Du lịch "Con đường khoa cử Việt": Tiềm năng còn bỏ ngỏ
Văn hoá-Xã hội - Ngày đăng : 10:30, 24/10/2022
Hải Dương có nhiều di tích lịch sử nho học gắn liền với các danh nhân văn hoá - khoa bảng nổi tiếng. Đây là tiềm năng lớn để phát triển loại hình du lịch khoa bảng.
Thế mạnh
Hải Dương có mật độ di tích đậm đặc với 3.199 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng. Trong đó, Hải Dương có một chuỗi di tích gắn liền với lịch sử khoa bảng, sự học của xứ Đông nói riêng, Việt Nam nói chung mà hiếm nơi có được. Những di tích trên đều có giá trị lịch sử, văn hoá và kiến trúc đặc sắc để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù "Con đường khoa cử Việt". Sản phẩm này được xây dựng trên nền tảng kết nối làng tiến sĩ Mộ Trạch (Bình Giang) với Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi (Nam Sách), đền thờ thầy giáo Chu Văn An và đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ (Chí Linh).
Ngược dòng thời gian, lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam được tính từ năm 1075 thời nhà Lý mở khoa thi "Minh Kinh bác học" và khép lại vào năm 1919. Trải qua gần 9 thế kỷ, cả nước tổ chức 185 kỳ thi, tuyển chọn được 2.898 tiến sĩ nho học. Riêng trấn Hải Dương đã có 637 vị tiến sĩ và 12 trạng nguyên. Nếu tính địa giới hành chính là tỉnh, Hải Dương có 486 vị tiến sĩ.
Huyện Nam Sách có nhiều tiến sĩ nhất cả nước với 125 tiến sĩ. Đặc biệt, Hải Dương còn có một địa danh nổi tiếng được mệnh danh là "Lò tiến sĩ xứ Đông" - làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang). Làng có tới 36 tiến sĩ, nhiều nhất cả nước trong lịch sử khoa cử phong kiến Việt Nam. Trong 82 văn bia còn lại tại Văn miếu Quốc Tử Giám có đến 18 bia khắc tên 25 tiến sĩ làng Mộ Trạch. Hải Dương có số tiến sĩ nhiều nhất cả nước trên cả ba cấp độ tỉnh, huyện, làng xã.
Ông Vũ Quốc Ái, Thường trực Ban Quản lý di tích đình và miếu Mộ Trạch cho biết: Trong lịch sử khoa bảng Mộ Trạch đã được vua Tự Đức ban tặng lời vàng: “Mộ Trạch nhất gia bán thiên hạ”, tức Mộ Trạch tài năng bằng nửa thiên hạ. Mộ Trạch còn là khởi tổ của dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, quê hương của những người con họ Vũ (Võ) kiệt xuất. Cứ vào tháng 2 hằng năm, người dân trong làng lại tổ chức lễ hội truyền thống làng Mộ Trạch. Đây không chỉ là ngày hội của người dân trong làng mà còn là dịp để con cháu dòng họ Vũ (Võ) từ khắp nơi tìm về quê cha, đất tổ để ôn lại, nhân rộng truyền thống hiếu học của mảnh đất này.
"Trải qua các triều đại phong kiến cho đến thời nay, Mộ Trạch luôn sản sinh ra các bậc anh tài có đóng góp tích cực cho đất nước", ông Ái nói.
Từ Mộ Trạch ngược ra quốc lộ 5 chừng 15 km là di tích quốc gia đặc biệt Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) cách trung tâm TP Hải Dương 16 km. Chỉ đứng sau Văn miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội), với gần 600 năm tồn tại, Văn miếu Mao Điền đã trở thành niềm tự hào về truyền thống hiếu học của vùng đất và con người xứ Đông.
Văn miếu Mao Điền là một trong số ít văn miếu hàng tỉnh còn tồn tại ở Việt Nam với các công trình như nhà bái đường, hậu cung, đông vu, tây vu, đài nghiên, tháp bút, gác trống, gác chuông… Ngoài thờ Khổng Tử, văn miếu còn thờ 8 vị đại khoa người Việt là Tư nghiệp Quốc Tử giám Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, Trình Quốc công Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đại danh y, Thái học sinh Tuệ Tĩnh, Thần toán Việt Nam Vũ Hữu, Nhập nội Hành khiển Phạm Sư Mệnh và nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ.
Bà Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho biết: Ngày nay, Văn miếu Mao Điền là địa chỉ khuyến học, khuyến tài, giáo dục học sinh về phát huy tinh thần “tôn sư trọng đạo” và hiếu học của người xứ Đông. Nơi đây thường thu hút hàng nghìn lượt học sinh, giáo viên tìm về cội nguồn.
