Kinh doanh sự mê tín
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:00, 07/02/2023
Dự thảo quy chế đề xuất các nội dung quản lý về tiền công đức trong đó có quy định luân chuyển thủ từ, tức là chức việc này sẽ được luân phiên trong những người được bầu ra từ cộng đồng địa phương. Thủ từ đương nhiệm cực lực phản đối quy định luân chuyển, viện dẫn những đóng góp to lớn hàng chục năm để xây dựng nên cơ ngơi đồ sộ đó.
Khi tôi đến khảo sát thực địa, sau một hồi chuông báo hiệu, hàng trăm người ùa đến vây kín tôi và các cán bộ đi cùng. Có người la ó, có người xô đẩy, thể hiện sự phản đối và căm ghét. Sự phản đối trực tiếp hay dàn dựng đó đều xuất phát từ vấn đề chính - tiền. Nguồn thu của cơ sở tâm linh đó - nhỏ là tiền lẻ cho vào hòm công đức, lớn là các khoản đóng góp cho những công trình trong khuôn viên - ai cũng biết là rất lớn, dù số liệu cụ thể không được công khai.
Ảnh minh họa
Một người bạn tôi kể, anh được thủ từ mời tài trợ xây dựng một công trình và khi nghe đến số tiền thì với kinh nghiệm của một doanh nhân lão luyện, anh biết ngay nó đã được "thổi" lên nhiều lần. Ở một cơ sở tâm linh lớn khác, quy chế luân chuyển được áp dụng nghiêm túc nên có cán bộ xã xin nghỉ việc để làm thủ từ, vì có thể đổi đời chỉ sau một nhiệm kỳ.
Để thu hút người đến cúng lễ, có cơ sở không ngần ngại "sáng tác" ra các huyền thoại, nghi thức lạ, thêu dệt ra sự linh thiêng, ứng nghiệm. Không hiểu từ bao giờ ở một ngôi đền có hướng dẫn những người cầu thăng tiến phải "vào luồn ra cúi" tức là bò qua gầm bàn thờ thánh. Không ít người thực hành nghi lễ này một cách thành kính.
Đó là câu chuyện của tám năm trước. Đến nay, nhiều cơ sở tâm linh đã vận hành như những doanh nghiệp với đủ kỹ thuật marketing, chăm sóc khách hàng bằng các gói dịch vụ, combo khuyến mại hấp dẫn để thu được tiền của người đi lễ. Về quy mô, có tổ hợp tâm linh xây dựng trên diện tích hàng chục hecta trong khuôn viên quy hoạch hàng nghìn hecta. Kinh phí xây dựng khổng lồ và nếu đó là những khoản đầu tư thì chắc chắn phải có các tính toán về dòng tiền, điểm hoà vốn và biên lợi nhuận.
Lâu nay việc quản lý tiền công đức ở các cơ sở tín ngưỡng về lý thuyết là đều có quy định, quy chế, nhưng thực ra rất lỏng lẻo vì người ta sợ động chạm đến chốn tâm linh. Không ít quan chức vẫn công khai sùng tín, vô hình trung quảng bá, khuyến khích việc cúng lễ.
Câu thành ngữ "Đất vua, chùa làng" cho thấy chùa và các cơ sở tâm linh thuộc về cộng đồng làng xã, do cộng đồng duy trì hoạt động. Quyên góp từ cộng đồng là cần thiết cho việc bảo tồn cả cơ sở vật chất lẫn giá trị tinh thần. Nhờ đó, nhiều phong tục, tập quán và giá trị truyền thống tốt đẹp được lưu giữ từ đời này qua đời khác. Việc quản lý tiền công đức ở một số nơi vẫn được cộng đồng địa phương duy trì khá minh bạch. Tuy nhiên, khi nguồn thu từ tiền công đức lớn đến mức đã tạo ra nhiều hệ luỵ xã hội thì việc ra quy định quản lý tiền công đức cũng như các hoạt động tài chính của cơ sở tâm linh là cần thiết. Đại hội lần thứ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cuối tháng 11/2022 đã thông qua các tu chỉnh lần thứ bảy của Hiến chương Phật giáo, bổ sung và làm rõ quy định về tài sản riêng của tăng ni, quản lý tiền công đức và cơ cấu tổ chức và hoạt động của Ban Quản trị tự viện theo nhiệm kỳ. Ngày 19/1, Bộ Tài chính cũng đã ra thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực từ 19/3.
Có cầu ắt có cung, vậy người đi lễ là ai? Có người đi vãn cảnh chốn tâm linh như một nét văn hoá truyền thống ngày xuân. Nhưng số đông đi lễ để cầu xin thánh, thần, Phật ban cho những điều họ khao khát. Mà khao khát, mong muốn của con người rất đa dạng, từ những mong muốn giản dị như sức khoẻ, đến mong muốn cao cả như quốc thái dân an, hoặc khao khát thầm kín và mãnh liệt của những người muốn giàu có và quyền lực hơn nữa. Lý do sâu xa của việc đi lễ, tin vào tâm linh xuất phát từ đặc tính của người Việt.
Trong cuốn "Hệ giá trị Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại và con đường tới tương lai", một công trình khoa học cấp nhà nước đã được nghiệm thu và đánh giá xuất sắc, giáo sư Trần Ngọc Thêm khái quát hoá 23 giá trị Việt Nam truyền thống cốt lõi trong sáu đặc trưng, trong đó đứng đầu là đặc trưng "tính cộng đồng làng xã". Ông cũng chỉ ra 30 thói hư tật xấu là các phi giá trị phái sinh, đứng đầu là thói dựa dẫm, ỷ lại. Đó là dựa dẫm vào thế lực siêu nhiên và dựa dẫm vào may rủi. Vì thế, người ta đi lễ để cầu xin và cầu may. Những giá trị cốt lõi và các thói hư tật xấu nói trên được hình thành từ một nền văn hoá văn minh nông nghiệp đã tồn tại cả nghìn năm.
Thời đại đã thay đổi, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch sang sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Câu cửa miệng của nhiều người từ quan chức tới dân thường là cách mạng công nghiệp 4.0. Nhờ công nghiệp hoá và hiện đại hoá mà kinh tế ngày càng phát triển, thu nhập GDP bình quân đầu người ngày càng gia tăng, hình ảnh Việt Nam đang thay đổi tích cực trong mắt bạn bè thế giới. Nhưng nhiều thói hư tật xấu cũ vẫn không mất đi mà còn trầm trọng thêm, trong đó có mê tín.
Tám năm trước khi bị đám đông bao vây, xô đẩy trong cơ sở tâm linh nọ, tôi không sợ và cũng không tức giận mà chỉ buồn khi thấy họ vì lợi mà có thể manh động. Ngày nay, tôi thất vọng khi thấy vì tiền mà nhiều người lợi dụng cả thánh thần, tạo ra các chia rẽ trong xã hội giữa những người mê tín và người chính tín. Tiền có thể tạo ra thành công cũng như sự huỷ diệt đối với bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tuỳ theo cách ứng xử với nó.
Hy vọng các điều chỉnh, thay đổi gần đây từ cả Nhà nước và Giáo hội sẽ giúp nhiều người thức tỉnh, giảm bớt các hiện tượng xấu xí trong hoạt động tâm linh. Tôi tin thế hệ người Việt trẻ hiểu biết và có khả năng tiếp cận với công nghệ, văn hoá thế giới sẽ phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp, tạo ra các giá trị mới phù hợp với thời đại, góp phần đưa hoạt động tâm linh, tôn giáo về với các giá trị chân chính đã được tôn thờ từ nhiều đời nay.
Theo VnExpress