Làm gì để tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:00, 27/01/2023

Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã và đang tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại.

Thời gian qua, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-Liên minh Châu Âu (EVFTA), FTA ASEAN-Trung Quốc (ACFTA), FTA ASEAN-Hàn Quốc (AKFTA)…

Nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp 


Ông Trần Văn Hảo, Giám đốc Sở Công thương


Hiện nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 15 FTA. Theo chính sách thương mại tự do, hàng hóa và dịch vụ có thể được mua và bán qua biên giới quốc tế với mức thuế rất thấp hoặc bằng 0. Trên địa bàn tỉnh hiện có 357 doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các FTA. 

Những năm qua, Sở Công thương đã tích cực phối hợp các cục, vụ của Bộ Công thương tổ chức các buổi tập huấn chuyên sâu về quy tắc xuất xứ hàng hóa cho các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt và hiểu rõ chính sách, quy định, quy tắc xuất xứ hàng hóa, quy định cộng gộp xuất xứ và chứng từ thể hiện nguyên liệu theo chuỗi cung ứng khu vực trong các FTA. Đẩy mạnh nắm bắt thông tin, kịp thời cung cấp cho doanh nghiệp về các thị trường xuất khẩu để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các cam kết, hiệp định mà Việt Nam tham gia đến từng địa phương, doanh nghiệp và người dân để các đối tượng có liên quan thực hiện hiệu quả các cam kết. Đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt về đầu tư, xây dựng, đất đai, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu phù hợp các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục triển khai các hoạt động cung cấp và tư vấn cho doanh nghiệp về pháp luật kinh doanh, kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, cũng như kinh nghiệm đối phó các vụ kiện quốc tế, những rào cản thương mại của các thị trường xuất khẩu...

Khẳng định thương hiệu từ chuyển đổi số


Ông Nguyễn Cao Thắng, 
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông

Vai trò chính trong chuyển đổi số đối với việc tận dụng cơ hội mà các FTA mang lại chính là việc cung cấp cho doanh nghiệp trong nước một nền tảng số để có thể tiếp cận thị trường thế giới một cách hiệu quả hơn so với các hình thức trước đây. Từ đó đa dạng hóa thị trường, giảm sự lệ thuộc vào một nhóm thị trường nhất định. Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng nước ngoài. Hơn nữa, nhờ công nghệ dữ liệu lớn, doanh nghiệp có thể dễ dàng phân tích chính xác hành vi của người tiêu dùng ở mọi thị trường, chăm sóc khách hàng, tiếp thị đúng đối tượng với chi phí thấp…

Ngoài ra, thông qua chuyển đổi số sẽ gia tăng hiệu quả trong bảo vệ và phát triển chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, nhất là trong bối cảnh chỉ dẫn địa lý của hàng hóa Việt Nam vẫn còn mờ nhạt trong khái niệm của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này cũng góp phần tăng cường thương hiệu hàng hóa nói chung, thương hiệu doanh nghiệp nói riêng trên thị trường quốc tế.

Để nâng cao tính cạnh tranh, khẳng định thương hiệu Việt khi tham gia các FTA, trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đối với doanh nghiệp thì tích hợp công nghệ số trong toàn bộ quá trình kinh doanh xuất nhập khẩu là bắt buộc. Đối với các bộ, ngành, đơn vị, việc phối hợp vận hành nền tảng số giữa các cơ quan trong cả mạng lưới dịch vụ số bảo đảm cho xuất nhập khẩu như nguồn gốc xuất xứ, hải quan, thuế, logistics, ngân hàng là vấn đề rất quan trọng.


Nâng cao sức hút từ những ngành nghề hưởng lợi

Ông Đinh Xuân Vinh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Hải Dương

Ở Hải Dương, những ngành hàng có lợi thế khi Việt Nam triển khai các FTA là dệt may, da giày. Đây là cơ hội và lợi ích rất lớn được các FTA tạo ra, nhất là trong giai đoạn tới, khi thế giới đang từng bước khôi phục sau ảnh hưởng từ đại dịch. 

Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực được hưởng lợi cần tăng cường năng lực cạnh tranh, chủ động tiếp cận công nghệ hiện đại, tham gia vào các công đoạn tạo giá trị gia tăng lớn hơn trong chuỗi giá trị sản phẩm sản xuất. Điểm mấu chốt ảnh hưởng đến cạnh tranh xuất khẩu của doanh nghiệp là vấn đề chủ động nguồn nguyên vật liệu đầu vào. Do vậy, về phía doanh nghiệp cần có chiến lược mở rộng đối tác, tránh phụ thuộc hoàn toàn nguồn cung ứng từ một vài đối tác cố định. Các bộ, ngành cần có các chính sách khuyến khích đầu tư nhiều hơn vào phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là trong các ngành Việt Nam có lợi thế so sánh để mở rộng thị phần.

Ở chiều ngược lại, cam kết trong các FTA sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn hơn đối với thị trường nội địa trong một số ngành như dược phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, thông tin truyền thông. Doanh nghiệp cần biến sức ép cạnh tranh này thành chiến lược phát triển, xây dựng kênh hợp tác với nhóm đối tác, nhà đầu tư nước ngoài.


