Người Việt ở Sihanoukville, những nốt trầm

Lao động - Việc làm - Ngày đăng : 15:32, 25/01/2023

Bất chợt hay chủ đích gặp đồng bào mình ở tỉnh Sihanoukville (Campuchia), tôi đều bắt gặp và đọng lại những nốt trầm về thân phận, đời sống của người Việt ở nơi đất khách quê người.

Và đó đều là những vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm, một chiều. Nhưng, hy vọng đã được thắp lên…

"Ma Cao thứ hai"

Chỉ mất gần 2 tiếng đồng hồ từ Thủ đô Phnom Penh, chúng tôi đã có mặt ở thành phố cảng nước sâu Sihanoukville - thủ phủ của tỉnh phía tây nam Campuchia, giáp Vịnh Thái Lan, ngay sát đảo Phú Quốc của Việt Nam. Vùng đất này còn có tên gọi là Preah Sihanouk, để vinh danh cố Quốc vương Norodom Sihanouk - người khởi nguồn xây dựng đô thị Sihanoukville song song với xây dựng cảng Shihanoukville - cảng nước sâu duy nhất của Campuchia từ năm 1955. Con đường cao tốc dài 187 km (tuyến đường cao tốc đầu tiên của Campuchia), tốc độ tối đa 120 km/h do PPSHV Expressway Co., Ltd và chi nhánh của Công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) khởi công xây dựng từ ngày 22.3.2019 với tổng chi phí gần 2 tỷ USD đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1.11.2022. Mức phí toàn tuyến hiện là 23,94 USD/xe 4 chỗ (khoảng 580.000 đồng). Khác với sự đổi thay nhanh chóng của bộ mặt đô thị Phnom Penh chừng hơn 2 năm trước khi tôi đến, dọc tuyến đường tôi đi qua cao tốc, vẫn là những ruộng đồng, làng quê, núi đồi, những ngôi nhà dân bé tẹo, thấp tè, có cầu thang như kiểu nhà sàn. Vẫn là những chú bò gầy nhẳng, lộ trơ xương sườn nhởn nhơ gặm cỏ, kiếm ăn ở những bãi cỏ, cánh đồng sau mùa vụ.

Vừa chạm mặt Sihanoukville, đã thấy ngay ngổn ngang đại công trường, với dày đặc những ngôi nhà cao tầng đã đi vào hoạt động hoặc dở dang đứng im lìm các loại máy móc xây dựng. Về sau, tôi mới được nghe các nhân viên Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville cho biết rằng, kể từ khi Trung Quốc đầu tư xây dựng ồ ạt các khách sạn, casino, nhà cao tầng, nhà hàng... thì thành phố này mới biến đổi gần như lột xác. Vào thời kỳ cao điểm, có hàng chục nghìn người nước ngoài tìm đến Sihanoukville để đầu tư, đánh bạc, tìm kiếm việc làm. Và những cạm bẫy luôn rình rập, nhất là từ những chiêu lừa đảo “việc nhẹ, lương cao” như lời quảng cáo trên các trang mạng xã hội. Nhưng sau khi chính quyền thành phố “triệt phá điểm” những casino hoạt động bất hợp pháp, tình trạng người lao động, trong đó có rất nhiều lao động Việt Nam, bị đánh đập, tra tấn dã man mới tạm lắng. Họ không còn giam lỏng, bóc lột tàn bạo người lao động nước ngoài (đa số là bất hợp pháp) nữa. Và nhiều người đã tìm cách trở về đất nước mình, sau những ám ảnh rùng mình vì bị bóc lột sức lao động, bị tra tấn khi không làm đủ định mức, không có đủ tiền chuộc để giải phóng.

