Danh xưng Hồng Châu trong lịch sử Hải Dương
Di tích - Ngày đăng : 10:30, 26/01/2023
Danh xưng Hồng Châu được gắn với sự kiện mang tính định hình trong lịch sử dân tộc, đó là sự kiện họ Khúc giành quyền tự chủ thế kỷ X, mở đầu kỷ nguyên giành độc lập cho đất nước. Trong ảnh: Đền thờ Khúc Thừa Dụ
Lịch sử tên gọi Hồng Châu
Vùng đất Hải Dương từ khi thành lập nhà nước Văn Lang đến nay đã trên hai nghìn năm. Trong thời gian ấy, vùng quê này đã nhiều lần thay đổi danh xưng, tuy nhiên, tên Hồng Châu (洪州) có một ý nghĩa đặc biệt, vì nó gắn liền vời thời kỳ dân tộc ta giành quyền độc lập, mà người đứng lên giành quyền tự chủ, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc sau một nghìn năm Bắc thuộc lại chính là người địa phương tức Khúc Thừa Dụ, bấy giờ là một hào trưởng đất Hồng Châu. Hồng Châu như một mỹ từ gợi nhớ về một thời đại huy hoàng trong lịch sử Việt Nam.
Danh xưng Hồng Châu (洪州) được ra đời từ thế kỷ thứ IX và tồn tại qua các triều Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần (từ thế kỷ IX đến thế kỷ XIV). Từ thời Lê sơ đến thời nhà Nguyễn, tên gọi vùng đất Hải Dương được thay đổi nhiều lần (lộ Hải Đông, Thừa tuyên Nam Sách, Thừa tuyên Hải Dương…), tuy nhiên, Hải Dương vẫn được chia thành 2 phủ Hạ Hồng và Thượng Hồng. Đến năm Minh Mệnh thứ 3 (1882), triều Nguyễn mới đổi Thượng Hồng thành phủ Bình Giang, Hạ Hồng thành phủ Ninh Giang.
Cụ thể:
Hồng Châu (洪州), chỉ một địa danh lớn, bằng hoặc hơn một tỉnh bây giờ. Từ thế kỷ IX - XIII, Hồng Châu bao gồm Hải Dương, Hải Phòng, một phần Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh ngày nay.
Hồng lộ (洪路), chỉ địa danh tương đương một tỉnh bây giờ. Hồng lộ thế kỷ XIII - XIX, bao gồm Hải Dương, một phần Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh, Bắc Ninh ngày nay.
Hồng phủ, gồm Thượng Hồng (huyện Mỹ Hào, Bình Giang, Cẩm Giàng, một phần huyện Yên Mỹ và Ân Thi) và Hạ Hồng (huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc, Vĩnh Bảo).
Như vậy, tên gọi Hồng Châu đã từng gắn với chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hải Dương từ khi nhà nước ta xây dựng nền độc lập và chữ Hồng với danh nghĩa là một châu từng là danh xưng của Hải Dương ngót một nghìn năm.
Về ngữ nghĩa tên gọi Hồng Châu
Chữ châu là tên gọi của đơn vị hành chính tương đương cấp tỉnh; Hồng trong Hồng Châu (洪州) là họ Hồng/cả/lớn. Chữ Hồng (洪) thường được ghép để tạo thành các chữ: Hồng đức (Đức lớn), Hồng ân (ơn lớn), Hồng phúc (phúc lớn), Hồng Bàng (họ vua đầu tiên của nước ta). Trong chừng mực nào đó có thể lấy chữ hồng thay cho chữ đại (大) có nghĩa là to lớn. Hồng Châu là tên gọi hàm ý chỉ một vùng đất rộng lớn, phát triển phồn thịnh của nước ta. Trong quá trình tồn tại, chữ châu trong Hồng Châu dần được dùng như danh từ riêng nên được viết hoa.