Vượt qua những khó khăn về quy định xuất xứ hàng hóa


Ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi

Một trong những lợi ích lớn nhất từ các FTA đối với doanh nghiệp khi xuất khẩu là các ưu đãi thuế quan. Nhưng để được hưởng ưu đãi này thì sản phẩm của doanh nghiệp phải đáp ứng được quy tắc xuất xứ. Đây là một trong những khó khăn của doanh nghiệp khi thực thi các FTA. 
Để đủ điều kiện xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) theo từng FTA cho khách hàng, doanh nghiệp phải chủ động tìm hiểu, làm việc với các nhà cung cấp nguyên liệu về nguồn cung, chứng từ chứng minh xuất xứ nguyên liệu đầu vào… Chủ động tìm hiểu quy định xuất xứ trong từng FTA để tối đa tận dụng ưu đãi về thuế cho khách hàng. Có hệ thống lưu trữ các chứng từ xuất khẩu, nhập khẩu để làm việc với các cơ quan hải quan, tổ chức cấp C/O cũng như khâu hậu kiểm. Việc tìm hiểu kỹ quy tắc xuất xứ hàng hóa của từng thị trường xuất khẩu, theo từng cam kết giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng, tận dụng được ưu đãi thuế quan, gia tăng cơ hội mở rộng thị trường.


Liên kết giữa các doanh nghiệp để tăng sức cạnh tranh 


Ông Nguyễn Xuân Bách, 
Phó Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát

Theo tôi, để tận dụng được tối đa các lợi thế từ các FTA, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tăng cường liên kết nhằm tạo ra những cơ hội đầu tư, tăng sức cạnh tranh. 

Khi có sự liên kết chặt chẽ, các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhau về sản phẩm, dễ dàng tiếp cận thị trường mới, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại một cách bài bản. Doanh nghiệp cũng chủ động xây dựng năng lực sản xuất, kinh doanh, cải thiện chất lượng, mẫu mã sản phẩm để nâng cao khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu. Từ đó, sự liên kết chặt chẽ này có thể mang lại sự cạnh tranh đến từ hàng hóa của các nước trong khu vực, ngay cả trong thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. 

Công ty TNHH Cơ khí Toàn Phát (Bình Giang) là doanh nghiệp chuyên sản xuất động cơ điện, máy bơm nước, máy đầm và một số máy móc nông nghiệp. Nhiều sản phẩm của doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm sang một số thị trường các nước thuộc khối ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan… Hàng hóa xuất sang các thị trường này chịu tác động của Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA-hiệp định thương mại tự do đa phương giữa các nước trong khối ASEAN).


Hiểu rõ đối thủ cạnh tranh để mở rộng thị trường

Ông Tăng Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nông sản Hưng Việt


Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang từng bước phục hồi mạnh mẽ sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 những năm qua, FTA đã và đang đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp khai thác nhu cầu của thị trường thế giới. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả khi mở rộng thị trường, nhất là với những thị trường mới, doanh nghiệp cần hiểu rõ về đối thủ cạnh tranh. 

Nói riêng về nông sản, một trong những thế mạnh của Hải Dương, chúng tôi nhận thấy Trung Quốc là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đầu năm 2020, dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của Trung Quốc. Khi đó nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã ghi nhận mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên hiện tại, quốc gia tỷ dân này đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản trở lại.

Ưu đãi từ những FTA ở những quốc gia tham gia ký kết tương đồng nhau, do đó giá thành sản phẩm là một trong những lợi thế cạnh tranh. Muốn khai thác tốt nhu cầu từ những thị trường mới, nhất là thị trường khó tính, chúng tôi mong muốn tỉnh nghiên cứu, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất nông nghiệp, vừa nâng cao chất lượng nông sản, vừa góp phần giảm chi phí sản xuất.

Cơ chế, chính sách nhằm giảm giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như chi phí logistics cũng là điều cần triển khai. Những chi phí đầu vào này hình thành trực tiếp giá thành sản phẩm. Do đó khi giảm chi phí đầu vào sẽ giảm giá thành, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh. Nếu giá thành nông sản Việt ở mức tương đương Trung Quốc, khả năng thâm nhập thị trường mới từ các FTA sẽ cao hơn.

Tất cả doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ FTA

Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được hưởng lợi từ FTA. 

Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một siêu FTA với sự tham gia của Hàn Quốc, 10 quốc gia ASEAN và 4 quốc gia ngoài khu vực khác, áp dụng tiêu chuẩn xuất xứ hàng hóa cộng gộp toàn diện đối với quốc gia thành viên. Các quốc gia gia nhập RCEP sẽ mua nguyên liệu, phụ kiện trong khu vực để hưởng quy chế tiêu chuẩn xuất xứ cộng gộp và đây chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam tăng xuất khẩu tới các quốc gia trong khu vực RCEP.

Đối với EVFTA, các mặt hàng điện tử, gang thép, dệt may, đều được xóa bỏ ngay, hoặc xóa bỏ dần mức thuế suất cao. Đối với RCEP, việc giảm thuế tuy không khác biệt nhiều so với các FTA trước đó, nhưng sẽ có nhiều mặt hàng được giảm thuế theo tiêu chuẩn nguồn gốc xuất xứ thông qua cách tính cộng gộp và các mặt hàng như dệt may, điện gia dụng, điện tử sẽ được hưởng ưu đãi lớn về thuế.

Theo chúng tôi, chính quyền Hải Dương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nhận thức cũng như quy định, thủ tục áp dụng các điều khoản của FTA cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh để giúp họ đạt được lợi ích tối đa từ FTA. Khi áp dụng các điều khoản FTA, doanh nghiệp cần lường trước khả năng sẽ bị kiểm tra, xác minh về quy trình đã thực hiện. Nếu thiếu sự chuẩn bị, không loại trừ khả năng doanh nghiệp sẽ bị truy thu thuế số lượng lớn sau này.

Theo lãnh đạo Ban Kinh tế, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam