Hội nghị thượng đỉnh EU - Ukraine sẽ gửi '‘tín hiệu mạnh mẽ'' tới Nga?

Tin tức - Ngày đăng : 10:21, 02/02/2023

Quan chức cấp cao của Ukraine tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) - Ukraine diễn ra tại Kiev vào ngày 3.2 tới sẽ gửi “tín hiệu mạnh mẽ” tới Moskva và toàn thế giới.

Chú thích ảnh

Cờ Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine phấp phới bên ngoài tòa nhà Nghị viện EU ở Brussels, Bỉ hồi tháng 2.2022. Ảnh: Reuters

“Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU sẽ được tổ chức tại Kiev vào ngày 3/2. Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Kiev sẽ gửi tín hiệu mạnh mẽ với các đối tác và Nga”, hãng thông tấn AFP dẫn lời Thủ tướng Denys Shmygal phát biểu tại một cuộc họp của Chính phủ hôm 1.2. Ông Shmygal gọi sự kiện này là “vô cùng quan trọng” đối với nỗ lực gia nhập EU của Kiev.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU sẽ tập trung vào tiến trình đàm phán gia nhập EU sau khi Kiev thực hiện tất cả các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC).

Ông Kuleba lưu ý Kiev đang chuẩn bị trình bày kết quả thực hiện toàn bộ 7 khuyến nghị của EC tại Hội nghị thượng đỉnh Ukraine - EU và mong muốn khối này đánh giá tích cực những nỗ lực của Ukraine.

“Chủ đề chính trong chương trình nghị sự sẽ là triển vọng bắt đầu quá trình đàm phán gia nhập EU sớm nhất có thể, sau khi Ukraine đáp ứng được tất cả các khuyến nghị của EC và nhận được đánh giá tích cực”, ông Kuleba chia sẻ.

Ngoại trưởng Kuleba cho hay Ukraine tin tưởng vào tiến bộ đáng kể trong quá trình tiếp cận thị trường nội khối của EU và hợp tác năng lượng. Bên cạnh đó, tình hình an ninh, công tác triển khai Công thức Hòa bình của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và vấn đề tái thiết sau chiến tranh cũng sẽ được xem xét.

Cũng theo Ngoại trưởng Ukraine, tại sự kiện này, các bên dự kiến sẽ ký kết một số văn kiện và ra tuyên bố chung sau hội nghị.

Theo Thủ tướng Ukraine Shmygal, một sự kiện quan trọng khác cũng sẽ được tổ chức vào ngày 2.2, khi các cuộc tham vấn giữa Chính phủ Ukraine và Ủy ban châu Âu sẽ diễn ra “lần đầu tiên trong lịch sử ”.

Tuy nhiên, Ukraine chưa cung cấp thông tin chi tiết về thành phần tham dự hội nghị về phía EU. Trước đó, hôm 3/1, Người phát ngôn của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho hay bà Ursula von der Leyen sẽ đại diện khối tham gia hội nghị và không có lãnh đạo của các nước EU.

Hồi tháng 6 năm ngoái, lãnh đạo các nước EU đã chính thức cấp quy chế ứng cử viên gia nhập EU cho Ukraine nhằm thể hiện sự ủng hộ dành cho Kiev giữa lúc chiến sự căng thẳng.

Chú thích ảnh

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev hôm 8/4. Ảnh: Reuters

Theo giới chuyên gia, Hội nghị thượng đỉnh EU – Ukraine nhằm gửi thông điệp đoàn kết, đồng thời khuyến khích Kiev tiếp tục các nỗ lực cần thiết để đạt được mục tiêu trở thành thành viên EU. Hội nghị diễn ra gần một năm sau khi Nga tiến hành tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, trong bối cảnh chiến sự đang leo thang căng thẳng cùng những cuộc thảo luận gay gắt về việc viện trợ các vũ khí hiện đại hơn cho Kiev.

Ukraine đang hy vọng nhận tới 140 chiếc xe tăng hiện đại từ các đồng minh phương Tây, khi các lực lượng Nga tuyên bố kiểm soát một số khu vực mới gần điểm nóng tiền tuyến Bakhmut.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết hàng chục quốc gia cũng đã cam kết cung cấp hơn 100 xe tăng sau khi Đức và Washington chấp thuận chuyển giao vào tuần trước.

“Đã có Leopard 2, Challenger 2, M1 Abrams,” Ngoại trưởng Kuleba nói thêm, song không nêu rõ thời gian chuyển giao các lô vũ khí này.

Quyết định cung cấp vũ khí được đưa ra sau nhiều tuần tranh cãi và được coi là bước đột phá của phương Tây trong nỗ lực ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến giành lại các vùng lãnh thổ từ lực lượng Nga. Giờ đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang kêu gọi phương Tây cung cấp máy bay chiến đấu và tên lửa tầm xa.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 31/1 cho biết ông sẽ thảo luận về các đề xuất mới về vũ khí tiên tiến với người đồng cấp Zelensky.

“Chúng tôi sẽ thảo luận về vấn đề này”, ông Biden nói với các phóng viên. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông chủ Nhà Trắng tuyên bố từ chối gửi máy bay chiến đấu F-16 đến Ukraine.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Sebastien Lecornu tuyên bố rằng nước ông sẽ gửi thêm 12 khẩu lựu pháo tầm xa gắn trên xe tải Caesar tới Ukraine. Cùng với các khẩu pháo di động khác do phương Tây cung cấp, vào năm ngoái, Caesar được cho đã hỗ trợ các lực lượng Ukraine tấn công các mục tiêu nằm sâu phía sau phòng tuyến của Nga, làm suy yếu cuộc tấn công của Moskva.

Song bất chấp việc phương Tây ồ ạt chuyển giao vũ khí cho Kiev, Nga gần đây đã tuyên bố giành được nhiều thắng lợi quan trọng ở khu vực Donetsk, phía Đông Ukraine.

Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đã kiểm soát làng Blagodatne ở phía Bắc Bakhmut. Blagodatne nằm trên đường cao tốc dẫn tới Bakhmut. Tuyên bố kiểm soát khu vực này diễn ra không lâu sau khi Ukraine thừa nhận họ đã từ bỏ thị trấn khai thác muối Soledar gần đó.

Theo Báo Tin tức