Những cung đường du xuân
Du lịch - Ngày đăng : 13:20, 24/01/2023
Riêng mùng 2 Tết, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón khoảng 15.000 lượt khách
Khác hẳn với dịp Tết Nguyên đán 2 năm trước do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay lượng khách đổ về các di tích rất đông. Địa điểm đầu tiên du khách không thể bỏ qua là khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc. Bà Nguyễn Thị Doan (62 tuổi) ở Hà Nội cho biết 2 năm qua bà chưa về Côn Sơn - Kiếp Bạc nên năm nay cả gia đình đã lên sớm kế hoạch để về tham quan, trải nghiệm. Bà khá ngỡ ngàng khi cảnh vật nơi đây có nhiều thay đổi, rất đẹp. “Đến đây, gia đình tôi tạm quên đi những phiền lo của năm cũ để cùng nhau du xuân, đón chào một năm mới nhiều may mắn”, bà Doan nói.
Thị xã Kinh Môn với quần thể di tích quốc gia đặc biệt An Phụ - Kính Chủ - Nhẫm Dương cũng thu hút đông đảo du khách thập phương. Từ sáng sớm mùng 3 Tết, không khí tại bãi đỗ xe ở các di tích trọng điểm trên địa bàn thị xã đã nhộn nhịp. Du khách nhiều nơi từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… đổ về đây.
Từ đêm giao thừa đến hết mùng 2 Tết, các di tích trọng điểm ở thị xã Kinh Môn đón 20.000 lượt khách
Thả bộ trên cung đường ngoằn nghèo lên đỉnh núi An Phụ, anh Nguyễn Văn Mạnh (40 tuổi) đang sinh sống ở Hưng Yên cho biết năm nay về quê Kinh Môn, gia đình anh đã chọn đền Cao An Phụ, động Kính Chủ và chùa Nhẫm Dương là địa điểm du xuân. Tới đây không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh, cầu may, thư giãn, anh Mạnh còn giới thiệu cho các con, cháu về truyền thống văn hóa, lịch sử của quê hương.
Ngoài những cung đường trên, Hải Dương còn rất nhiều di tích lớn, nhỏ khác được du khách quan tâm, du xuân đầu năm mới như Văn miếu Mao Điền biểu tượng đạo học của xứ Đông; đền Bia gắn liền với đại danh y - vị thánh thuốc nam thiền sư Tuệ Tĩnh; chùa Giám cổ kính hay đền Tranh linh thiêng, huyền thoại. Du khách yêu thích sinh thái thì đảo Cò Chi Lăng Nam - nơi trú ngụ của hàng nghìn con cò, vạc, chim là địa điểm lý tưởng du xuân…
Du khách đến các di tích ở Cẩm Giàng khá đông
Đầu năm mới, mọi người đi du xuân đều trong tâm thế hoan hỉ. Họ cùng trao nhau những nụ cười ấm áp và ánh mắt yêu thương. Có người chọn đi du lịch tại những nơi xa xôi, người đi chùa vãn cảnh, xin lộc đầu năm nhưng có những người chỉ đến nhà họ hàng, bè bạn thăm hỏi, chúc Tết. Với họ, du xuân chỉ đơn giản là ra khỏi nhà để tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, ngắm nhìn vạn vật nảy nở, sinh sôi và cầu mong một năm bình an, may mắn.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của du khách thập phương, vừa bảo đảm yêu cầu du xuân văn minh, an toàn, tiết kiệm, các Ban Quản lý di tích, các địa phương trong tỉnh đều có phương án quản lý chặt chẽ, chu đáo.
Theo bà Nguyễn Thị Thùy Liên, Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, cùng với việc quan tâm chỉnh trang cảnh quan, đơn vị còn chú trọng bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, thường xuyên kiểm tra các phương án, thiết bị phòng cháy, chữa cháy. Tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết giữ gìn an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, bảo đảm vệ sinh môi trường.
Bãi đỗ xe tại di tích đền Cao An Phụ tấp nập du khách
Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng Ban Quản lý di tích thị xã Kinh Môn cho biết đơn vị đã bố trí điểm trông giữ xe, tổ chức xe ô tô trung chuyển cho du khách có nhu cầu đi từ bãi đỗ lên tam quan đền Cao. Giá vé trung chuyển 25.000 đồng/người/lượt đi lên, 20.000 đồng/người/lượt đi xuống. Phân công, bố trí cán bộ hướng dẫn, chia ca túc trực 24/24 giờ tại các điểm di tích bảo đảm an toàn cho du khách.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ đêm 30 Tết đến mùng 3, lượng khách tới các di tích đều tăng 50-70% so với dịp Tết năm ngoái. Riêng mùng 2 Tết, di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đón khoảng 15.000 lượt khách; các di tích ở thị xã Kinh Môn cũng đón gần 10.000 lượt khách. Các di tích trọng điểm ở huyện Cẩm Giàng đón khoảng 13.000 lượt khách…
THẾ ANH