Có con số thống kê rằng, có khoảng 80% trong tổng số chừng 1.500 dự án đã tạm dừng. Nhiều ngôi nhà dang dở, bỏ hoang. Ấy thế mà trước đó chừng 4-5 tháng, nhiều ngôi nhà chưa hoàn thiện, dừng thi công vẫn rải đèn LED nhấp nháy sáng trưng mời gọi, hệt như Hồng Kông. Giờ thì cả nhà đầu tư, người lao động ngoại quốc... đã rời bỏ thành phố. Ban ngày, thấy rõ sự trống vắng, hoang hoải ở nhiều khu nhà, đường phố. Những người dân Sihanouckville cũng buồn ra mặt, bởi sự phấn khởi mới đây vì kiếm được tiền từ việc cho người lao động nước ngoài thuê nhà đã không còn nữa. Covid-19, sự triệt phá các casino, chiến dịch “giải cứu” lao động khiến thành phố trở nên vắng vẻ, tiêu điều, hoang tàn hơn và chỉ nhộn nhịp ở ven biển vào cuối tuần, nhất là khi tuyến cao tốc đi vào vận hành, người dân thuận tiện và đổ về thành phố tắm biển, nghỉ dưỡng. Tất nhiên, những gì đã diễn ra, đặc biệt trong thời gian phát triển, tăng trưởng “nóng” của thành phố này thì nhiều người không thể quên.


Ông Thái Bá Y, trưởng nhóm “giải cứu” người Việt kể về những lần hỗ trợ đồng bào mình 

Từ đầu năm 2021, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville đã phối hợp cùng giới chức Campuchia kiểm tra, đưa hàng trăm người ra khỏi những cơ sở lao động trái phép. Những cơ sở giữ người trái phép ép người lao động thực hiện nhiều chiêu lừa đảo trực tuyến, lừa thêm người từ Việt Nam sang với chỉ tiêu cao. Nếu không hoàn thành, người lao động sẽ bị tăng giờ lao động lên 16-17 tiếng/ngày, giảm lương, bán sang cơ sở khác, hoặc bị đánh đập tàn nhẫn. Nhiều người muốn đào thoát khỏi “địa ngục” buộc phải nộp tiền “đền bù hợp đồng”, với giá khoảng 3.500 - 5.000 USD, thậm chí lên tới 20.000 USD. Nhưng số nạn nhân vẫn rất nhiều, việc giải cứu không phải khi nào cũng dễ dàng, nhất là khi dòng chảy lao động bất hợp pháp từ Việt Nam sang Campuchia quá lớn.

Mong ước trở về

Trước tình cảnh bà con đồng bào mình bị lao động cực nhọc, đối xử tệ hại, nhiều người Việt đã đứng ra thành lập nhóm “giải cứu” riêng, lên trang Facebook cá nhân đăng công khai số điện thoại đường dây nóng để người lao động liên hệ khi cần hỗ trợ, giải cứu. Điển hình là ông Thái Bá Y, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Người Việt Nam tại Sihanoukville. Ông Y nguyên là y sĩ trong đội quân tình nguyện Việt Nam, sang Campuchia hồi tháng 2.1985, đi theo đoàn quân giải phóng Campuchia. Năm 1989, khi quân tình nguyện Việt Nam rút về nước, ông Y ở lại Campuchia mở phòng khám đa khoa ở Siem Reap và Sihanoukville. Ông Y cho biết, ông có phòng khám đa khoa, có xe cứu thương nên có thể hỗ trợ được bà con nhiều. Khi có người liên hệ, ông cùng Hội Người Việt tại Sihanoukville tìm cách hỗ trợ, giải cứu. Việc cấp cứu, chữa trị người lao động bị tra tấn dã man thường xuyên diễn ra. Thậm chí, có người đã bị mang vào bãi rác, bìa rừng vứt, nhưng người dân địa phương phát hiện, liên hệ và ông Y cùng bà con đã đến đưa về phòng khám cấp cứu, điều trị khỏi bệnh, rồi tìm cách đưa bà con về nước. Thậm chí, có nhiều lần ông Y và bà con còn đóng giả người đưa đồ ăn, hộ lý, đi xe cứu thương rồi liên hệ với bà con cần giúp đỡ để thống nhất kế hoạch giải cứu họ. Có vụ hệt như “cướp người” trên đường phố… Rất may là sau khi chính quyền truy quét các đường dây lừa đảo, người lao động đã được “tháo khoán” và ồ ạt ra khỏi những “địa ngục”, được tạo điều kiện về nước, nhớ đời những lần nhẹ dạ cả tin vào lời quảng cáo “việc nhẹ, lương cao” nơi đất khách quê người đầy cạm bẫy.


