Vẻ đẹp gợi cảm của làn mưa xuân

Dành cho người yêu thơ - Ngày đăng : 09:44, 08/02/2023

Vẻ đẹp của làn mưa xuân, mưa bụi đã đi vào thơ ca Việt Nam khá nhiều, trở thành nét đặc trưng độc đáo của cảnh vật ngày xuân.

Mưa tháng giêng

Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời

Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi

Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ

Tháng giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ

Tháng giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình - sương khói thôi.

NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Thơ Nguyễn Bính, Anh Thơ, Hoàng Cầm… mỗi người một vẻ, đã góp phần làm nên không gian mùa xuân nước Việt mê hoặc hồn người. Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, bên cạnh những đóng góp cho thơ Việt Nam đương đại với nhiều tác phẩm mang đậm chất sử thi, ông còn là tác giả của nhiều bài thơ trữ tình đặc sắc, lắng sâu trong lòng bạn đọc. “Mưa tháng giêng” là bài thơ hay về cấu tứ, hình tượng, khơi dậy tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa và cả chiều sâu triết lý về đời người, về nghệ thuật.

Có lẽ cảm thức về không gian, thời gian là mang đậm dấu ấn độc đáo nhất trong bài thơ “Mưa tháng giêng” của Nguyễn Việt Chiến. Từ không - thời gian ấy, nhà thơ đã thể hiện những suy niệm của mình trước cuộc sống. Vậy nên trong 5 khổ thơ đã có sự luân phiên từ không gian tháng giêng đến thời gian tháng giêng. Sự kết nối các khổ thơ là vẻ đẹp của hình tượng làn mưa xuân tháng giêng thật gợi cảm và biến hóa: vừa mỏng manh hư ảo, vừa lúng liếng nên thơ, vừa bi ai thiền định… Nhờ đó, bài thơ nhẹ nhàng, lan tỏa và đằm sâu một cảm xúc trữ tình đặc biệt.

Khổ thơ đầu vẽ ra một không gian mưa xuân tháng giêng ngoài phố. Phố mà tịnh không một bóng người, không xe cộ ầm ào, chỉ có làn mưa dịu êm như sương khói. Cây cối hai bên đường phố cũng hóa thành khói sương, miên man như đang “mộng du bên trời”. Một bức tranh mùa xuân tĩnh lặng đến kỳ lạ, đó phải chăng là sự lặng lẽ của hồn người, hồn thơ trong khoảnh khắc tháng giêng về mơ mộng? Thủ pháp nghệ thuật so sánh được tác giả sử dụng trùng điệp đến hai lần nhưng không vụng, càng tạo thêm nét liên tưởng thú vị và rất riêng của tác giả: "Tháng giêng mưa ngoài phố/ Mưa như là sương thôi/ Những bóng cây dáng khói/ Như mộng du bên trời".

Sau cảm thức không gian mùa xuân với làn mưa tháng giêng như sương khói “mộng du” ngoài phố, nhà thơ khiến người đọc bồi hồi, suy tư qua sự cảm nhận thời gian nhạy cảm và rất thơ. Một tâm trạng tiếc nuối, hoài cảm giữa không gian tháng giêng đang về trú ngụ. Thường người ta hay triết lý về thời gian, về đời người vào lúc cuối năm, khi những tờ lịch cuối cùng sắp hết. Ở đây, Nguyễn Việt Chiến cảm nhận “ngày mỏng quá” để rồi tiếc những gì đã qua bằng tiếng mưa “xót rơi” phía bên kia tờ lịch. Nhìn tờ lịch mà cảm nhận “ngày mỏng”, thời gian trôi nhanh thì quả là một liên tưởng thú vị. Một cảm nhận rất hay, rất riêng về thời gian và nỗi buồn. Có thể xem đây là khổ thơ hay nhất trong thi phẩm: "Tháng giêng ngày mỏng quá/ Nỗi buồn nghe cũ rồi/ Mà bên kia tờ lịch/ Nỗi niềm mưa xót rơi".

Từ không gian mưa tháng giêng trên phố (khổ 1), chuyển qua cảm thức thời gian tưởng tiếc (khổ 2), tiếp đến là không gian mưa tháng giêng nơi cửa chùa từ bi là mạch liên tưởng nhiều ý vị. Vẫn từng sợi mưa mỏng mảnh như sương khói ấy thôi, nhưng mưa giờ đây trở nên thiền hơn, từ bi hơn. Mưa hóa thân vào tiếng kinh, tiếng mõ trầm tư sâu lắng: "Tháng giêng mưa trên tóc/ Những người đi lễ chùa/ Theo giọt mưa cầu phúc/ Tiếng chuông từ bi mơ".

Vẫn vẻ đẹp không gian của làn mưa tháng giêng dịu nhẹ, nhưng khổ thơ tiếp theo mở ra không gian trong lành quê kiểng phảng phất hơi thở của các nhà thơ mới. Một bến đò mùa xuân trong lành, mơ mộng. Tuy nhiên, tác giả chỉ tập trung miêu tả hình ảnh cô lái đò “Mắt mưa em lúng liếng/ Trói tôi bằng vu vơ”. Khác với nhà thơ Anh Thơ chỉ đơn thuần tả cảnh mùa xuân qua đó mới diễn tả cảm xúc của hồn người: “Mưa đổ bụi êm êm trên bến vắng/ Đò biếng lười nằm mặc nước sông trôi/ Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng/ Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời” (Chiều xuân). Điều đặc biệt, kết thúc bài thơ, tác giả thể hiện sự chiêm nghiệm sâu sắc của mình về thời gian, về vũ trụ vô cùng. Đó là cả một không gian rộng lớn, mênh mang thấm đẫm màu sắc triết lý của văn chương trung đại. Mưa tháng giêng như màu cỏ non tơ “xanh đến tận trời” chính là thông điệp vĩnh hằng của thời gian bất biến. Duy chỉ có đời người trở nên bé nhỏ, vô thường. Những câu thơ rồi cũng khói sương, mong manh như một làn mưa mỏng: "Tháng giêng mưa như cỏ/ Non xanh đến tận trời/ Trước vô cùng năm tháng/ Thơ mình - sương khói thôi".

Bài thơ “Mưa tháng giêng” của Nguyễn Việt Chiến nhẹ nhàng như một làn sương mỏng manh trước mùa xuân tươi đẹp. Từ hình tượng, ngôn ngữ, cấu trúc cho đến các thủ pháp nghệ thuật… Tất cả hài hòa, mực thước bằng thể thơ ngũ ngôn tuyệt đẹp. Thi phẩm không chỉ đọc một lần, càng đọc ta càng nhận ra sự lan tỏa mơn man, đầy ý vị của cảm xúc và cả sự triết lý thâm trầm. 

LÊ THÀNH VĂN