Kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris (27.1.1973 - 27.1.2023): Đỉnh cao nghệ thuật vừa đánh, vừa đàm
Chính trị - Ngày đăng : 08:20, 27/01/2023
Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa Nguyễn Duy Trinh ký Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 tại Thủ đô Paris (Pháp). Ảnh: TTXVN
Đây là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, là điển hình của việc kết hợp chủ trương vừa đánh, vừa đàm; là chiến thắng của cuộc đấu trí bền bỉ, quyết liệt, sau quá trình đàm phán dài nhất trong lịch sử - 4 năm 8 tháng.
Thắng lợi quân sự tạo đà cho mặt trận ngoại giao
Cuối năm 1964, đầu năm 1965, trước những đòn tiến công mãnh liệt của quân và dân miền Nam, cả về quân sự và chính trị, chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ đã bị phá sản, ngụy quân và ngụy quyền Sài Gòn đứng trước nguy cơ sụp đổ. Ðể cứu vãn tình thế, Mỹ thay đổi chiến lược từ “Chiến tranh đặc biệt” sang “Chiến tranh cục bộ”. Một mặt, Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam; mặt khác, tiến hành leo thang chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc, mở rộng chiến tranh xâm lược ra phạm vi cả nước.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược, Đảng đã đưa ra những quyết sách đúng đắn. Với khí thế quyết chiến, quyết thắng, quân dân ta đã đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 của địch ở miền Nam, đánh bại một bước chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc, tạo đà cho cách mạng Việt Nam tiến lên.
Tiếp đến là thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân miền Nam trong dịp Tết Mậu Thân năm 1968. Đây là đòn đánh bất ngờ đối với Mỹ và quân đội Sài Gòn. Thắng lợi này cùng với thắng lợi của quân và dân miền Bắc trong đấu tranh chống chiến tranh phá hoại đã làm đảo lộn chiến lược chiến tranh xâm lược Việt Nam của Mỹ, làm lung lay tận gốc ý chí xâm lược của chúng.
Không còn sự lựa chọn nào khác, ngày 31.3.1968, Tổng thống Giônxơn buộc phải tuyên bố đơn phương ngừng đánh phá miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; đồng thời chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris và không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ II.
Cuộc đấu trí cam go, đầy kịch tính trên mặt trận ngoại giao
Ngày 13.5.1968, cuộc đàm phán giữa Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Mỹ chính thức bắt đầu tại Paris (Pháp). Sau gần 6 tháng đàm phán, hai bên đã đi đến thỏa thuận về việc Mỹ sẽ chấm dứt mọi hành động chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa kể từ ngày 31.10.1968, đồng thời thỏa thuận triệu tập một hội nghị tại Paris để bàn việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, gồm các bên: Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Tháng 1.1969, Hội nghị 4 bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên tại Paris. Lập trường bốn bên, mà thực chất là của hai bên Việt Nam và Mỹ, giai đoạn đầu rất xa nhau, mâu thuẫn nhau, khiến cho các cuộc đấu tranh diễn ra gay gắt trên bàn hội nghị. Tại hội đàm Paris, Việt Nam đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam, xóa bỏ chính quyền bù nhìn tay sai, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam.
Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, nhưng đòi hai bên cùng rút quân; đòi khôi phục lại khu phi quân sự và duy trì chính quyền Sài Gòn (nghĩa là vẫn muốn duy trì tình trạng chia cắt Việt Nam thành hai miền). Vì thế, trong thời gian hội đàm, cả hai đều tìm mọi cách giành thắng lợi quyết định về quân sự để thay đổi cục diện chiến trường, lấy đó làm áp lực cho mọi giải pháp chấm dứt chiến tranh trên thế mạnh mà cả hai phía đang giành giật trên bàn đàm phán nhưng chưa đạt kết quả. Những thắng lợi quân sự của ta trong các chiến dịch trong năm 1972 đã làm quân Mỹ-nguỵ bị thiệt hại nặng nề, từng bước làm phá sản chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh”, đặc biệt là cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị 81 ngày đêm, đã tạo thế thuận lợi cho ta trên bàn đàm phán, phái đoàn Việt Nam đã chủ động tấn công trên bàn đàm phán với việc đưa ra Dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam” (ngày 8.10.1972).
Lúc đầu, bản dự thảo được các bên nhất trí nhưng đến ngày 22.10.1972 phía Mỹ lật lọng đòi sửa đổi. Đêm 18.12.1972, Tổng thống Mỹ Nixon ra lệnh ném bom huỷ diệt Hà Nội và Hải Phòng bằng B-52. Cuộc đụng đầu lịch sử trong 12 ngày đêm được ví là "Trận Điện Biên Phủ trên không" kết thúc bằng việc hàng chục pháo đài bay B-52 và máy bay chiến đấu khác của Mỹ bị bắn rơi ngay trên bầu trời Hà Nội. Thất bại của Mỹ trên chiến trường miền Nam cùng với thất bại của không quân chiến lược Mỹ trên bầu trời Hà Nội đã đẩy Mỹ vào thế thua không thể gượng nổi, buộc chúng phải nối lại đàm phán tại Paris. Trên tư thế bên chiến thắng, phái đoàn ta tại cuộc đàm phán đã kiên quyết đấu tranh giữ vững nội dung của dự thảo Hiệp định đã thoả thuận, kết thúc đàm phán để đi đến ký kết.
Hiệp định Paris được sự công nhận và bảo đảm của một hội nghị quốc tế về Việt Nam, thông qua Định ước quốc tế, ký ngày 2.3.1973 cũng tại Paris. Ngày 28.1.1973, ngừng bắn trên toàn miền Nam. Ngày 29.3.1973, người lính Mỹ cuối cùng rời khỏi miền Nam Việt Nam.
Việc ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX, đánh dấu thắng lợi lịch sử của nhân dân Việt Nam sau hơn 19 năm đấu tranh kiên cường trên các mặt trận. Đó cũng là thắng lợi quyết định tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc vào ngày 30.4.1975.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 13.1.1973, ký chính thức ngày 27.1.1973. Hiệp định gồm 9 chương, 23 điều; có hiệu lực từ ngày ký chính thức. Các nội dung hàm chứng trong Hiệp định gồm: |
MINH DUYÊN