Tập đoàn Alibaba phát triển công cụ cạnh tranh với ChatGPT

Khoa học - Công nghệ - Ngày đăng : 05:47, 09/02/2023

Alibaba cho biết đang phát triển một robot đối thoại giống ChatGPT và đang mở cho nhân viên thử nghiệm nhưng từ chối bình luận về khả năng kết hợp công cụ mới với ứng dụng giao tiếp DingTalk.

Tap doan Alibaba phat trien cong cu canh tranh voi ChatGPT hinh anh 1

Biểu tượng ChatGPT và OpenAI. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tập đoàn Alibaba (Trung Quốc) ngày 8.2 cho biết đang phát triển một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) giống với ChatGPT và đang trong quá trình thử nghiệm nội bộ.

Tuyên bố của Alibaba được đưa ra sau khi tờ 21st Century Herald đưa tin "gã khổng lồ thương mại điện tử" này đang phát triển một robot đối thoại giống ChatGPT và đang mở cho nhân viên thử nghiệm. Song Alibaba đã từ chối bình luận về khả năng kết hợp công cụ mới với ứng dụng giao tiếp DingTalk của tập đoàn này.

Người phát ngôn của Alibaba nói: "Những đổi mới vượt trội hơn như mô hình ngôn ngữ và trí tuệ nhân tạo (AI) là lĩnh vực trọng tâm của chúng tôi kể từ khi thành lập DAMO vào năm 2017".

Người phát ngôn cho biết thêm: "Là công ty dẫn đầu về công nghệ, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư vào việc biến những đổi mới tiên tiến thành các ứng dụng giá trị gia tăng cho khách hàng cũng như người dùng thông qua các dịch vụ đám mây."

Công cụ ChatGPT do Microsoft hậu thuẫn có thể viết ra các bài báo, tiểu luận, truyện cười và thậm chí cả thơ đáp ứng với yêu cầu của người dùng. Công cụ này được đánh giá là ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử kể từ khi được ra mắt vào tháng 11.2022.

Sau khi OpenAI tung ChatGPT ra công chúng, các công ty công nghệ khác đã chạy đua để phát triển các công cụ cạnh tranh.

Ngày 6.2, Google thông báo sẽ ra mắt công cụ trò chuyện (chatbot) có tên gọi là Bard có trang bị Trí tuệ nhân tạo (AI), cạnh tranh với ChatGPT. Một ngày sau đó, Microsoft Corp, công ty sở hữu OpenAI, cho biết họ đã lên kế hoạch kết hợp ChatGPT với công cụ tìm kiếm Bing.

Tại Trung Quốc, công cụ tìm kiếm khổng lồ Baidu của Trung Quốc hôm 7.2 cho biết họ sẽ hoàn thành thử nghiệm nội bộ dự án "Ernie Bot" với khả năng tương tự ChatGPT vào tháng ba, tham gia cuộc đua toàn cầu khi mối quan tâm đến AI ngày càng gia tăng. Cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong (Trung Quốc) của Baidu đã tăng tới 13,4% sau tin tức này.

Một số công ty công nghệ AI khác của Trung Quốc cũng chứng kiến giá cổ phiếu tăng vọt do sự phấn khích của nhà đầu tư đối với ChatGPT.

Theo nghiên cứu của UBS, số người dùng công cụ chatbot phổ biến ChatGPT do OpenAI phát triển được cho là cán mốc 100 triệu người/tháng, chỉ 2 tháng sau khi phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) này được ra mắt, khiến đây trở thành ứng dụng cho người dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, công cụ này cũng đặt ra nhiều vấn đề về nguy cơ thông tin sai lệch và gian lận về học vấn.

Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách lĩnh vực công nghiệp, ông Thierry Breton, cho biết EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến AI nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và bảo đảm người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AI.

Theo TTXVN