Giữ lấy hồn quê

Đời sống văn hóa - Ngày đăng : 08:16, 27/01/2023

Xây dựng làng quê mới văn minh hiện đại là rất cần thiết, song cần có một bản quy hoạch mẫu cho làng quê để định hướng, bảo đảm sự hài hòa giữa cái mới và cái cũ, giúp mọi người sống trong hiện đại mà vẫn nhìn thấy bóng quê xưa.

“Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Câu hát ấy mỗi khi cất lên làm bao con tim xúc động bởi nó đã chạm vào chỗ sâu thẳm của tình cảm mỗi người - tình yêu quê hương.


Chữ “hương” nghĩa là làng. “Quê hương” là làng quê. Làng quê ta là một quần cư, họ mạc sống lâu đời, gắn bó với nhau tạo nên tình làng nghĩa xóm. Làng quê xưa còn là một đơn vị hành chính, đơn vị văn hóa, đơn vị nghề nghiệp. Làng còn là đơn vị an ninh cho cuộc sống mọi người. Vì thế làng quê nào cũng có cổng làng, lũy tre quanh làng, đình chùa làng, giếng làng, ao làng, trường làng, chợ làng, đường làng… Nhiều làng còn có bến đò, có tập tục riêng, có nghề nghiệp riêng. Một số làng còn có tiếng nói mang âm sắc khá độc đáo, không thể lẫn được với tiếng nói làng khác. Làng quê ta xưa làng nào cũng có những cây cổ thụ như đa, đề, gạo, muỗm, bàng, thị… Có những cây tồn tại đến nay đã bảy tám trăm năm vẫn xanh tươi. Nói đến làng không thể quên được mái tranh. Hàng trăm mái rạ ẩn hiện dưới bóng tre, thấp thoáng chen lẫn vườn cây ăn quả…


Nông thôn thời hiện đại, nhiều ngôi làng giống như phố khi xuất hiện các khu dân cư, chợ mới. Trong ảnh: Ngõ nhỏ làng Cậy, xã Long Xuyên (Bình Giang) vẫn giữ được những nét cổ xưa

Tất cả cảnh vật thiên nhiên, những kiến trúc, phong tục, lễ hội, tín ngưỡng cùng bao nhiêu kỷ niệm của mỗi con người với làng đã tạo nên hồn làng. Hồn làng không nhìn thấy được nhưng đầy ắp trong lòng ta. Đó là nỗi nhớ làng, yêu làng, tự hào về làng nhất là mỗi khi đi xa. Hình ảnh bóng tre trùm mát rượi. Hình ảnh bến nước có các cô thôn nữ giặt chiếu với tiếng đập chiếu vang vọng. Hình ảnh chiếc cổng làng như con mắt mở, đăm đắm trông người đi xa. Rồi ngày hội vui, trống chèo rộn rã, sân đình rực rỡ cờ Thần ngũ sắc. Rồi những mái bếp khói lan và mùi cơm thơm mộc mạc mà ngọt ngào. Cả những ao bèo tây rực lên màu tím hồng đẹp không thể tả. Những đêm trăng đập lúa sân kho. Tiếng đập chắc nịch. Lúa rơi rào rào. Hương lúa thơm phảng phất… Hồn làng đấy. Từng ngày, từng ngày hồn làng lắng lại trong tim ta làm cho làng vừa gần gũi, lại vừa thiêng liêng, bền vững. Hồn quê còn là tình làng, nghĩa xóm "tối lửa tắt đèn có nhau", nét văn hóa mà nơi thị thành không dễ gì có được.

