Hồi ức thời đầu công nghiệp hóa
Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 26/01/2023
Hơn 60 năm đã qua nhưng bà Vũ Thị Thái vẫn nhớ như in ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương. Trong nhà bà vẫn lưu giữ chiếc bình cùng loại với chiếc bình bà từng cầm để Bác viết lên khi Người về thăm nhà máy. Ảnh: MAI ANH
Chiều cuối năm, tôi tìm gặp bà Vũ Thị Thái - nữ công nhân từng cầm chiếc bình để Bác Hồ viết khi về thăm Nhà máy Sứ Hải Dương năm 1962. Bà Thái kể: “Năm 1959, tôi tốt nghiệp lớp 9 bổ túc thì xin vào làm việc tại công trường xây dựng Nhà máy Sứ. Công trường lúc ấy có hàng trăm người tham gia, nào thợ mộc, thợ nề… Cánh nam giới đảm đương việc xây dựng. Còn phụ nữ chúng tôi chuyên gánh đất, rửa gạch”.
Cuối năm 1960, Nhà máy Sứ bắt đầu tuyển những lứa thợ đầu tiên để dạy nghề. Bà Thái làm đơn xin ứng tuyển và qua vòng thi vẽ hoa trên giấy, rồi vẽ thử trên sản phẩm, bà được nhận vào tốp những người thợ vẽ hoa đầu tiên của nhà máy. Sau khi học chính trị, nhóm vài chục thợ vẽ hoa được các chuyên gia Trung Quốc trực tiếp dạy vẽ. Mặc dù lúc ấy mới thực hiện công nghiệp hóa nhưng nhà máy đã hoạt động theo dây chuyền, có sự chuyên môn hóa rõ rệt. “Thời ấy công nghệ còn lạc hậu lắm. Thợ vẽ dùng bút lông viết hoặc vẽ lên lọ mộc, sau đó đem nung. Bộ phận vẽ hoa có sự phân công, người chuyên vẽ mắt, người vẽ tay…”, bà Thái nhớ lại. Là một trong những thợ khéo nhất nên bà Thái được phân công chuyên vẽ mắt. “Mắt là cửa sổ tâm hồn nên người vẽ mắt rất quan trọng, chỉ cần vẽ hỏng là vứt cả sản phẩm đi”, bà Thái kể. Sản phẩm của Nhà máy Sứ thời kỳ đầu cũng khá đa dạng, từ ấm chén, bát đĩa, lọ hoa, tượng…
Tháng 7.1962, trong lần về Hải Dương, Bác đã thăm Nhà máy Sứ Hải Dương. Đến phân xưởng trang trí, ông Trần Mịch, Giám đốc Nhà máy Sứ Hải Dương mạnh dạn đề nghị Bác viết vài dòng lên một sản phẩm của nhà máy để lưu lại khoảnh khắc đặc biệt này và được Bác đồng ý. Nữ công nhân Vũ Thị Thái được giám đốc nhà máy chỉ định cầm chiếc bình sứ để Bác vẽ. “Tôi quá xúc động nên luống cuống mãi mới cầm được chiếc bình và cố trấn tĩnh không run tay để Bác vẽ. Bác đã viết dòng chữ: “Fải cố gắng tiến bộ” (Bác có thói quen viết chữ ph là f). Khi Bác viết xong, mọi người vỗ tay hoan hô rất phấn khởi”, bà Thái hồi tưởng.
Sau ngày Bác về thăm, phương châm sản xuất phải “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”; “tự lực, tự chủ, tự cường”… đã trở thành phong trào thi đua trong nhiều nhà máy, xí nghiệp ở Hải Dương. Ban giám đốc các nhà máy, xí nghiệp đã tổ chức phát động nhiều phong trào thi đua với Cơ khí Duyên hải, thi đua “Một tháng làm theo lời Bác”…
Trong thời kỳ đầu thực hiện công nghiệp hóa, Tỉnh ủy và Ủy ban Hành chính tỉnh đã có nhiều quyết sách quan trọng như mở chiến dịch lớn 12 ngày lấy tên là: “Mùa xuân tấn công toàn diện” (mở màn từ ngày 18.3.1962); ngành thương nghiệp đẩy mạnh phong trào “3 cải tiến” trong các cơ quan thương nghiệp. Từng nhà máy, xí nghiệp cũng phát động những phong trào riêng như Nhà máy Sứ phát động phong trào “4 biến” (biến không thành có, biến khó thành dễ, biến thiếu thành đủ, biến cũ thành mới); Xưởng Ngói Hải Dương có phong trào “Công nhân thật sự làm chủ xí nghiệp”…
Những phong trào thi đua thời kỳ đầu thực hiện công nghiệp hóa đã tạo bước “lật mình” ngoạn mục cho lĩnh vực này. Chỉ tính riêng tại thị xã Hải Dương, nếu như ngày đầu tiếp quản sau giải phóng (năm 1954), thị xã chỉ có một số ngành nghề “thoi thóp” với chưa đầy 300 thợ thủ công sống bấp bênh, không có một xí nghiệp nào thì đến năm 1962, thị xã đã có 3 nhà máy lớn do Trung ương xây dựng gồm: Nhà máy Sứ, Nhà máy Xay, Nhà máy Chế tạo bơm. Tỉnh đã có nhiều xí nghiệp như: cơ khí, chế biến mộc, gạch ngói… và 20 HTX thủ công. Tất cả có gần 4.000 công nhân kỹ thuật và thợ thủ công, tăng gấp 14 lần so với năm 1954. Tổng giá trị sản lượng năm 1962 gấp 2 lần năm 1960 và gấp 10 lần năm 1956…
Mới đây, phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII diễn ra ngày 3.10.2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là một chủ trương lớn, là nhiệm vụ chiến lược, nhiệm vụ trung tâm, quan trọng hàng đầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Sau hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030.
Vậy là đã 63 năm kể từ Đại hội III của Đảng (năm 1960) - khi công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa bắt đầu được hình thành, đến nay vẫn là một chủ trương lớn, một mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta hướng tới.
KIM THANH