũng là nơi có nhiều chợ quê đặc sắc. Chẳng phải vì thế mà phiên chợ Bằng, chợ Giằng đã từng vào truyện của Thạch Lam. Chợ quê dung dị cũng đã từng được nhà thơ Hà Cừ nhắc đến: “Bao năm về lại chợ quê/ Người đi vẫn cứ nón mê, áo chằm… Chợ quê con tép cũng gầy/ Con cua, con cá dính đầy bùn tươi”... 


Những hàng bán bánh rán nóng hổi gần như ở chợ quê nào cũng có

Cuốn sách “Chợ truyền thống của Việt Nam qua tư liệu văn bia” do tác giả Trịnh Khắc Mạnh chủ biên điểm danh hơn 200 chợ quê nổi tiếng trong cả nước thì Hải Dương có tới 15 chợ. Điều này đủ hiểu chợ quê của Hải Dương nổi tiếng đến thế nào.

Đúng là muốn biết được văn hóa địa phương nơi ta đến, không có nơi nào đầy đủ bằng chợ, nhất là chợ Tết. 

Đổi thay


Ngày nay đến chợ quê người dân có thể thanh toán tiền bằng mã QR tiện lợi

Nhắc đến chợ, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) cho biết: “Hải Dương có gần 200 chợ, chủ yếu là chợ hạng 2 và hạng 3 do UBND cấp huyện hoặc cấp xã quản lý”. Chợ quê ngày nay khác xưa nhiều. Khác bởi sự hiện đại và mới mẻ cả về cơ sở vật chất lẫn số lượng, chủng loại hàng hóa. Những mái lá hay mái ngói lô xô của chợ xưa nay ít thấy, thay vào đó là những ki-ốt khang trang, sạch sẽ. Một đổi thay dễ thấy nữa là ngày nay không còn nhiều chợ duy trì họp theo phiên. Người dân không phải bấm ngày đi chợ như các bà, các cụ ngày xưa nữa. 

Hàng hóa ngày Tết hay ngày thường gần như giống nhau. Có khác chăng, các gian hàng thêm ngồn ngộn vào những ngày cận Tết. Và chợ Tết nhiều hoa, nhiều đồ chơi, đồ ăn chiều lòng con trẻ.


Người bán hàng ở chợ quê giờ cũng khác, biết dùng mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm

Chứng kiến những đổi thay của chợ quê nhiều năm qua, ông Phạm Văn Hạnh ở thị tứ Phủ (Bình Giang) cho biết chợ nay không chỉ khang trang, sạch đẹp, hàng hóa phong phú, đa dạng mà cách trả tiền của người dân cũng khác. “Xưa người đi chợ mặc cả như một sự giao lưu, một nét văn hóa thì nay ít người làm vậy. Họ không phải bớt một, thêm hai, nhận từng đồng tiền lẻ mà nhiều người thanh toán bằng điện thoại, quét mã QR nhanh chóng và tiện lợi. Người bán biết dùng Zalo, Facebook, TikTok… để giới thiệu hàng hóa. Thậm chí nhiều người chẳng đến chợ mà chỉ cần gọi điện là tiểu thương cho người giao hàng đến tận nhà", ông Hạnh nói.

Cuộc sống hiện đại có nhiều đổi thay nhưng tinh thần chợ Việt truyền thống vẫn hiển hiện nơi thôn dã và mang nhiều giá trị văn hóa truyền thống, nhất là trong mỗi phiên chợ quê dịp Tết đến, xuân về. 

HẢI MINH