Công nghệ ''chắp cánh'' cho du lịch nông thôn
Du lịch - Ngày đăng : 10:26, 23/01/2023
Trong định hướng chung phát triển ngành du lịch, du lịch nông thôn đang là hướng đi mới được kỳ vọng sẽ mang lại một nguồn thu ổn định cho những doanh nghiệp du lịch.
Chính vì vậy, gắn kết du lịch nông thôn với chuyển đổi số và hướng tới các mục tiêu phát triển điểm đến, sản phẩm du lịch chất lượng cao sẽ là “đòn bẩy” phát triển du lịch trong tương lai.
Hướng đi tất yếu
Nhận định tiềm năng phát triển du lịch nông thôn, nhiều tỉnh, thành phố đã có những chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân địa phương phát triển mô hình du lịch nông thôn. Là tỉnh đứng đầu trong cả nước áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, Lâm Đồng có tiềm năng rất lớn phát triển về nông nghiệp nói chung, du lịch canh nông nói riêng và loại hình này đang là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù phát triển của tỉnh Lâm Đồng.
Đến tham quan và tự tay mình chọn hái những quả dâu tây chín đỏ tại Puppy Farm, một điểm du lịch canh nông ở phường 7, thành phố Đà Lạt, anh Nguyễn Quốc Huy (khách du lịch đến từ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, đây là một trải nghiệm trở thành người nông dân đầy thú vị và mới mẻ. Ngoài được trải nghiệm công việc của một nhà nông, anh và gia đình bạn còn được chụp ảnh, lưu lại những khoảnh khắc đáng nhớ trong hoạt động này.
"Tôi rất thích thú khi được trải nghiệm hoạt động du lịch này, bởi khi đến nơi đây mình đã được tận mắt chứng kiến cây trồng nó được sinh trưởng và phát triển trong môi trường như thế nào. Qua đó, mình mới biết rõ được công nghệ trồng theo hướng sạch là gì," anh Huy bày tỏ.
Nếu những điểm du lịch truyền thống như thác Prenn, thác Datanla, hồ Than thở, Thung lũng tình yêu, Đồi mộng mơ, Vườn hoa thành phố… đã quá quen thuộc với nhiều người, việc Lâm Đồng phát triển thêm loại hình du lịch canh nông là hướng đi tất yếu, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm cho du khách thập phương.
Theo ông Nguyễn Viết Vân, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tỉnh Lâm Đồng hiện có 33 mô hình du lịch canh nông như: Làng Nấm Đà Lạt, hợp tác xã Sunfood Đà Lạt, Trà và Rượu Vang Vĩnh Tiến... Thông qua việc đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá các sản phẩm vùng miền và chuyển đổi số, lượng khách du lịch đến Lâm Đồng ngày một tăng.
Tại một số điểm du lịch, du khách có thể được tìm hiểu quy trình theo dõi và chăm sóc tự động cây trồng; biết được độ ẩm và cường độ ánh sáng trong khu nhà kính thế nào và cần điều chỉnh ở mức tối ưu ra sao, được xem trình diễn hệ thống tưới phun mưa/nhỏ giọt, hệ thống điều tiết ánh sáng hoạt động,… tất cả đều thông qua điều khiển bằng điện thoại, máy tính.
Hàng năm, Lâm Đồng đều phát hành miễn phí bản đồ, video clip về các mô hình du lịch nông thôn để quảng bá, giới thiệu với du khách. Hiện nay, tỉnh có 2 trang web chính thức về du lịch của tỉnh đang được vận hành là http://svhttdl.lamdong.gov.vn/ và http://dalat-info.vn/. Đồng thời, tỉnh còn có hệ thống du lịch thông minh gồm Cổng thông tin http://dalat.vn; bản đồ du lịch thông minh... Thông qua đó, khách du lịch dễ tiếp cận tới thông tin du lịch, điểm đến trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để có thể hiểu rõ hơn về các sản phẩm và có nhiều lựa chọn.
