"Làn gió mới" từ những công việc đột phá

Chính trị - Ngày đăng : 06:00, 24/01/2023

Việc lựa chọn đúng, trúng và quyết tâm thực hiện các công việc đột phá như làn gió mới tạo thêm sức đẩy để các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.


Chị Trần Kim Thoa, công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Cẩm Giàng vận hành đóng, mở cống bằng động cơ, không phải dùng sức người như trước

Vượt lên chính mình, bứt phá

"Địa phương đã và đang thực sự vượt lên chính mình" là nhận định của ông Nguyễn Thành Vạn, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang khi trao đổi với chúng tôi về việc thực hiện cải cách hành chính (CCHC) ở huyện. 

Còn nhớ, năm 2021 Ninh Giang là địa phương xếp cuối cùng khối các huyện, thị xã, thành phố về chỉ số CCHC. Với quyết tâm không để tái diễn hạn chế, yếu kém, Ban Thường vụ Huyện ủy Ninh Giang đặt mục tiêu năm 2022 huyện sẽ tăng từ 3-5 bậc xếp hạng CCHC trong khối địa phương. Ban Thường vụ, các đồng chí Thường trực Huyện ủy, tất cả lãnh đạo UBND huyện, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các xã, thị trấn trong huyện đều đăng ký thực hiện CCHC là một trong những việc đột phá, ưu tiên hàng đầu để thực hiện trong năm. 

Huyện thành lập các đoàn công tác, tổ công tác thường xuyên kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất tại các cơ quan, đơn vị, địa phương về thực hiện CCHC để kịp thời kiểm điểm, chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót. Các lớp tập huấn về giải quyết thủ tục hành chính thường xuyên được tổ chức cho từng đối tượng, với từng lĩnh vực cụ thể... “Chúng tôi thường xuyên cử cán bộ Văn phòng UBND huyện đến từng đơn vị, địa phương hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh. Ngay từ những việc cụ thể như nâng cấp gói cước đường truyền internet ở các xã, thị trấn phục vụ giải quyết thủ tục hành chính nhanh hơn cũng được thực hiện để bảo đảm không còn những lý do khách quan, trong thẩm quyền xử lý của huyện gây ảnh hưởng đến CCHC”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Giang Nguyễn Thành Vạn chia sẻ.

Nhờ quyết tâm thực hiện các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đột phá, đến nay, công tác CCHC của huyện Ninh Giang được đánh giá có chuyển biến tích cực. Theo xếp hạng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Ninh Giang đang đứng thứ 2 trong 12 huyện, thị xã, thành phố của Hải Dương về tổng hợp các chỉ số cải cách thủ tục hành chính. Trong đó, huyện đang đứng thứ nhất nhiều chỉ số quan trọng là tỷ lệ hồ sơ chứng thực điện tử, thanh toán trực tuyến. Huyện cũng đứng thứ 2 về tỷ lệ số hóa của các xã, thị trấn (sau thị xã Kinh Môn). Không có hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính quá hạn.


Lãnh đạo UBND huyện Ninh Giang kiểm tra thực hiện cải cách hành chính ở xã Tân Hương


Giải quyết việc khó

Những ngày này, công trình cầu vượt qua sông Sặt nối xã Cẩm Điền (Cẩm Giàng) với xã Hùng Thắng (Bình Giang) đang hoàn thiện những hạng mục cuối cùng. Để phục vụ thực hiện dự án khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, huyện Bình Giang phải giải phóng mặt bằng (GPMB) tổng diện tích trên 220 ha. 

Bình Giang xác định việc đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cũng chính là "liều thuốc" hữu hiệu để huyện làm tốt GPMB - vốn là công tác thường gặp nhiều khó khăn, phức tạp. Đối với dự án khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng, cái khó của Bình Giang không chỉ phải GPMB diện tích lớn, thuộc địa bàn 3 xã mà còn phải di dời 228 ngôi mộ trong phạm vi dự án. 

Không để công tác GPMB ảnh hưởng đến tiến độ dự án, Bình Giang đã huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở cùng vào cuộc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Công tác vận động, tuyên truyền được thực hiện thường xuyên, liên tục, qua nhiều kênh thông tin khác nhau và đến từng gia đình, từng người dân. Hội đồng GPMB huyện cùng với chủ đầu tư dự án giữ mối phối hợp chặt chẽ để nắm bắt tâm tư, giải quyết những vấn đề cụ thể, chi tiết nhất từ phía người dân. Huyện quy hoạch 3 khu nghĩa trang nhân dân mới để phục vụ người dân di chuyển các phần mộ ra ngoài phạm vi dự án. “Hiểu được lợi ích của dự án, quyền lợi chính đáng được bảo đảm nên người dân đồng thuận rất cao. Đến nay, công tác GPMB được thực hiện đúng tiến độ. Gần 200 ngôi mộ cũng đã được di chuyển ra vị trí mới, số còn lại thì chờ đủ thời gian cải táng sẽ được di chuyển. Cái được lớn nhất đối với địa phương là quá trình GPMB không phát sinh bất cứ đơn thư, khiếu nại nào, không có trường hợp phải cưỡng chế”, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng GPMB, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Giang thông tin.

Cụ thể, thiết thực

Chị Trần Kim Thoa, công nhân Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi Cẩm Giàng đưa chúng tôi "mục sở thị" cách chị mở cống trạm bơm Tiên Kiều ở xã Đức Chính (Cẩm Giàng). Đây là cống tưới tiêu trọng điểm trong khu vực với nhiệm vụ tưới tiêu thường xuyên, tiêu úng, bơm cấp nguồn cho hàng trăm ha đất canh tác trong khu vực. Trước đây mỗi lần đóng, mở cống, chị Thoa thường phải đi cùng một đồng nghiệp thay phiên nhau dùng sức người vận hành. Thời điểm mực nước chênh lệch có khi mất gần tiếng đồng hồ mới mở được cánh cống. Còn nay, chị chỉ cần mang chìa khóa mở hộp điều khiển và bấm nút là nắp cống mở dễ dàng. 

Những công nhân thủy lợi như chị Thoa bớt vất vả chính là nhờ quyết tâm thực hiện công việc đột phá của ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Hải Dương. Chuyển đổi đóng, mở cống từ vận hành thủ công sang vận hành bằng động cơ là một trong hai việc đột phá mà ông Tiến đăng ký với Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Sau hơn một năm thực hiện tích cực, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, đến nay 8 cống lớn, thường xuyên vận hành trong tỉnh được ưu tiên lắp đặt hệ thống điều khiển bằng động cơ điện với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng, mang lại hiệu quả và sự phấn khởi cho người lao động.

Sau một năm triển khai, việc đăng ký và thực hiện công việc đột phá của các cấp ủy, chính quyền, từng cán bộ, đảng viên đang dần đi vào nền nếp, tạo chuyển biến tích cực ở các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh. 

HOÀNG LONG