Rời Cẩm Giàng, du khách xuôi theo quốc lộ 5 để đến thăm đền thờ Mạc Đĩnh Chi ở xã Nam Tân (Nam Sách). Mạc Đĩnh Chi, tự là Tiết Phu (1272-1346), người làng Long Động, xã Nam Tân (Nam Sách). Năm 32 tuổi, ông đỗ Trạng nguyên khoa Giáp Thìn (1304). Với tài ngoại giao, ứng đối, văn thơ xứng bậc "đứng đầu quần nho", ông được vua Nguyên phong Lưỡng quốc Trạng nguyên, tức Trạng của hai nước.
Đền thờ gồm 5 gian nhà tiền tế, 3 gian trung từ, 3 gian hậu cung. Ngoài ra, còn có các khu nhà khách, khuôn viên, cảnh quan làng quê yên bình... Đây không chỉ là công trình có ý nghĩa lịch sử và văn hóa tâm linh mà còn là nơi giáo dục truyền thống hiếu học cho thế hệ trẻ.
Tiếp tục di chuyển theo quốc lộ 37, du khách sẽ đến với TP Chí Linh. Đây là vùng văn hoá - tâm linh trọng yếu của cả nước, với hệ thống di tích đậm đặc, gắn liền với nhiều danh nhân nổi tiếng của đất nước đã sinh ra, hội tụ và toả sáng ở vùng đất này. Hằng năm nơi đây thu hút du khách muôn phương tìm về tham quan, khám phá.
Gắn liền với nho học không thể không nhắc đến đền thờ Chu Văn An. Đây là nơi phụng thờ người thầy giáo với tấm gương mẫu mực về tâm đức sáng ngời.
Chu Văn An, tên chữ là Linh Triệt, hiệu là Tiều Ẩn, quê ở thôn Văn, xã Quang Liệt, huyện Thanh Đàm (nay thuộc xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Ông đã từng đỗ Thái học sinh nhưng không ra làm quan mà mở trường dạy học. Ông được vua Trần mời làm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, dạy cho các Thái tử và phò giúp nhà vua. Đến thời Trần Dụ Tông, triều đình rối ren, Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” nhưng bất thành. Ông cáo quan về núi Phượng Hoàng Chí Linh ở ẩn, dạy học, viết sách, tìm thuốc chữa bệnh cho dân tới khi mất.
Hiện nay, khu di tích Phượng Hoàng gồm 3 khu chính là đền thờ, lăng mộ thầy Chu Văn An và điện Lưu Quang, nơi thầy Chu Văn An dạy học trước kia. Tên tuổi thầy Chu Văn An đã đi vào lịch sử dân tộc như một bậc nho học tiêu biểu của nước Việt, một tấm gương sáng về đạo làm người.
Ông Phan Văn Đức, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích TP Chí Linh cho biết với phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ và khí thiêng sông núi, đền thờ Chu Văn An không chỉ là nơi giáo dục truyền thống “tôn sư trọng đạo” mà còn trở thành điểm tham quan hấp dẫn du khách cả nước. Hằng năm, nơi đây thu hút hàng vạn học sinh, giáo viên về tham quan, chiêm bái, cầu bình an và thành đạt.
Cách đó 2 km là đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ. Bà còn có tên khác là Nguyễn Ngọc Toàn, hiệu là Diệu Huyền, tên vua ban là Tinh Phi (tức Sao sa). Bà sinh vào cuối thế kỷ XVI, tại tổng Kiệt Đặc, huyện Chí Linh (nay là phường Văn An, TP Chí Linh). Ngoài 80 tuổi, bà xin về quê hương để sống những tháng ngày thanh đạm và mất tại đây.
Ngược về quá khứ, vào cuối thế kỷ XVI, bà Nguyễn Thị Duệ đã vượt qua tư tưởng phong kiến, giả làm trai đi thi và đã đỗ đầu, trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên của Việt Nam.
Ngày nay, đền thờ và lăng mộ bà Nguyễn Thị Duệ là một công trình kiến trúc rất nổi tiếng, là một trong 8 di tích thuộc "Chí Linh Bát Cổ", đã được khôi phục, bảo vệ tốt, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân tri ân, tôn thờ.
Sản phẩm du lịch đặc thù
Đề án "Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050" đã xác định sản phẩm du lịch "Con đường khoa cử Việt" gồm 5 di tích trên là sản phẩm du lịch đặc thù để định hướng phát triển.
