Nhiều cách hiểu khác nhau về quản lý, xử lý tài sản sau bồi thường

Kinh tế - Ngày đăng : 08:46, 07/02/2023

Trong quá trình thực hiện Luật Đất đai hiện hành còn phát sinh bất cập, vướng mắc trong việc xử lý tài sản của gia đình, cá nhân, đặc biệt đối tượng thu hồi đất là các tổ chức sau khi được Nhà nước bồi thường, thu hồi đất để giải phóng mặt bằng (GPMB).

Cụ thể, hiện nay việc quản lý, xử lý đối với tài sản sau khi được Nhà nước bồi thường trong trường hợp thuộc đối tượng Nhà nước thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành còn chưa có quy định rõ ràng, dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau. Quan điểm thứ nhất là sau khi người có đất bị thu hồi nhận tiền bồi thường thì tài sản đó thuộc quyền quản lý của Nhà nước và cơ quan chức năng phải đứng ra xử lý (phá dỡ, chặt hạ, thu hồi vật liệu…) để tạo mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công dự án. Quan điểm thứ hai là sau khi người dân nhận tiền bồi thường của Nhà nước chi trả thì người dân có trách nhiệm phải tháo dỡ, di chuyển tài sản (tự tháo dỡ nhà cửa, vật kiến trúc, chặt hạ cây cối) để tạo mặt bằng cho Nhà nước thực hiện dự án.

Từ việc có 2 cách hiểu khác nhau nêu trên nên trên thực tế, trong quá trình tổ chức thực hiện việc GPMB, cùng là tài sản của người dân được Nhà nước bồi thường nhưng có tài sản thì Nhà nước đứng ra xử lý, có tài sản thì người dân tự xử lý để tạo mặt bằng sạch. Đối với tài sản do cơ quan Nhà nước xử lý (tài sản công) thì phần kinh phí xử lý vẫn chưa có quy định cụ thể là tính vào vốn đầu tư của dự án hay là chi phí tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường GPMB.

Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung nội dung quy định về nguyên tắc bồi thường đối với tài sản nói chung được quy định tại điều 98. Tuy nhiên, nội dung tại điều 98 chưa quy định rõ nguyên tắc quản lý, xử lý đối với tài sản sau khi được Nhà nước bồi thường. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nội dung quy định về nguyên tắc quản lý, xử lý tài sản sau khi được bồi thường để tạo tính thống nhất và thuận lợi cho cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình tổ chức thực hiện việc bồi thường GPMB. Trong đó cần làm rõ sau khi được Nhà nước bồi thường về tài sản thì tài sản đó thuộc quyền quản lý của Nhà nước hay vẫn là của hộ gia đình, cá nhân. 

 PHẠM NGỌC TIẾN

Phó Giám đốc Ban Giải phóng mặt bằng TP Hải Dương