Có thể thấy, việc áp dụng công nghệ số vào phát triển sản phẩm, tiếp cận, tăng trải nghiệm cho du khách có đóng góp rất lớn, làm thay đổi diện mạo du lịch địa phương. Là một tỉnh phát triển mạnh về du lịch, Quảng Ninh đã cho xây dựng Hệ thống du lịch thông minh nhằm hỗ trợ du khách được trải nghiệm du lịch một cách tốt nhất. Tỉnh cũng tạo lập một số môi trường tương tác số cho các doanh nghiệp, khách du lịch và người dân một cách thuận tiện và minh bạch. Trong đó, trọng tâm là lập bản đồ số các sản phẩm du lịch nông thôn, hỗ trợ kết nối sản phẩm du lịch nông thôn với các sản phẩm du lịch khác phục vụ cho việc xúc tiến du lịch nông thôn. Đồng thời, xây dựng cơ sở dữ liệu thống nhất từ tỉnh đến cơ sở phục vụ cho việc quản lý, quảng bá và xúc tiến du lịch nông thôn.
Giá trị nhân văn là cốt lõi
Việt Nam hiện có 3 loại hình du lịch nông thôn, đó là du lịch cộng đồng, du lịch canh nông và du lịch sinh thái. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng về du lịch. Việc chuyển đổi số trong du lịch nông thôn sẽ giúp thu hút được thêm du khách, hỗ trợ du khách chuẩn bị chuyến đi dễ dàng hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn và nắm được hành vi của khách hàng.
Ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, mỗi tỉnh nên tổ chức đào tạo hỗ trợ cho người nông dân về chuyển đổi số trong du lịch nông thôn phải triển khai có sự nghiên cứu, chọn lọc về nội dung cũng như cách tổ chức cho nó phù hợp với từng địa phương. Thêm nữa, hạ tầng công nghệ cũng cần được xem xét có đáp ứng được với cơ sở hạ tầng của địa phương hay không. Mỗi địa phương cần lựa chọn những giải pháp chuyển đổi số phù hợp, hỗ trợ cho người nông dân học và thực hành để sự đổi thay trong phát triển du lịch nông thôn không phải là thoáng chốc "tằm ăn rỗi".
Ngoài ra, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, hiện những con số thống kê của ngành du lịch còn đơn điệu, chưa có những số liệu chi tiết. Vậy nên, ngành cũng như các địa phương nên thay đổi cách thức thống kê để từ đó có cơ sở để cho ra những giải pháp chuyển đổi số phù hợp.
Trong khi đó, bà Đoàn Thị Thanh Trà, Giám đốc Tiếp Thị - Truyền thông, Công ty Lữ hành Saigontourist cho hay, để áp dụng chuyển đổi số vào du lịch nông thôn phần nhiều nằm ở bộ máy chính quyền của địa phương. Người đứng đầu địa phương đó cần đưa ra định hướng, tạo điều kiện để người nông dân làm theo. Để đạt được những mục tiêu đề ra, cần có sự chung tay từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị liên quan để đưa ra các chính sách, định hướng phát triển du lịch nông thôn; đầu tư bài bản hơn để khai thác các giá trị tài nguyên, bản sắc văn hoá và đặc thù của từng địa phương, tạo sự hấp dẫn với du khách.
Trong thời đại công nghệ 4.0, kết nối qua không gian mạng giúp làm mờ khoảng cách địa lý, cũng như tạo ra những ấn tượng, trải nghiệm ban đầu cho du khách. Nhằm tạo ra sức bật, đưa du lịch nông thôn phát triển nổi lực, các địa phương cần xây dựng những câu chuyện về giá trị nhân văn tại nơi đó; phát triển một bộ thuyết minh cho các tuyến du lịch; tạo ra những hình ảnh, hoặc biểu tượng về những nét văn hóa, lịch sử đặc thù, đặc hữu.
Để mang đến những trải nghiệm du lịch nông thôn đặc sẵn, hấp dẫn, các địa phương cần xây dựng những sản phẩm đặc sắc, độc đáo, mang giá trị cốt lõi là giá trị nhân văn. Trên những cơ sở như đặc điểm tự nhiên, khí hậu, các tỉnh, thành phố sẽ tạo ra những sản phẩm mang tính duy nhất.
Theo TTXVN