Phố huyện Nam Sách xưa và nay

Đất và người xứ Đông - Ngày đăng : 12:00, 01/02/2023

"Vẫn những dãy nhà làm nên thị trấn/ Nam Sách trong tôi ngơ ngác một thời". Nhà thơ Nguyễn Đình Xuân, quê ở huyện Nam Sách đã từng "ngơ ngác" khi chứng kiến những đổi thay ở thị trấn, nơi phố huyện cổ sầm uất một thời.

Ký ức phố huyện xưa


Phố La Văn Cầu, thị trấn Nam Sách năm 1993. 
Ảnh: ĐỨC TOÀN

Phố huyện Nam Sách khi xưa là một trung tâm thương nghiệp sầm uất có tên phố huyện Thanh Lâm. Sách Văn nghệ dân gian Hải Dương có ghi, chợ huyện Thanh Lâm nằm ở vị trí trung tâm lại có giao thông thủy, bộ thuận tiện, là trung tâm thương nghiệp phát triển bậc nhất vùng, là một trong những chợ lớn của tỉnh Hải Dương xưa. Phiên chính trước đây họp vào các ngày mùng 5, mùng 10, phiên xép ngày nào cũng có. Chợ Thanh Lâm có khu bán trâu bò, lợn gà, hàng tấm, hàng xén và các mặt hàng nông sản, thủy sản, hàng công nghiệp và thủ công nghiệp. Cùng với chợ là các dãy phố với những cửa hàng, cửa hiệu của người Việt, người Hoa. Người Việt phần lớn buôn bán nhỏ, chỉ người Hoa mới có những cửa hàng lớn.


Đường Nguyễn Trãi còn nhiều nhà phố huyện xưa

Chợ huyện Thanh Lâm đông vui, tấp nập là nơi tập trung buôn bán của các xã lân cận và cả người ở Chí Linh, Kinh Môn, Bắc Ninh cũng về đây làm ăn. Ở trong huyện thì "Đống Nắm có khung cửi vàng/ Đống Thung, đống Tịnh có nàng dệt tơ/ Vạn Tải có nghề trồng đay/ Ở bên Phù Liễn lại bay đi mò"; "Làng Hóp có bán lợn con/ Làng Quao có đất sơn son nặn nồi"... Ngày ấy, các sản phẩm đặc sắc từ các làng nghề này đều được mang ra chợ huyện Thanh Lâm để bán. Bởi vậy mà có câu: "Ai về chợ huyện Thanh Lâm/ Cho em gửi tấm lụa thâm hạt dền" với ý mong được nhờ người tin tưởng chuyển những sản phẩm đẹp tới nơi người ta đang trông ngóng tìm mua ở phố huyện. Ngày đó, phố huyện đã có những thú vui chơi xa xỉ của nhà giàu. Hồi Pháp thuộc, có ông Ký Tường mở hiệu đại lý bán rượu của Pháp, là cửa hiệu sang trọng nên khách thượng lưu ra vào nhiều mà kẻ xấu nhòm ngó cũng lắm.

Trường cấp 2-3 phố huyện Thanh Lâm xưa nay là Trường THPT Nam Sách cũng là một nơi ươm mầm, bắt nguồn cho truyền thống khoa bảng của huyện Nam Sách ngày nay. Ông Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1959, ở thị trấn Nam Sách) sinh sống và rong ruổi với nghề nhiếp ảnh ở đây đã nhiều năm. Trong ký ức ông Toàn, chợ huyện, trường cấp 2 phố huyện đều là những nơi nổi tiếng một thời. Ngày ấy, nhà ông Toàn ở gần chợ nên bố mẹ ông thường cho người buôn bán từ xa đến ngủ nhờ. "Nhiều người đi bộ, đi xe thồ hàng từ Chí Linh, Bắc Ninh sang đây từ hôm trước rồi ngủ lại, nhà tôi không lấy tiền mà vui lắm. Chợ huyện hồi đó là trái tim của cả phủ mà ai cũng mong được đi, nhất là những ngày cận Tết", ông Toàn hồi tưởng. 

Trong ký ức của ông Toàn, lúc bấy giờ, ai được đi chợ huyện ăn sáng với bánh bao, bát bún là hạnh phúc lắm. Nhà gianh phố huyện bấy giờ đều quay mặt vào trong ngõ, quay lưng lại đường chính để tránh ồn ào nhưng cứ từ 25 Tết trở ra là đông vui, tấp nập. Người dân nô nức về đây may quần áo mới, chụp ảnh. 

Diện mạo ngày nay


Phố huyện Nam Sách ngày nay đã chuyển mình mạnh mẽ. 
Ảnh: ĐỨC TOÀN

Ngày nay, thay thế cho những căn nhà cũ phố huyện ngày nào là những nhà cao tầng, mặt tiền quay ra đường lớn, vươn mình phát triển cùng nhịp sống hiện đại. Phố huyện Nam Sách từng bước khang trang, chuyển mình mạnh mẽ, nhất là từ năm 2011 đến nay. Ở bến Hàn, bến Bình đã có cầu bắc qua. Đồng ruộng chiêm trũng nay thành khu đô thị hiện đại. Từ ngày có cầu Hàn, học sinh Nam Sách không cần đi đò Đồng Niên, đò Hàn sang TP Hải Dương, giao thông phát triển cũng kéo theo nền kinh tế chuyển biến rõ rệt.

Chợ huyện Thanh Lâm ngày đó giờ vẫn là chợ lớn nhất của huyện Nam Sách, được giao cho UBND thị trấn Nam Sách quản lý. Cùng với phát triển kinh tế, chợ dần được xây dựng bê tông kiên cố, tu sửa nhiều lần và khang trang, quy củ như hiện nay. Chợ trải qua lần tu sửa, nâng cấp lớn nhất vào năm 2016, đến nay vẫn duy trì hoạt động buôn bán nhộn nhịp với cơ sở vật chất bảo đảm, được quản lý chặt chẽ, an toàn về an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy.

Phố huyện Thanh Lâm xưa giờ thêm nhiều khu phố mới với cảnh quan đẹp đẽ. Năm 2022, huyện Nam Sách chi 20,3 tỷ đồng nâng cấp, chỉnh trang nhiều tuyến đường ở thị trấn Nam Sách. Trong đó, chủ yếu là nâng cấp mặt đường, lát gạch vỉa hè, hệ thống thoát nước, cây xanh, điện chiếu sáng. Nhiều tuyến đường nội thị như Trần Phú, Nguyễn Trãi, Mạc Thị Bưởi... được đầu tư cả hệ thống đèn hoa trang trí. Đường Trần Hưng Đạo được mở rộng gấp đôi với 2 làn đường có dải phân cách cứng...

Huyện Nam Sách đã và đang nỗ lực làm đẹp những cung đường khu trung tâm với mục tiêu mùa nào cũng có tuyến phố có hoa nở và phấn đấu thị trấn Nam Sách đạt tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025, tầm nhìn hướng đến đô thị loại V.

Chứng kiến những đổi thay ở phố huyện trong gần một thế kỷ qua, bà Nguyễn Thị Minh Thìn (sinh năm 1949) đầy kỳ vọng vào sự phát triển của thị trấn trong tương lai. "Mong rằng chính quyền địa phương sẽ tận dụng lợi thế sẵn có để đưa thị trấn Nam Sách phát triển xứng tầm, đúng định hướng mà vẫn giữ gìn truyền thống, nét đẹp của thị trấn khi xưa", bà Thìn mong mỏi.

PHONG TUYẾT