"Thầy ơi... cho con một quẻ bói"

Pháp luật - Ngày đăng : 10:30, 05/02/2023

Đầu xuân được coi là “mùa làm ăn” của những người hành nghề mê tín dị đoan như xem bói, rút quẻ, gieo quẻ, bói bài...


Thầy L. ở khu vực đền Tranh (Ninh Giang) xem bói cho một du khách

Những hoạt động này bị pháp luật cấm nhưng vẫn diễn ra khá phổ biến tại nhiều nơi, nhất là ở các di tích lịch sử văn hoá, danh lam thắng cảnh.

Từ lén lút đến công khai

Đền Tranh ở xã Đồng Tâm (Ninh Giang) những ngày đầu xuân Quý Mão 2023 nườm nượp người từ nhiều nơi về tham quan, chiêm bái. Do bị lực lượng chức năng địa phương nghiêm cấm nên ở đây không còn người dân ra tận bãi xe, cổng đền mời chào du khách xem tướng số như những năm trước. Thay vào đó, các “thầy bói” hoạt động lén lút.

Trong vai người đi dâng hương đầu năm, tôi và một người bạn ghé vào khu vực hàng quán bên phía tay trái cổng đền Tranh. Một phụ nữ chừng 40 tuổi đon đả ra mời chúng tôi viết sớ, sắp lễ. “Ở đây có ai xem bói không chị?”, bạn tôi hỏi. Người phụ nữ nhìn chúng tôi một cách thăm dò rồi dẫn chúng tôi vào phía trong một quán bán đồ thờ cúng và cất lời: “Bà L. ơi, có khách này”.

Một cụ bà chừng 70-75 tuổi đeo kính đen bước ra giới thiệu tên là “thầy” L. Bạn tôi ngồi xuống ghế theo chỉ dẫn, đưa bàn tay ra cho "thầy" ngắm nghía. Vừa xem bói, "thầy" vừa khoe mình được “thánh cho ăn lộc” từ nhiều năm nay. Chỉ cần nhìn vào bàn tay, khuôn mặt là đoán được mọi thứ của người xem từ mồ mả, nhà cửa, sức khoẻ tới công danh, tình duyên. Sau khi rời nhà "thầy" L., bạn tôi bảo: “Thầy nói nhiều cái nghe rất buồn cười, không đúng. Chẳng đâu vào đâu mà tự nhiên mất toi một trăm nghìn”.


Đám đông quây quanh một “thầy bói” để xem tướng số tại đền Đoan (Ninh Giang)

Cách đền Tranh không xa, một cơ sở thờ tự (có tên đền Đoan) có một số thầy bói hoạt động công khai. Tôi đếm nhanh cũng có khoảng 3-4 bàn ghi “bàn viết sớ” nhưng thực chất là xem tướng số bằng cách nhìn vào bàn tay, mặt hoặc bói bài. Một nhóm thanh niên đứng vây kín một “thầy bói” mặc áo nâu. Không biết có qua trường lớp đào tạo nào không mà thầy cứ nhìn vào lá bài của người bốc mà nói như... trong sách. Sau khi xem, mỗi khách trả cho thầy một số tiền “tuỳ tâm” nhưng ít cũng vài chục nghìn đồng. Một bạn nữ giấu tên bước ra khỏi đám đông với tâm trạng phấn khởi: “Thầy bảo năm Quý Mão này em được nhiều lộc lá lắm. Mà em mới học năm thứ 3 đại học thì không biết được lộc gì nhỉ?”. Một người đàn ông đứng cạnh nói xen: “Chẳng ra đâu vào đâu, chỉ là nhảm nhí, ăn tiền. Mà không hiểu sao giờ nhiều người trẻ lại tin vào cái trò này thế cơ chứ”.

Tới một số di tích khác trong tỉnh như đền Sượt (TP Hải Dương), đền Bia (Cẩm Giàng)… chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh người dân gieo quẻ đầu năm và nhờ các “thầy” ngồi ngoài sân hoặc phía trong đền “giải” quẻ.

Không ít người còn xem tử vi, tướng số qua điện thoại. Thầy bói, thầy cúng rộng đất làm ăn cũng là do một bộ phận người dân, trong đó có cả đảng viên, công chức, viên chức còn mê muội, tin vào những lời bói toán không có căn cứ. Có người như con thiêu thân, sẵn sàng bỏ ra số tiền không nhỏ cho sự mê muội ấy. Anh N.H.T. ở Thanh Miện vừa lên tận Phú Thọ để xem bói. “Năm nào vợ chồng tôi cũng theo thầy này vì thầy nói nhiều thứ đúng. Năm nay, thầy bảo nhà tôi phải cầu cúng nhiều thì lộc mới phát nên bảo tôi đưa 30 triệu cho thầy để sắp tới làm mấy khoá lễ. Nhà tôi chưa ăn thua, có người theo thầy còn bỏ ra cả trăm triệu để lập đàn, mua sắm nhiều thứ cúng bái ở nhà, mồ mả”, anh T. cho biết.

Kiểm tra, xử lý thì chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết


Người dân nhờ “thầy” giải quẻ ở đền Bia (Cẩm Giàng)

Hành nghề mê tín, dị đoan bị pháp luật nghiêm cấm. Người vi phạm tuỳ theo tính chất, mức độ có thể bị phạt tiền, thậm chí ngồi tù theo điều 320 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, việc kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những người hành nghề này dường như chưa được chính quyền các địa phương quan tâm đúng mức. 

Tại những nơi hoạt động này còn diễn ra phổ biến, phóng viên thăm dò thì được biết chính quyền và Ban Quản lý di tích có tuyên truyền, nhắc nhở, yêu cầu người dân ký cam kết không hành nghề mê tín, dị đoan nhưng việc kiểm tra, xử lý thì chưa thường xuyên, thiếu kiên quyết, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. 

Tiến sĩ Lê Duy Mạnh, Phó Trưởng Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc cho biết trước đây, vào lễ hội mùa xuân có tình trạng một số hàng quán ở di tích Côn Sơn đề biển viết sớ nhưng thực tế là biến tướng xem bói. Bây giờ không còn trường hợp nào hoạt động mê tín dị đoan tại đây. “Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương quy hoạch tất cả những người viết sớ về một khu vực nhưng không cho vượt quá 10 người. Ngay cạnh khu vực viết sớ có một chốt an ninh thường xuyên đi lại, nhắc nhở. Ai vi phạm sẽ bị xử lý, không cho kinh doanh trong khu di tích”, tiến sĩ Mạnh cho hay.

Nhà nước tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân. Song những hoạt động mê tín dị đoan thì nhất thiết phải bài trừ vì nó gây nên những tác hại nhiều mặt trong đời sống xã hội. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao dân trí thì các cấp, ngành cần có những giải pháp và hành động mạnh mẽ hơn nhằm bài trừ mê tín dị đoan, góp phần xây dựng lối sống lành mạnh.

MỸ ANH