EU - Ukraine tổ chức hội nghị lịch sử và con đường gập ghềnh phía trước

Tin tức - Ngày đăng : 21:04, 04/02/2023

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 24 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine tại Kiev ngày 3.2 được hai bên đánh giá mang tính “lịch sử” và thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ của EU đối với Ukraine.

Chú thích ảnh

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (phải), Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) tại cuộc họp báo chung ở Kiev, Ukraine, ngày 3.2.2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, EU tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở một quốc gia đang có chiến tranh. Phái đoàn đông đảo các quan chức EU, gồm Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen cùng 15 uỷ viên EU đã có mặt tại Kiev để gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng nội các Ukraine. Sự kiện diễn ra đúng thời điểm đánh dấu gần một năm nổ ra cuộc xung đột tại Ukraine. Theo trình tự luân phiên, hội nghị lần này lẽ ra được tổ chức ở Brussels, nhưng EU đã quyết định chọn Kiev như một hành động mang tính biểu tượng, thể hiện cam kết ủng hộ Ukraine đồng thời gửi thông điệp cứng rắn tới Nga.

Sau hội nghị, EU và Ukraine đã ra tuyên bố chung 32 điểm đề cập 5 chủ đề, trong đó nổi bật là tiến trình Kiev gia nhập EU và phản ứng về cuộc xung đột Nga-Ukraine. Tuyên bố chung đề cập tới cách thức hỗ trợ Ukraine nhiều hơn nữa, như EU khẳng định là sẽ hỗ trợ Ukraine “trong thời gian lâu nhất có thể”, và tăng cường áp lực tập thể nhằm vào Nga, cũng là cách để thể hiện đoàn kết với Ukraine. EU tuyên bố sẽ tiếp tục củng cố và mở rộng các biện pháp trừng phạt chống lại Moskva sau khi đã áp đặt 9 gói trừng phạt kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ngày 24.2.2022.

Phát biểu tại Kiev ngày 2.2, bà von der Leyen khẳng định gói trừng phạt thứ mười chống lại Nga sẽ có hiệu lực trước ngày 24.2, đúng một năm nổ ra sự kiện. Bên cạnh đó, EU cam kết tiếp tục viện trợ quân sự, tài chính cho Ukraine, bao gồm khoản bổ sung 3,6 tỷ euro và huấn luyện 30.000 binh sĩ Ukraine trong năm 2023. Cho tới nay, EU đã viện trợ cho Ukraine gần 60 tỷ euro, trong đó có gần 12 tỷ euro viện trợ quân sự .

Liên quan vấn đề quan trọng hàng đầu đối với Ukraine, Thỏa thuận Liên kết và quá trình gia nhập liên minh, EU tiếp tục đưa ra “cam kết hỗ trợ Ukraine hội nhập châu Âu hơn nữa”, song nhấn mạnh sẽ quyết định các bước tiếp theo sau khi mọi yêu cầu được đáp ứng đầy đủ. EU “hoan nghênh” những “nỗ lực” và “tiến bộ” nhưng cũng hối thúc Kiev tiếp tục cải cách toàn diện, từ chống tham nhũng cho tới hệ thống tư pháp, để “tiến tới tư cách thành viên EU trong tương lai”.

Phát biểu họp báo chung với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sau hội nghị, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định: “Không có khung thời gian cứng nhắc, nhưng có những mục tiêu mà các bạn phải đạt được”. Cựu quan chức cấp cao Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), quan chức phụ trách chính sách tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, ông Camille Grand nhận định: "Cuộc tranh luận có thể sẽ tiếp tục vì một số quốc gia không muốn trao tư cách thành viên nếu thiếu những cải cách kinh tế quan trọng”

Trang Euronews cho rằng kết quả này đã không đáp ứng yêu cầu của Ukraine về tiến trình kết nạp nhanh chóng, vốn được Kiev kỳ vọng chỉ kéo dài khoảng 2 năm.

Một số nhà phân tích cho rằng sự kiện mà phương Tây gọi là “lịch sử” diễn ra giống như “màn trình diễn chính trị”, có thể dập tắt hy vọng của Ukraine về việc nhanh chóng gia nhập EU. Theo đó, hội nghị này chỉ phơi bày sự khác biệt sâu sắc giữa các quốc gia thành viên EU và tình thế "tiến thoái lưỡng nan" mà châu Âu tự đặt ra giữa việc duy trì "sự đúng đắn về chính trị" và lợi ích phát triển của chính mình. Đã có những dấu hiệu rằng EU đang bị động và đang mang một gánh nặng gần như quá sức chịu đựng, bao gồm suy thoái kinh tế, khủng hoảng năng lượng, đình công quy mô lớn và các vấn đề sinh kế.

Tờ Washington Post cũng chỉ ra “khoảng cách giữa niềm hy vọng của Ukraine và khả năng của EU”. Tờ báo dẫn lời chuyên gia Eoin Drea tại Trung tâm Nghiên cứu châu Âu Wilfried Martens đánh giá hội nghị ở Kiev chỉ có ý nghĩa về mặt chính trị nhằm thể hiện rằng EU vẫn còn phù hợp và sẽ trở thành “người phán xử” chủ chốt đối với tương lai của Ukraine. Theo chuyên gia này, EU không có khả năng về mặt quân sự và chỉ có thể hành động về chính trị và kinh tế. Tờ Washington Post cũng mô tả tình cảnh kinh tế không mấy khả quan của Ukraine khi cho biết, nếu được kết nạp, nước này sẽ trở thành quốc gia nghèo nhất trong EU ngay cả với mức Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người trước chiến tranh. Trong khi đó, cuộc chiến kéo dài một năm qua đã khiến quy mô nền kinh tế Ukraine thu hẹp khoảng 30%.

Chuyên gia Nga Vladimir Kornilov viết trên trang Ria Novosti rằng Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã khiến châu Âu lo ngại với kế hoạch gia nhập EU trong vòng 2 năm khi ông đề cập nội dung này tại cuộc trả lời phỏng vấn tờ Politico ít ngày trước hội nghị ở Kiev. Truyền thông và các chính trị gia châu Âu đã ngay lập tức “dội gáo nước lạnh” vào tham vọng của Kiev với những dẫn chứng về quá trình gia nhập kéo dài 10 năm của Croatia - quốc gia mới nhất được kết nạp vào EU (2013), hay tiến trình đàm phán chưa có hồi kết đã kéo dài gần 2 thập niên của Thổ Nhĩ Kỳ (nộp đơn xin gia nhập từ năm 1987, được trao quy chế ứng cử viên từ năm 1999 và bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập từ năm 2005).

Chuyên gia Ian Lesser tại Quỹ Marshall của Đức nhận định EU có lý do để giữ vững các cam kết ủng hộ Kiev, nhưng cuộc xung đột hiện nay đang gây ra những hậu quả lâu dài, ảnh hưởng tới bối cảnh địa chính trị của Ukraine trong nhiều năm tới. Tiếng còi báo động phòng không vang lên ở thủ đô Kiev trong ngày diễn ra hội nghị báo hiệu lộ trình thực hiện các cam kết không mấy suôn sẻ cho tất cả các bên.

Theo TTXVN