Hiệu trưởng đại học danh giá thế giới chia sẻ 3 bài học với sinh viên Việt
Giáo dục và đào tạo - Ngày đăng : 05:55, 08/02/2023
Bài học trên được GS Micheal I. Kotlikoff, Hiệu trưởng Đại học Cornell (Mỹ) nhấn mạnh tại buổi chia sẻ cùng các chuyên gia và sinh viên Đại học VinUni về chủ đề “Sáng tạo đổi mới giải quyết các thách thức lớn” hôm 7.2.
VinUni tương đồng Đại học Cornell
Lần đầu tới Việt Nam, GS Micheal I. Kotlikoff ấn tượng với cơ sở vật chất, môi trường học tập ở VinUni. Ông đánh giá, Đại học Cornell và VinUni có nhiều điểm tương đồng về mục tiêu, định hướng phát triển, nghiên cứu khoa học.
Khi mới thành lập, Đại học Cornell là trường tư thục. Trường có mục tiêu khác hoàn toàn những trường đại học tư thục danh tiếng lúc bấy giờ. Thay vì tập trung đào tạo những nhà lãnh đạo trẻ, hút tiền từ giới nhà giàu, trường xác định trở thành mô hình đại học mới, tập trung nghiên cứu gắn liền thực tiễn cuộc sống.
“Ngài Ezra Cornell - người sáng lập của Đại học Cornell, từng là nông dân, sau này trở thành nhà phát minh. Vì lẽ đó, ông có góc nhìn đi trước thời đại, xác định đúng hướng đi khoa học gắn liền cuộc sống, điều đó vẫn đúng từ năm 1856 đến nay - trường nằm trong top 20 cơ sở giáo dục tốt nhất thế giới.
Ngay từ khi ra đời, trường tập trung vào các chương trình khoa học cơ bản, mở rộng sứ mệnh, thúc đẩy khám phá các lĩnh vực Vật lý, Hoá học, Kỹ thuật, Nông nghiệp, Kinh tế…”, GS Micheal I. Kotlikoff nói. Những lĩnh vực, ngành học này khó có thể tìm thấy tại các trường nghiên cứu trong khối Ivy League.
Trường luôn cam kết mang đến các cơ hội bình đẳng trong tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu theo mô hình đại học châu Âu.
Ông Ezra Cornell và Andrew Dixon White (vị tổng thống đầu tiên của Mỹ) từng nhấn mạnh, Đại học Cornell sẽ nhận tất cả sinh viên có năng lực dù xuất thân ở vùng nông thôn, hoàn cảnh khó khăn hay người nước ngoài, người nhập cư, da màu… “bất kỳ ai cũng có thể học hỏi, nghiên cứu tại Cornell”. Một trong những chiến lược phát triển kết nối toàn cầu của Cornell là đón chào các sinh viên quốc tế, tạo môi trường đa văn hoá, đa sắc tộc.
Bài học đổi mới từ Cornell
Tham gia buổi thuyết giảng, nhiều người đặt câu hỏi cho Hiệu trưởng Đại học Cornell về những giải pháp đổi mới, sáng tạo trước các thách thức lớn của nhân loại.
GS Micheal I. Kotlikoff cho rằng, thế giới hiện nay có nhiều thách thức lớn, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn từ nhiều ngành, cũng như sự hỗ trợ từ bên ngoài. Bài học từ Cornell, các trường đại học cần quy tụ nhiều nhóm chuyên gia có tác động mạnh mẽ đến xã hội, cùng nhau thay đổi nhân loại. Ngày nay, các thách thức lớn nhất của chúng ta không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn mang tính xã hội, y khoa, chính sách, biến đổi khí hậu, AI…
Trong bối cảnh hiện này, việc các trường hướng đến đào tạo đa ngành sẽ đem lại ích lợi vô cùng cấp thiết, giải quyết được những thách thức quan trọng nhất của xã hội. Đây cũng chính là hướng đi của Đại học Cornell.
Chia sẻ lời khuyên đến các chuyên gia, sinh viên Việt Nam, GS Micheal I. Kotlikoff nhấn mạnh, điều tiên quyết trong đổi mới, sáng tạo là đam mê. “Chúng ta cần luôn giữ được sự đam mê, ham học hỏi, tò mò. Ngày xưa, mỗi khi thắc mắc một điều gì đó, tôi sẽ viết câu hỏi và dán lên tường. Mỗi lần nhìn thấy câu hỏi đó sẽ thôi thúc tôi tìm ra đáp án. Các bạn sinh viên cũng vậy, đừng đi tìm phương pháp đổi mới, sáng tạo ở đâu đó, hay từ một ai đó, hãy tự tìm trong chính mình. Chính sự đam mê, kiến thức tích luỹ dần qua quá trình nghiên cứu học tập của các em là câu trả lời”.
Vị hiệu trưởng cũng khuyên các trường đại học ở Việt Nam hãy tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên, “càng nhiều càng tốt”. Cho phép sinh viên được nói lên ý tưởng của mình, các trường sẽ đóng vai trò kết nối, định hướng, luôn cung cấp cho sinh viên cơ hội tiếp cận mọi lĩnh vực, ngành nghề.
Ông đưa ra 3 bài học giúp sinh viên luôn có tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Bài học 1, các trường luôn có môi trường, chuyên gia để sinh viên được tiếp cận và tìm hiểu thông tin, được làm việc, lắng nghe lời khuyên đúng đắn.
Bài học 2, trong quá trình đào tạo sinh viên, nhà trường luôn cần sự tham gia của các công ty, doanh nghiệp. Họ sẽ là đơn vị tài trợ và cũng như nguồn thông tin về nhu cầu thị trường lao động, từ đó giúp sinh viên đưa ra dự án, ý tưởng giải quyết vấn đề thực tiễn.
Bài học 3, luôn tạo cơ hội cho sinh viên nói lên ý tưởng của mình và các em hãy chứ mạnh dạn nêu suy nghĩ, quan điểm. Khi ý tưởng của các em thực sự tốt thì nhà trường sẽ hỗ trợ tìm nhiều nguồn tài trợ. Tất cả sinh viên thế giới đều bình đẳng như nhau ở cơ hội pháp triển.
Là đối tác chiến lược của VinUni, Đại học Cornell tham gia tư vấn, xây dựng và thẩm định các chương trình đào tạo, tuyển dụng giảng viên tại VinUni đồng thời xây dựng quy trình tuyển sinh theo các thông lệ tuyển sinh tốt nhất, hỗ trợ để sinh viên VinUni có các cơ hội học tập, trải nghiệm tại Đại học Cornell.
Năm 2021, VinUni và Đại học Cornell ký kết hợp tác triển khai chương trình đào tạo tích hợp cử nhân, thạc sĩ 3+2, 4+1 dành cho sinh viên Viện Kỹ thuật & Khoa học Máy tính và Viện Kinh doanh Quản trị.
Với chương trình 3+2, sinh viên học 3 năm tại VinUni và 2 năm tiếp theo tại Đại học Cornell. Với chương trình 4+1, sinh viên học 4 năm tại VinUni và 1 năm tại Đại học Cornell. Khi tốt nghiệp, sinh việc được nhận bằng cử nhân của Đại học VinUni và bằng thạc sĩ được cấp bởi Đại học Cornell.
Theo VTC