Trường Sa, một lần tôi đến
Chính trị - Ngày đăng : 21:00, 23/01/2023
Trường Sa được xác lập và mãi mãi trường tồn bằng sự quả cảm, máu xương của bao thế hệ
Không xa đâu Trường Sa ơi!
Như lời một bài hát: "Không xa đâu Trường Sa ơi/ Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh/ Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em", các đảo chìm, đảo nổi ở Trường Sa thân yêu bây giờ đều có sự hiện diện của những người lính biển. Vì thế, dù cách đất liền hàng nghìn hải lý, thì Trường Sa luôn thật gần. Đến với Trường Sa giống như về nhà mình vậy!
Mùa hè năm trước, từ căn cứ quân sự Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, tôi tạm biệt đất liền để bước vào một hải trình gần 1.000 hải lý, tương đương khoảng 1.800 km đất liền.
Trời yên, bể lặng, báo hiệu một chuyến đi dài ngày nhưng "hải lộ bình an" - như lời Chuẩn Đô đốc, Thiếu tướng Nguyễn Thế Tốt, Chỉ huy tàu KN 490 nói với tôi. Anh Tốt quê ở xã An Sơn (Nam Sách), từ một người lính đảo dạn dày, nay đã là Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân.
Anh kể, trước đây mỗi năm có ít nhất 40 ngày anh trên biển để đến từng điểm đảo, nhà giàn. Chưa tính những chuyến công tác khác, thì có những năm anh lênh đênh đầu sóng, ngọn gió mấy tháng trời. Thế nhưng mỗi lần ra đảo, với anh, là một lần mới mẻ. Ở ngoài ấy có những đồng đội, như những người anh, người em, người con của mình ngóng đợi. Đặc biệt, mỗi dịp Tết đã cận kề, lính đảo mong lắm một bóng con tàu từ xa xôi đến. Trên mỗi chuyến tàu là cành đào đỏ thắm, là cánh mai vàng ruộm của đất phương Nam nắng gió, là gạo nếp, là lá dong xanh chuẩn bị cho một nồi bánh chưng quây quần đón Tết. Nhưng hơn hết, trên mỗi chuyến tàu ấy là tình yêu ăm ắp từ đất liền gửi tới đảo xa.
Mùa gió chướng từ tháng 10 âm lịch thổi từ biển vào đất liền, sóng gầm gào không thôi như át đi nỗi nhớ nhà của người lính trẻ. Trong chuyến đi dài ngày ấy, tôi đã gặp nhiều chiến sĩ trẻ đến từ vùng đất xứ Đông. Lạ thay, Hải Dương không có biển nhưng có rất nhiều lính biển, đảo nào cũng có, nhà giàn nào cũng có, trên chuyến tàu nào cũng có.
Lúc gặp ở Nhà giàn DK1/18, chàng trai trẻ Hồ Xuân Sơn đã bảo, Tết này em ở lại nhà giàn. Là Tết đầu tiên không ở đất liền. Nhà giàn thì nhỏ, những ai ở trên ấy đều gắn bó máu thịt với nhau và coi nhau như người một nhà, không nỡ chia xa. Giá có được về ăn Tết thì lại thương đồng đội. Có người ra ở nhà giàn một mạch rồi mới trở lại đất liền chứ không nghỉ phép. Chàng thiếu úy người TP Hải Dương này có giọng nói nhỏ nhẹ như con gái, nhưng ánh mắt luôn cương nghị ngước lên mỗi khi nói về vất vả, thử thách của lính nhà giàn. Ngoài kia là kẻ thù lăm le, dòm ngó nên mỗi anh là một cột mốc xác lập chủ quyền quốc gia trên biển.
Nhớ hôm lên Trường Sa Lớn, cảm giác chống chếnh, chông chênh của một người đi biển dài ngày trong tôi bỗng dịu lại khi nghe tiếng chuông chùa văng vẳng. Tiếng chuông trầm mặc, ấm áp, gần gũi và linh thiêng ấy, được gặp giữa biển trời bao la xa xôi thật là đáng quý. Như một nhà thơ, một người bạn đồng hành với tôi đã nói: "Hễ ở đâu nhìn thấy Quốc kỳ, nghe tiếng chuông là thấy quê mình ở đấy!".
Những chủ nhân tương lai giữ biển
Trường Sa không chỉ có sóng và gió, còn có những nếp nhà của các gia đình trẻ, có nụ cười của những đứa trẻ bụ bẫm và mũm mĩm, tiếng bi bô của đám học trò. Chúng là những chủ nhân tương lai của vùng biển, vùng trời Tổ quốc, như hàng trăm năm trước cha ông ta đã xác lập.
Học trò trên Trường Sa Lớn - những chủ nhân tương lai giữ vững biển trời Tổ quốc
Để có vùng trời, vùng biển hôm nay, lịch sử Trường Sa, Hoàng Sa đã nhiều lần đớn đau và khắc khoải. Qua bao thế hệ giữ biển, các đảo trên quần đảo Trường Sa đã phủ một màu xanh biếc, nổi bật giữa mặt biển dát ánh nắng vàng rực rỡ. Không chỉ có bàng vuông, sú vẹt, Trường Sa còn có những giàn bầu, giàn mướp sai lúc lỉu, những luống rau muống tươi xanh non mỡ màng, khiến ai đến từ đất liền cũng phải ngỡ ngàng.
Lịch sử bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc ta được viết bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ. Một lần đến với Trường Sa không thể ghi hết cảm xúc và câu chuyện về những người tôi đã gặp, nhưng chỉ chừng đó thôi cũng đã khắc ghi trong lòng mỗi người con đất Việt về sự quả cảm giữ biển, giữ trời của biết bao thế hệ cha anh. Để có một Trường Sa bây giờ mãi trường tồn cùng Tổ quốc, Đại tướng Lê Đức Anh từng nói: "Chúng ta xin thề trước hương hồn của tổ tiên ta, trước hương hồn cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, xin hứa với đồng bào cả nước, xin nhắn nhủ với các thế hệ mai sau: Quyết tâm bảo vệ bằng được Tổ quốc thân yêu của chúng ta, bảo vệ bằng được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc...".
Tạm biệt những người lính đảo, tạm biệt Trường Sa - pháo đài giữa biển. Sẽ có lần tôi quay trở lại. Vì sao ư? Vì Trường Sa là quê hương, là đất nước, là máu thịt Việt Nam!
TIẾN HUY
Nếu cần sẽ có Điện Biên Phủ biển khơi Việt Nam đã làm nên Điện Biên Phủ trên đấtViệt Nam đã làm nên Điện Biên Phủ trên trời Chúng ta yêu hòa bình Chúng ta đã nhân nhượng(*) Và nếu cần sẽ làm Điện Biên Phủ biển khơi. ------------------ (*) Lấy ý lời Bác Hồ trong Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946. DUY VĂN |