Hiên ngang Nhà giàn DK-I: Bài 3 - Lặng thầm quân y nhà giàn

Chính trị - Ngày đăng : 16:20, 02/02/2023

Lính nhà giàn đã đặc thù thì quân y nhà giàn lại càng đặc biệt hơn. Giữa bạt ngàn sóng gió, công việc vốn áp lực thêm nặng nề hơn nhưng những y sĩ nhà giàn vẫn lặng thầm cống hiến, nỗ lực bảo vệ sức khoẻ cho đồng đội và ngư dân.



Trung uý Hoàng Văn Tài thăm khám sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK-I

Khác biệt

Hơn 3 tháng được tăng cường ra Nhà giàn DK-I/10 thực hiện nhiệm vụ quân y, trung uý Hoàng Văn Tài (quê ở Hà Tĩnh) thấy rõ sự khác biệt giữa công việc đang đảm nhiệm tại đây so với trong đất liền. Anh Tài cho biết do các nhà giàn nằm cách biệt, xa đất liền nên không quá lo ngại các bệnh truyền nhiễm. Cán bộ, chiến sĩ ra nhà giàn đều có sức khoẻ, thể lực tốt, các bệnh lý mắc phải cũng chữa đơn giản, dễ dàng hơn. Song đi cùng lợi thế là ngổn ngang những khó khăn, đòi hỏi y sĩ nhà giàn phải bản lĩnh, nhạy bén để xử lý tình huống nhanh, kịp thời. Mỗi nhà giàn chỉ biên chế một y sĩ trong khi công việc này muốn nâng cao tay nghề cần có sự học hỏi, trao đổi chuyên môn thường xuyên. 

Hiện thông tin liên lạc từ nhà giàn về đất liền đã thuận hơn nhưng mới chỉ là những cuộc gọi thông thường, hầu hết các nhà giàn chưa gọi được video. Còn chuyên môn y khoa đòi hỏi độ chính xác cao bằng hình ảnh, miêu tả qua giọng nói cũng chỉ mang tính tương đối. Việc tiếp vận thuốc, vật tư y tế đầy đủ hơn trước, tuy nhiên chủ yếu phục vụ các bệnh thông thường. 

Lần đầu công tác tại Nhà giàn DK-I/2, trung uý, y sĩ Phạm Văn Vũ (quê ở huyện Thanh Hà) vừa lo lắng, vừa áp lực. Ngoài nhiệm vụ bảo đảm sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ nhà giàn, anh Vũ còn phải hỗ trợ y tế cho các ngư dân đánh bắt cá quanh khu vực nhà giàn quản lý. Theo anh Vũ, áp lực khi làm quân y nhà giàn không phải vì công việc quá vất vả, nhọc nhằn mà là lo không thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Sức khoẻ của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn DK-I/2 đều trông mong vào năng lực chuyên môn của anh Vũ. Không những vậy anh còn là chỗ dựa cho ngư dân khi xảy ra sự cố về y tế. Khi nhà giàn thực hiện trợ giúp, đưa ngư dân lên nhà giàn tránh sóng to, gió lớn hay thăm khám bệnh, anh Vũ phải bảo đảm không để bệnh truyền nhiễm phát sinh. “Nhiệm vụ quân y thường xuyên tại nhà giàn cơ bản giống trong đất liền song khi có tình huống y tế khẩn cấp thì y sĩ phải quyết đoán, bản lĩnh, không được phép thụ động. Dịch Covid-19 bùng phát vừa qua là ví dụ, nếu y sĩ không chủ động các biện pháp phòng chống thì sẽ gây ra hậu quả khó lường”, anh Vũ bày tỏ.

Âm thầm cống hiến

Gần 30 năm làm nhiệm vụ quân y trên các Nhà giàn DK-I, trung tá Phạm Văn Hướng (quê ở thị xã Kinh Môn) nếm trải hết những nhọc nhằn song đầy vẻ vang của y sĩ nhà giàn. Gắn bó với các nhà giàn từ những ngày đầu mới xây dựng, ông Hướng thấy tự hào và yên lòng hơn khi cơ sở vật chất tại đây ngày càng được đầu tư, nhất là các điều kiện về y tế. Thời kỳ đầu, mọi thứ đều hạn chế, thiếu thốn, việc bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, làm việc của lính nhà giàn còn khó khăn chứ không nói đến vấn đề y tế. Nhưng càng khó nhọc thì y sĩ nhà giàn càng cố gắng không ngừng. 

Trong quá trình làm quân y nhà giàn, ông Hướng không nhớ được đã từng thăm khám, sơ cứu, cấp cứu cho bao nhiêu cán bộ, chiến sĩ, ngư dân song ông không thể nào quên được sự cố y tế vào năm 1996. Khi ấy, một chiến sĩ nhà giàn bị bỏng toàn thân trong khi làm nhiệm vụ. Vào thời điểm đó, việc xử lý vết thương hở vô cùng khó khăn vì dụng cụ, vật tư thiếu thốn, nếu không cẩn thận thì nguy cơ nhiễm trùng khó tránh khỏi. Thấy đồng đội nguy hiểm cận kề, ông sốt ruột, không đợi chỉ đạo từ trên mà dốc lòng cứu chữa bằng hết khả năng. Nhờ sự tận tâm của ông Hướng mà người chiến sĩ này được cứu sống.

“Về nguyên tắc, trước mọi tình huống chúng tôi đều phải báo cáo và làm theo lệnh của cấp trên. Song có nhiều trường hợp nếu chờ đợi chỉ đạo sẽ chậm trễ, bỏ lỡ thời cơ cứu chữa bệnh nhân. Chúng tôi là người lính và cũng là lương y. Lương tâm không cho phép chúng tôi chần chừ khi có cơ hội. Vậy nên những quân y nhà giàn luôn phải đấu tranh tâm lý giữa mệnh lệnh và đạo đức nghề nghiệp”, ông Hướng trải lòng.

Làm việc ở nơi đặc biệt, luôn canh cánh nỗi nhớ quê hương, đất liền song trung úy Vũ chưa khi nào ngại khó, ngại khổ. Anh luôn tự học hỏi, nghiên cứu và  trau dồi chuyên môn qua sự hỗ trợ từ xa của đồng đội trong đất liền. Thời gian rảnh rỗi, anh còn tham gia thực hiện nhiệm vụ tăng gia sản xuất, san sẻ công việc với chiến sĩ khác. “Có ra nhà giàn mới thấy được chiến sĩ của ta quật cường đến nhường nào. Vì vậy, tôi không cho phép bản thân chùn bước, nản lòng. Tôi tự hứa sẽ nỗ lực hết sức để cống hiến cùng đồng chí, đồng đội giữ vững chủ quyền trên thềm lục địa phía nam của Tổ quốc”, anh Vũ cho biết.

Quân y nhà giàn có trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ cho cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng và ngư dân. Mỗi nhà giàn chỉ có một y sĩ nhưng họ không đơn độc mà âm thầm cống hiến nơi tuyến đầu bởi bên cạnh có đồng chí, đồng đội và phía sau có hậu phương dõi theo. 

NGUYỄN MƠ

Kỳ sau: Điểm tựa hậu phương