Trông bánh chưng chờ trời sáng
Đời sống - Ngày đăng : 18:10, 21/01/2023
Với nhiều người, mùi nước sôi toả ra từ nồi luộc bánh chưng và củi khô là một ký ức đẹp đẽ về những cái Tết xưa
Chiều 29 Tết, ngay sau khi bố trí xong công việc nhà riêng, gia đình chị Nguyễn Mai Thu gần như ngay lập tức di chuyển từ Hà Nội về quê nhà ở Thanh Miện. Tối cùng ngày, bố mẹ chị gói bánh chưng ăn Tết.
Nhà có bếp nhưng chị Thu đề nghị bố mẹ chất nồi bánh chưng ngay giữa sân. Lửa trong bếp từ từ cháy bùng bùng, chị Thu và mấy anh chị em ngồi ôn lại kỷ niệm thuở thiếu thời. Lũ trẻ con nhà chị từ thủ đô về, thấy cảnh tượng mà vui ra mặt, liên tục hỏi han. Đây cũng là lúc chị kể cho các con nghe về tục gói bánh chưng ngày Tết. “Lẽ ra mẹ tôi đã gói bánh từ hôm trước nhưng tôi bảo phải đợi con về mới làm. Tôi thích cảm giác được cùng bố mẹ và anh chị em trong nhà ngồi quây quần bên bếp lửa hồng trông nồi bánh chưng Tết. Cái mùi thơm của củi và nước sôi toả ra từ nồi bánh chưng gợi lại cho tôi biết bao kỷ niệm”, chị Thu chia sẻ.
Chị Nguyễn Mai Thu và anh chị em bên bếp lửa hồng chờ bánh chưng chín
Tối 29 Tết, gia đình ông Nguyễn Văn Dinh ở Tứ Kỳ bắt đầu nấu bánh chưng trên bếp củi hồng. Sau bữa cơm tối, ông cùng các con quây quần bên bếp lửa hồng trò chuyện, nói cười rôm rả. Với ông, việc trông bánh chưng chờ trời sáng là một kỷ niệm đẹp, gắn liền với những năm tháng tuổi thơ của một thời gian khó. Ông Dinh bảo giờ bánh chưng thích ăn lúc nào cũng có nhưng với thế hệ của ông hồi còn nhỏ thì chỉ khi Tết đến mới thấy, nó giống như một thứ đặc sản quý.
Ông Nguyễn Văn Dinh cùng con và cháu nội thức đêm trông nồi bánh chưng đón Tết
Ngày xưa cứ trước Tết cả tháng là ông Dinh lại theo bố lại đi thu lượm gốc cây bạch đàn, xà cừ, tre khô về phơi để Tết chất bánh. Có năm nhà hết gạo nếp, bố ông phải đi vay hàng xóm. Thịt lợn, đỗ làm nhân cũng đâu có được nhiều như bây giờ, thế nhưng không hiểu vì sao ông luôn háo hức, chờ đợi. Tối đến anh chị em ông Dinh quây quần bên bố mẹ trông nồi bánh chưng. “Trời rét còn trải cả rơm, đắp chăn dưới bếp để trông nồi bành. Chúng tôi hay ngủ gật, đến sáng tỉnh dậy thì bánh đã được bố vớt ra ép gỗ cho ráo nước từ khi nào”, ông Dinh nhớ lại.Nhiều gia đình không luộc bánh vào ban ngày mà thực hiện việc này vào ban đêm để cảm nhận rõ hơn không khí đặc biệt của ngày Tết
Không chỉ ở nông thôn mà chốn thành thị cũng có nhiều gia đình thích cảm giác thức khuya trông bánh chưng. Với họ chỉ khi nào tự gói, tự luộc bánh chưng thì Tết mới thực sự đến. Tết này, trong khi nhiều gia đình hàng xóm mua bánh chưng ngoài cửa hàng thì cụ Vũ Đình Khâm (92 tuổi ở phường Thanh Bình, TP Hải Dương) vẫn “chỉ đạo” con cháu gói bánh. Khoảng sân rộng trước nhà được con cháu cụ trải cát, xếp gạch làm bếp nấu bánh chưng. “Với tôi thì duy trì việc này để mà nhớ về quê hương, nguồn cội. Với con cháu tôi thì để các cháu có dịp đoàn tụ, từ đó sống trách nhiệm với nhau, luôn biết trân quý tình cảm gia đình mà sống tử tế”, cụ Khâm nói.Hình ảnh người dân thức đêm trông bánh chưng Tết thời hiện đại, cho thấy nét đẹp truyền thống vẫn đang được lưu truyền
Những ngày cận Tết, lướt Facebook thấy nhiều gia đình tổ chức gói bánh, thức khuya thậm chí tới đêm để trông và vớt bánh chưng. Không khí Tết ở các gia đình thật ấm cúng. Nồi bánh chưng này Tết vì thế cũng trở nên vừa thân thuộc, vừa hết sức đặc biệt và ý nghĩa.TIẾN MẠNH