Nồng ấm chè xanh Văn Tố

Ẩm thực - Ngày đăng : 13:32, 22/01/2023

Với nhiều thế hệ người dân xã Văn Tố (Tứ Kỳ), cây chè không chỉ góp phần nuôi sống gia đình mà đã in hằn trong tâm thức họ, đi vào thơ ca, trở thành một “biểu tượng” văn hóa bản địa để mỗi khi đi xa đều khắc khoải nhớ về quê hương.


 Vợ chồng ông Phạm Văn Tẽo quyết tâm bảo tồn vườn chè 

Mùa xuân đến, hơn 30 cây chè của gia đình ông Phạm Văn Tẽo (70 tuổi, ở thôn La Giang) trồng từ sau trận lụt năm 1971, thân gốc xù xì, mốc meo nhưng ngọn vẫn đầy lá non xanh vươn mình trong nắng ấm. Bà Nguyễn Thị Nga (vợ ông Tẽo) hái lá, nấu nước chè bằng chiếc ấm nhôm đặt trên chiếc kiềng 3 chân bùng bùng củi lửa trong bếp mời khách. Nước chè rót ra chén xanh như ngọc, thơm lừng cả căn phòng. Nhấp ngụm chè với vẻ mặt sảng khoái, ông Tẽo chia sẻ: "Nhiều người nơi khác đến chơi bảo phá đi cho cảnh nhà phong quang. Có người còn trả trăm triệu mua cả vườn chè nhưng tôi không đồng ý. Vườn chè là tài sản tinh thần vô giá, để chúng tôi lưu giữ ký ức về những năm tháng đã qua và cũng là để nhắc nhở con cháu về nguồn cội, văn hóa quê hương”.


Ông Phạm Văn Tẽo bên gốc chè trồng từ năm 1971

Người cao tuổi ở Văn Tố không ai biết chè xanh có từ bao giờ. Họ chỉ biết từ khi còn nhỏ đã thấy nhà nhà, người người trồng chè. Xưa, cứ 4 giờ chiều, người dân trong xã hái chè để sáng sớm hôm sau mang đi bán ở khắp các chợ trong vùng. Chè được bán bằng nón theo kiểu ước lượng. 


Nước chè xanh được nhiều người dân xã Văn Tố sử dụng hằng ngày, dùng để tiếp khách khi gia đình có công việc 

Lá chè xanh Văn Tố dày, thơm ngon có tiếng. Nước dùng để nấu chè phải là nước mưa. Múc nước mưa vào khoảng 2/3 ấm nhôm đun sôi rồi vò một nắm lá chè đã rửa sạch cho vào nấu tiếp từ 15-20 phút. Sau đó, tắt bếp, đổ thêm 1-2 cốc nước mưa vào trong ấm. Chè xanh Văn Tố uống có vị đậm, ngọt đặc trưng. Người Văn Tố uống nước chè xanh hằng ngày, dùng để đãi khách đến chơi nhà hoặc khi gia đình có đám hiếu, hỉ…

Chủ tịch UBND xã Văn Tố Nguyễn Trọng Khuyến cho biết ngày nay diện tích chè của địa phương đã thu hẹp nhưng hầu như nhà nào trong xã cũng có một vài cây. 

AN THANH