Nhiều tòa nhà cao tầng ở TP Sihanouckville dở dang do sự tàn phá của đại dịch Covid-19

Nhiều người lao động bất hợp pháp được trở về nước, vì họ còn có giấy tờ. Nhưng nhiều người Việt Nam tại Sihanoukville lại không được như thế, trong đó có chính ông Thái Bá Y. Ở lại đất bạn, ông Y hành nghề mình được đào tạo, mở nhiều cơ sở khám chữa bệnh cho thu nhập rất ổn định. Thế nhưng một lần bị cháy nhà, giấy tờ mất sạch và ông trở thành “người vô gia cư”. Nhưng với việc chữa bệnh cứu người, quan hệ tốt, tích cực giúp đỡ cộng đồng nên mọi chuyện đều thuận, chỉ trừ không có hộ chiếu. Ông ngậm ngùi, “Xưa nay ở đây không có vấn đề gì. Đã 37 năm làm ăn có tên tuổi… Nhưng về quê hương, đất nước thì phải ngẩng mặt chứ không thể chui lủi, không thể bị bắt vì vượt biên trái phép”. Ông đang cố gắng tìm cách để có quốc tịch Campuchia và trở về Việt Nam đàng hoàng.

Không chỉ riêng ông Y rơi vào cảnh éo le ấy, nhiều người Việt ở Sihanoukville còn buồn nản hơn. Họ không có giấy tờ chứng minh là người Việt Nam, không được nhập quốc tịch Campuchia. Họ thực sự là những “công dân hạng hai”. Ông Trần Văn Năm, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Sihanoukville cho biết, nơi đây hiện có gần 700 hộ người Việt với khoảng 1.700 - 1.800 khẩu. Bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề phổ thông, không có doanh nghiệp tầm cỡ, nhưng cũng không có hộ nghèo đói. Chính quyền địa phương không đối xử phân biệt, bà con không có khó khăn gì. “Khoảng 3-4 năm trở lại đây, Trung Quốc đầu tư ồ ạt, giá cả leo thang. Bà con người về nước, người đi nơi khác. Nhờ Tổng lãnh sự quán quan tâm, một số Mạnh Thường Quân… mở lòng, giờ cũng ổn định rồi”, ông Năm nói. "Bà con cơ bản đã được cấp sổ thường trú nên khi khai sinh, khai tử được chính quyền hỗ trợ. Tất nhiên, khó khăn còn nhiều, ví như mua gì đó, tài sản dù nhỏ thôi, họ cũng không bán cho mình. Cái chưa được nhiều hơn cái được. Đành chờ đợi thôi. Nguyện vọng của bà con là muốn có tư cách pháp lý, để tiếng nói có trọng lượng hơn, để mua tài sản có giá trị, để không phải là công dân hạng hai”, ông Năm cho biết thêm.

Với những sự trợ giúp từ chính quyền 2 nước Việt Nam và Campuchia, bà con người Việt cũng không bị gây khó khăn gì cả trong công việc và sinh hoạt hằng ngày. Nhưng ít nhất cũng phải 2 năm nữa mới có thể có những người Việt đầu tiên được nhập quốc tịch Campuchia. Bà con lớn tuổi đa số đã hợp thức hóa rồi, cũng không có gì khó khăn cả. Quan trọng là thế hệ trẻ sẽ phấn đấu để được chính danh, để trở thành công dân Campuchia, trở thành Việt kiều và đàng hoàng về cội nguồn Việt Nam bất cứ khi nào có nhu cầu, nhất là các dịp Tết cổ truyền sum vầy.

NGUYỄN TRI THỨC