Thơm dẻo bánh dày An Lạc
Ẩm thực - Ngày đăng : 15:00, 23/01/2023
Bánh dày sau khi hoàn chỉnh phải đạt tiêu chuẩn có hình tròn đẹp, màu trắng, dẻo, mịn và giữ được mùi thơm gạo nếp
Một điểm riêng có của bánh dày An Lạc (Chí Linh) ở chỗ gạo làm bánh phải là nếp cái hoa vàng được trồng trên chính cánh đồng của người dân An Lạc, bởi chỉ có đồng đất nơi đây mới cho loại gạo chất lượng ngon, trắng trong và thơm dẻo đặc trưng. Thóc sau khi thu hoạch sẽ được phơi khô dưới ánh nắng mặt trời, thẩm thấu những tinh hoa của trời đất. Khi thóc khô đạt tiêu chuẩn sẽ được đóng gói, bảo quản để dùng trong cả một năm. Khi làm bánh, gạo được ngâm trong nước từ 8 - 10 tiếng, cứ 2 tiếng lại thay nước ngâm một lần. Sau khi ngâm, gạo nở đạt yêu cầu thì cho vào chõ xôi đồ chín. Khi gạo đã thành xôi sẽ cho ra các cối đá giã tay. Theo các nghệ nhân, bánh dày An Lạc ngon nhất khi được giã ở 4 chiếc cối đá đặt ở sân đình làng Đại. Những chiếc cối đá đứng giữa đất trời vừa thấm đẫm sương đêm rồi lại phơi mình giữa nắng sẽ hút được linh khí trời đất. Một người dùng chày gỗ to để giã, một người nhanh tay gạt xôi trong cối đá. Cứ thế, tiếng chày giã, tiếng người nói cười khiến cho sân đình thêm rộn ràng, ấm áp. Là món ăn truyền thống nên hình dáng bánh dày từ nhiều năm nay vẫn được các nghệ nhân ở đây lưu giữ nguyên vẹn. Bánh dày đạt tiêu chuẩn có hình tròn đẹp, màu trắng, bánh có độ dẻo, mịn và giữ được mùi thơm gạo nếp. Kích thước thì tùy thuộc vào mục đích làm bánh của nghệ nhân. Tương truyền, thời vua Lê Đại Hành đánh quân Tống, 5 vị tướng họ Vương của Dược Đậu trang (phường An Lạc ngày nay) đã dùng bánh dày để làm lương thực cho quân sĩ mang theo khi đi đánh giặc. Nhờ có đủ lương thực, quân khỏe đã góp phần làm nên chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Ngày này, hằng năm, tại lễ hội truyền thống Đền Cao - An Lạc vẫn tổ chức hội thi giã bánh dày, nấu chè kho để dâng lên 5 vị tướng họ Vương. Đặc biệt, nghệ nhân làm bánh dày phường An Lạc nhiều năm được đại diện cho Hải Dương tham dự lễ hội Đền Hùng.
THANH HOA