Ngày nay, đất nước phát triển, đời sống nhân dân được nâng lên. Khoa học ngày một tiến bộ. Kinh tế ngày càng sung túc. Tổ chức xã hội có nhiều đổi mới… Vì thế làng quê nay cũng có nhiều khác biệt. Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Làng quê giờ khác lắm. Nhà lầu đủ mọi kiểu dáng thay cho mái tranh. Đường làng đổ bê tông thay cho con đường ngoằn ngoèo bùn lầy nước đọng. Nhiều nơi đình chùa đã mất. Nhiều cây cổ thụ không còn. Tre làng hầu như vắng bóng. Ao làng đã bị lấp để xây nhà. Bờ rào, tre dây, dâm bụt được thay bằng bờ tường xây cao, trên có rào sắt mũi nhọn. Cổng tre gia đình được thay bằng cổng xây rộng rãi, cánh bằng inox sáng choang và cả ngày đóng im ỉm. Nhà nào cũng làm quay mặt ra đường. Nhiều gia đình đất rộng vẫn làm nhà ống. Bếp gas đã thay bếp rạ, bếp củi. Ngã ba, ngã tư đường làng đầy ắp quán hàng bán từ quần áo, xe đạp, đồ điện, máy móc đến vại dưa cải, vại cà muối, cá kho, canh cua, bia, rượu, nước ngọt… thôi thì đủ thứ không khác thành thị. Nhiều thị tứ xuất hiện. Nhiều phố làng ra đời. Xe máy, xe đạp đêm vẫn để ngoài sân. Nhiều nhà có ô tô để đi lại… Nhiều làng thành phố. Xã thành phường, huyện thành thị xã rồi lên thành phố. 


Khu chợ thương mại, dịch vụ xã Hồng Lạc (Thanh Hà).  Ảnh:
THÀNH CHUNG

Có thể nói làng quê giờ khác trước một trời một vực. Còn đâu cái cảnh “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái dậu mồng tơi xanh rờn” (thơ Nguyễn Bính). Còn đâu cái cảnh “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo" (thơ Nguyễn Khuyến)... 

Công bằng mà nói, ai không thích cái làng quê mới thời nay với điện sáng, nước máy trong, hàng hóa nhiều, nhà cao cửa rộng, thiết bị đầy đủ cho cuộc sống là người mất trí. Song ai quên cái làng quê xưa nghèo khổ tảo tần nuôi ta lớn lên và có ngày nay là người không tim.

Vì thế, xây dựng làng quê mới văn hóa, văn minh hiện đại là rất cần thiết. Song sống tại làng quê hiện đại tôi vẫn có cảm giác như thiếu một cái gì đó. Cảm giác là lạ giữa làng quê của chính mình. Có phải làng quê mới nay chưa hình thành được cái hồn quê trong lòng mỗi người? Có bài thơ của một tác giả nào đó viết về làng quê mới, có câu “Cả làng là một cục xi măng”. Nhà xây, tường xây, cổng xây, đường xi măng. Làng thiếu đi những vườn cây ăn quả của gia đình, thiếu đi những ao làng, những công thổ để mọi người tự do vui chơi, thiếu đi những bờ dậu tre dây, bờ dậu dâm bụt, cúc tần, duối xén vuông vức. Làng thiếu đi bóng tre trùm mát rượi, thiếu đi nhiều thứ lắm. Thậm chí ở một số nơi, cả tình nghĩa xóm giềng giờ cũng khác xưa.

Làm gì để giữ lấy hồn quê? Gần đây, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm và trưng bày không gian của các gian nhà, bếp, những nông cụ của người Hải Dương để người dân, nhất là thế hệ trẻ đến tham quan. Tại đây người xem cũng có thể trải nghiệm các hoạt động của người dân nông thôn Hải Dương xưa như xay thóc, giã gạo, làm cốm... Đó cũng là một cách lưu giữ những giá trị xưa của làng quê cho lớp người sinh ra thời nông thôn mới. Nhưng sẽ tốt hơn nếu các giá trị truyền thống, hồn quê được lưu giữ ngay tại mỗi làng xóm của mình. Khôi phục các tục lệ đẹp đã bị mai một, duy trì các nét văn hóa, các trò chơi dân gian, lễ hội truyền thống để mỗi ngôi làng vẫn theo kịp xu thế của nông thôn hiện đại, nông thôn thông minh, văn minh mà không mất đi các vẻ đẹp cổ truyền. Trong xây dựng nông thôn mới, cần có một bản quy hoạch mẫu cho một làng quê mới. Cái mẫu ấy là chỗ dựa pháp lý cho chính quyền cơ sở chỉ đạo và vận động nhân dân làm theo. Quy hoạch làng quê mẫu ấy cần bảo đảm sự hài hòa giữa cái mới và cái cũ, giúp mọi người sống trong hiện đại mà vẫn nhìn thấy bóng quê xưa, vẫn thấy thân thiện và gần gũi, hồn làng vẫn trong trái tim ta. 

VĂN DUY