Bản đồ tỉnh Hải Dương ngày nay
Giá trị văn hoá
Danh xưng Hồng Châu được gắn với sự kiện mang tính định hình trong lịch sử dân tộc, đó là sự kiện họ Khúc giành quyền tự chủ thế kỷ X, mở đầu kỷ nguyên giành độc lập cho đất nước. Các sách sử của Đại Việt như: Việt sử tiêu án; Đại Việt sử ký toàn thư; Đại Việt sử ký tiền biên; Việt sử thông giám cương mục; Khâm định Việt sử thông giám cương mục tiền biên đều nhắc đến danh xưng đất Hồng Châu gắn với sự kiện giành độc lập của họ Khúc “Họ Khúc ở đất Hồng Châu...”.
Gia phả họ Khúc ghi lại bài “Cổ thi mật truyền” như sau:
Tam Tiên cơ Tự chủ
Vạn cổ Khúc linh từ
Cúc Bồ lưu hiển tích
Hồng hạt thử thiên thư”.
Dịch:
“Ba Chúa gây nền tự chủ
Đền Thiêng Họ Khúc muôn đời
Cúc Bồ còn lưu hiển hách
Hồng Châu rực rỡ sách trời”.
Câu đối trong nhà thờ họ Khúc ở thôn Từ Lâm (thuộc huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng xưa) ghi:
祖德洪州参世後
儒科黎氏柒公來
Phiên âm:
Tổ đức Hồng Châu, tam thế hậu,
Nho khoa Lê thị, thất công lai.
Tạm dịch:
Tại Hồng Châu, tổ tiên kế thế ba đời
Tự triều Lê, bảy đời đăng khoa nối tiếp.
Tên gọi Hồng Châu gắn với các danh nhân và truyền thống hiếu học của Hải Dương
Đất Hồng Châu được lưu danh trong sử sách, văn bia, thần tích gắn với nhiều danh nhân, danh tướng nổi tiếng như: Đoàn Thượng, Phạm Ngũ Lão, Yết Kiêu, Nguyễn Chế Nghĩa, Đại danh y Tuệ Tĩnh, Đệ nhị tổ Trúc Lâm, Pháp Loa, Trạng nguyên Mạc Hiển Tích, Mạc Đĩnh Chi...
Đặc biệt, danh xưng Hồng Châu, Hồng lộ, Hồng phủ còn được vang danh với truyền thống hiếu học và thành tích khoa bảng rực rỡ của người Hải Dương. Sách Đại Việt sử ký toàn thư, Lịch triều hiến chương loại chí có chép về Mạc Hiển Tích, người đất Hồng Châu đỗ đầu tại khoa thi năm Bính Dần (1806). Đại Việt sử ký toàn thư chép về người khai khoa của họ Vũ, làng Mộ Trạch là Nghiêu Tá. Trong số 82 tấm bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, có tới 54 tấm bia ghi danh 193 vị khoa bảng thuộc phủ Thượng Hồng và Hạ Hồng của Hải Dương trong thời gian từ năm 1442 đến năm 1779.
Trường học công lập đầu tiên của Hải Dương - Trường học Phủ Thượng Hồng. Theo văn bia tại Văn Miếu Mao Điền: “Văn miếu vốn là trường học thời xưa… Mùa xuân năm Canh Tuất (1790) … nhà vua ban chỉ dụ, lệnh cho các trấn ở Bắc Thành mỗi trấn đặt một viên Đốc học trông nom việc dạy học. Bấy giờ… bản trấn tạm thời dùng nhà học của phủ Thượng Hồng làm nơi tôn thờ thần thánh... nơi đây bằng phẳng, rộng rãi, thực là vùng đất văn minh của phủ Thượng Hồng trấn Hải Dương”.
Như vậy, Hồng Châu là tên gọi gắn với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Hải Dương văn hiến.
TĂNG BÁ HOÀNH
Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Hải Dương