Những năm qua, các di tích này đã được quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất cũng như cảnh quan khá đồng bộ. Nhiều di tích đã bước đầu có những hoạt động trải nghiệm hấp dẫn du khách. Ở Mộ Trạch có tổ chức tư vấn trước mùa thi, đón các đoàn học sinh và giáo viên đến học tập ngoại khoá vào dịp hè. Tại Văn miếu Mao Điền cũng có mô hình lều chõng xưa; tổ chức thi Rung chuông vàng, hái hoa dân chủ tìm hiểu về di tích, danh nhân. Ở đền thờ Chu Văn An cũng có mô hình lều chõng xưa, thực hành trường thi; tổ chức lễ báo công cho các đoàn, xin chữ, xin khước...
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đặc thù này chưa được quan tâm khai thác hiệu quả để phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có. Việc khai thác du lịch tại các di tích chưa có sự kết nối giữa các địa phương và các Ban Quản lý di tích cũng như các doanh nghiệp lữ hành. Công tác quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế, các hoạt động, sản phẩm... còn đơn điệu, mới chỉ dừng lại ở hoạt động tham quan, dâng hương thuần tuý.
Nếu chỉ đến dâng hương, nghe thuyết minh về di tích sẽ không gây được nhiều ấn tượng cho du khách, khó hình thành được sản phẩm du lịch hấp dẫn. Khi các điểm chưa có sự kết nối, chưa có các dịch vụ bổ trợ cấu thành sản phẩm thì chưa thể tạo ra được sản phẩm du lịch khép kín.
Đơn cử như Văn miếu Mao Điền hay đền thờ Chu Văn An cần tạo ra mô hình lều chõng, trường thi xưa với đầy đủ các thiết chế. Bố trí khu vực để bàn ghế có bút lông, nghiên mực hay quần áo của sĩ tử, tiến sĩ để du khách viết chữ, mặc quần áo, sau đó ghi hình, chụp ảnh thì sẽ rất hấp dẫn và để lại ấn tượng cho du khách.
Bà Lê Thị Thoa, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích huyện Cẩm Giàng cho rằng môn giáo dục địa phương trong các trường đang là một lợi thế để khai thác sản phẩm du lịch này. Ngành giáo dục, các trường nên vào cuộc phối hợp, hỗ trợ để phổ biến sản phẩm du lịch "Con đường khoa cử Việt" rộng rãi tới giáo viên, học sinh và phụ huynh. Trước tiên cần có giải pháp để thu hút du khách là học sinh thông qua các chương trình ngoại khoá.
Đồng quan điểm, ông Phan Văn Đức cho rằng hiện nay Hải Dương chưa phát huy tốt giá trị của các di tích nho học. Các cấp, ngành cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, vai trò của ngành văn hoá, thể thao và du lịch, ngành giáo dục rất quan trọng để kết nối đưa giáo dục di sản vào trường học. Ngành văn hoá, thể thao và du lịch phải là cầu nối kết nối giữa các doanh nghiệp lữ hành và các điểm du lịch tạo thành một hệ thống. Nhà nước quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, nhất là các hoạt động trải nghiệm để hấp dẫn du khách.
Ông Vũ Đình Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết: "Nói đến con đường khoa cử Việt là chúng ta đang xác định một sản phẩm du lịch đặc thù tiêu biểu, đặc trưng mà ở các tỉnh, thành phố khác khó có được. Đây là tiềm năng lớn để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù tạo thương hiệu điểm đến".
Tuy nhiên, để từng bước hiện thực hoá sản phẩm này cần phải có giải pháp đồng bộ. Trước hết, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc, chỉ đạo một cách xuyên suốt; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến về sản phẩm du lịch đã định hướng xây dựng. Tăng cường kết nối với các doanh nghiệp lữ hành, từ đó tạo ra hệ thống liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp để xây dựng các sản phẩm, tour, tuyến phù hợp. Các địa phương có sản phẩm du lịch này cần tích cực, chủ động trong công tác quy hoạch; chỉ đạo các cơ quan liên quan, trong đó nòng cốt là các Ban Quản lý di tích xây dựng các gói sản phẩm thu hút du khách. Tích cực đổi mới, nghiên cứu các loại hình sản phẩm cho phù hợp với từng đối tượng khách.
Được biết thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hiệp hội du lịch và doanh nghiệp lữ hành xây dựng các tour, tuyến, chương trình du lịch phù hợp cho từng đối tượng, đơn vị. Trong đó chú trọng tạo ra sự liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, từ đó thu hút khách nhằm phát huy giá trị của các di tích cũng như mang lại nguồn thu cho địa phương.
Nội dung: THẾ ANH - THÀNH CHUNG
Đồ họa: TUẤN ANH