Cây duối cổ làng Cờ

Môi trường - Ngày đăng : 20:01, 22/01/2023

Ở Hải Dương, không nhiều nơi có cây duối cổ như ở thôn Tứ Kỳ Thượng (tục gọi là làng Cờ), xã Ngọc Kỳ (Tứ Kỳ). Theo các cụ cao niên trong làng, cây duối này ít nhất đã sống được hơn 700 năm.

Cây duối cổ làng Cờ đã sống hơn 7 thế kỷ nhưng mùa xuân này lá vẫn xanh

Trải qua thời gian và biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử nhưng cây duối cổ làng Cờ vẫn sừng sững trong khuôn viên nhà văn hoá thôn. Cây cao chừng 10m, gốc cây to phải hai người lớn ôm mới hết. Tán cây rộng, giống hình quả núi. 

Thân cây duối làng Cờ nổi gờ, nổi cục từ gốc lên ngọn, xù xì, mốc meo, một số cành đã khô nỏ nhưng sự sống vẫn tiếp diễn.


Gốc cây to phải 2 người lớn ôm mới hết

Đất trời vào xuân, cây duối làng Cờ đâm chồi, nảy lộc. Tán cây xanh mướt, lá non vươn mình hứng những giọt mưa xuân. Những người lần đầu nhìn thấy cây duối đều trầm trồ và tỏ ra hết sức ấn tượng. “Duối thì tôi gặp ở nhiều nơi rồi nhưng để mà thấy cây vừa to, vừa cổ kính như cây duối làng này thì đây là lần đầu. Điều kỳ diệu là nhiều chỗ thân cây như đã khô nỏ mà vẫn đâm chồi, nảy lộc”, anh Nguyễn Mạnh Hà - một người làm rể làng Cờ cho biết.

Với các thế hệ người dân làng Cờ, nhất là những con em sinh sống xa quê, cây duối gắn liền với ký ức thuở thiếu thời, trở thành biểu tượng văn hoá để dù đi đâu vẫn nhớ. Năm nào từ Hà Nội về quê ăn Tết, ông Nguyễn Văn Cộng (60 tuổi) cũng ghé qua chiêm ngưỡng cây duối của làng. “Ngày chúng tôi còn là trẻ con thì đây đã là cây cổ thụ rồi. Trước tán cây to, thân cây xoai xoải nên chúng tôi thường leo trèo chơi trốn tìm, đến mùa thì vặt quả chín vàng để ăn. Đã nhiều năm rồi tôi không được ăn quả duối nữa nhưng mùi vị của nó thì vẫn nhớ mãi”, ông Cộng cho hay.

Những cành trên cao cũng xù xì, mốc meo

Nhiều cành cây đã bị khô nỏ

 Điều kỳ diệu là cành lá cây duối cổ vẫn xum xuê, che bóng mát cả một góc nhà văn hoá thôn

Xưa, ngay cạnh gốc cây duối có một phiến đá xanh vuông vức rộng khoảng 4m2. Mùa hè đến, cả người già lẫn trẻ nhỏ đều ra phiến đá này ngồi và vui chơi để cảm nhận sự mát mẻ. Kể từ khi dân làng cải tạo khuôn viên nhà văn hoá thì phiến đá đã được di chuyển ra đặt trước ngôi miếu nằm cách cây duối chỉ khoảng 2-3m.

Người dân làng Cờ luôn biết trân trọng và quan tâm bảo vệ cây duối cổ. Trẻ em trong làng giờ ra đây chơi chỉ ngắm chứ không leo trèo như trước.

Cây duối vẫn đâm chồi, nảy lộc khi đất trời vào xuân

 Nằm ngay cạnh cây duối cổ có một ngôi miếu, dân làng thường ra đây dâng hương dịp đầu xuân

Tấm bia ghi lại thân thế của các vị tiến sĩ là người làng Cờ qua các thời kỳ

Phiến đá xanh trước ngôi miếu đã ngả màu rêu phong cổ kính

 Bát hương đá nằm giữa cây duối cổ và ngôi miếu

Cạnh gốc cây duối cổ làng Cờ, một cây duối con đang vươn mình mãnh liệt trong tiết trời mùa xuân

Cây duối cổ được thôn Tứ Kỳ Thượng coi là một trong những địa chỉ đỏ để giáo dục lịch sử, văn hoá truyền thống. Cây duối án ngữ ngay trước ngôi miếu. Cạnh ngôi miếu có tấm bia ghi danh các tiến sĩ là người làng Cờ qua nhiều giai đoạn lịch sử. Mỗi độ Tết đến, xuân về, nhiều người trong làng ra đây thắp hương và ôn lại những kỷ niệm về làng quê xưa, về những ký ức tươi đẹp gắn liền với cây duối của một thời đã xa.

Điều khiến người dân làng Cờ vui mừng là mấy năm trước, cây duối cổ đã sinh ra một nhánh ngay cạnh gốc. Mùa xuân này, cây duối con đang căng tràn nhựa sống…

TIẾN MẠNH