Thông điệp từ chuyến thăm Đông Á của Tổng thư ký NATO
Tin tức - Ngày đăng : 14:41, 01/02/2023
Theo kênh DW (Đức), ưu tiên chiến lược này là giải quyết các mối đe dọa từ Trung Quốc và Triều Tiên cũng như tác động toàn cầu của cuộc xung đột Nga - Ukraine đồng thời tìm cách thắt chặt quan hệ chính trị của NATO với các đồng minh hàng đầu châu Á.
Thách thức của NATO mang tính “toàn cầu”
Ông Stoltenberg khởi động chuyến thăm của mình tại Hàn Quốc vào 29/1 và được các quan chức hàng đầu của Hàn Quốc tiếp đón tại Seoul. Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin, ông Stoltenberg đã đề cập đến các chương trình hạt nhân và tên lửa "của Triều Tiên.
Tổng thư ký NATO cho biết ông tin rằng Triều Tiên đang giúp Nga trong cuộc xung đột với Ukraine và điều này nhấn mạnh cách châu Âu và châu Á "liên kết với nhau". Tuy nhiên, cả Triều Tiên và Nga đều đã lên tiếng bác bỏ thông tin Bình Nhưỡng trợ giúp Moskva.
Ông Stoltenberg cũng kêu gọi Hàn Quốc "đẩy mạnh vấn đề hỗ trợ quân sự" cho Ukraine và thúc đẩy Seoul bật đèn xanh cho hoạt động xuất khẩu vũ khí trực tiếp, thay đổi quy định của nước này về việc đưa vũ khí đến các vùng xung đột.
Hàn Quốc đã và đang hỗ trợ Ukraine bằng viện trợ phi sát thương. Hàn Quốc cũng đã ký các thỏa thuận vũ khí để cung cấp xe tăng và máy bay chiến đấu cho thành viên NATO là Ba Lan. Tuy nhiên, Tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định rằng việc cung cấp vũ khí cho các quốc gia có xung đột là đi ngược lại chính sách của nước này.
Chia sẻ với hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc), ông Stoltenberg nhấn mạnh: "Chúng ta cần giải quyết những mối đe dọa và thách thức toàn cầu, bao gồm cả những thách thức đến từ Trung Quốc, và một cách để làm điều đó là hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác trong khu vực”. Cuối tuần này, người đứng đầu NATO dự kiến sẽ tổ chức thêm các cuộc đối thoại an ninh với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và các quan chức khác ở Tokyo.
Ông Jim Townsend tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, mô tả chuyến đi châu Á của ông Stoltenberg là một trong những "sự trấn an" đối với các đối tác châu Á. "Thời điểm chuyến thăm của ông Stoltenberg rất quan trọng. Xung đột tại Ukraine đã ảnh hưởng đến các nước châu Á và mối quan hệ thân thiết của Trung Quốc với Nga cũng là một mối đe dọa cần được giải quyết. Sự hiện diện của ông Stoltenberg ở Tokyo cho thấy NATO muốn tăng cường quan hệ đối tác với châu Á. Những chuyến thăm này cũng thể hiện sự thống nhất vì nó cho thấy NATO và châu Á sẵn sàng hợp tác với nhau. Sự kiện này báo hiệu mối quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn nhằm tìm cách đối phó với ảnh hưởng của Trung Quốc, Triều Tiên và Nga ở châu Á”.
Căng thẳng gia tăng ở châu Á
Tại hội nghị thượng đỉnh NATO năm 2022 ở Madrid (Tây Ban Nha), các nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã thể hiện sự cấp bách trong giải quyết các thách thức ở Đông Á. Ông Kishida khi đó bày tỏ về khả năng xảy ra xung đột ở Đông Á trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường quân sự và hiện diện ngày càng nhiều ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Cùng với các lãnh đạo Nhật Bản và Australia, ông bày tỏ tầm quan trọng của việc cải thiện an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với NATO. Hàn Quốc cũng mở phái đoàn ngoại giao tại NATO vài tháng sau hội nghị thượng đỉnh này.
Giáo sư Ramon Pacheco Pardo tại Đại học King's College London (Anh), nhận định việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với NATO là "một chiến lược quân sự cần thiết" đối với cả Hàn Quốc và Nhật Bản trong hoàn cảnh hiện tại.
Giáo sư Ramon Pacheco Pardo phân tích: "Cả Nhật Bản và Hàn Quốc đều bày tỏ rằng an ninh ở châu Âu có liên quan đến châu Á”. Theo ông, Hàn Quốc và Nhật Bản mong muốn tập trung xây dựng quan hệ đối tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải và an ninh mạng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Ông bổ sung: “NATO cũng luôn mong muốn gắn kết hơn nữa với các đối tác của mình ở châu Á và sử dụng chuyên môn của họ về công nghệ mạng và tình báo quân sự nào có thể được sử dụng để giải quyết các thách thức từ Trung Quốc hoặc Triều Tiên”.
Truyền thông nhà nước Triều Tiên đã gọi chuyến thăm của ông Stoltenberg là "khúc dạo đầu cho đối đầu và chiến tranh khi nó mang những đám mây đen của 'Chiến tranh Lạnh mới' đến khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Ông Townsend phân tích: “Đối với NATO, chuyến thăm này hoàn toàn là một sự trấn an đối với người dân Hàn Quốc và người dân Nhật Bản, để cho họ biết rằng họ có những người bạn ở châu Âu và Mỹ quan tâm đến an ninh của khu vực thuộc châu Á này”.
Theo Báo Tin tức