Thị xã, sáu cây cầu nối những bờ vui
Kinh tế - Ngày đăng : 06:27, 09/02/2023
Cầu Dinh (khánh thành tháng 7.2021) nối Kinh Môn với huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) mở ra cơ hội phát triển mới cho thị xã trẻ. Ảnh:THÀNH CHUNG
Mỗi khi nghe ca sĩ hát “Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta/ Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo/ Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo/ Nhịp cầu nối những bờ vui...", tôi cứ có cảm giác như bài hát viết về Kinh Môn, mặc dù không phải thế. Có lẽ ở Hải Dương, không ai mong ngóng những nhịp cầu bằng người Kinh Môn giai đoạn từ năm 2000 trở về trước. Họ mong có cây cầu không chỉ là “nơi hẹn hò của đôi ta” mà là cây cầu nối hai quê, hai làng, hai xã, hai huyện, hai tỉnh để thành nhịp cầu “nối những bờ vui”.
Ai đã đến Kinh Môn vào thập kỷ sáu mươi của thế kỷ trước mới hiểu hết nỗi khát khao có một cây cầu. Kinh Môn lúc ấy hoang vu lắm. Núi đất, núi đá mọc khắp huyện. Đặc biệt là sông. Sông Kinh Thầy, sông Kinh Môn, sông Đá Vách bọc kín bốn mặt, tạo cho Kinh Môn thành hòn đảo. Sông còn chảy ngang, chảy chéo tạo cho 5 xã khu Nhị Chiểu thành đảo trong đảo. Từ Nam Sách, Chí Linh, Kim Thành sang; từ Đông Triều, Mạo Khê, Thủy Nguyên đến... dù đường lớn hay lối nhỏ, tất cả đều phải qua sông. Theo thống kê của các xã, Kinh Môn trước Cách mạng Tháng Tám có tới 39 đò. Xã nhiều nhất là Minh Tân có tới 7 đò. Hầu hết là đò nhỏ. Cả huyện chỉ bến Tuần Mây, Phú Thái, Hiệp Sơn, Bến Triều là có phà mà cũng chỉ mới xuất hiện sau năm 1954.
Người quê Kinh Môn, cán bộ công tác ở Kinh Môn, bà con buôn bán ra vào Kinh Môn đã từng trải bao kỷ niệm đi đò mà mỗi khi nhắc đến không khỏi rùng mình. Phổ biến là cảnh chen đò vào những ngày chợ phiên, thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ, ngày hội và nhất là nghỉ Tết Nguyên đán. Người xếp hàng dài cùng xe đạp, xe máy, đồ đạc cồng kềnh, nặng nề. Lên đò chỉ có một tấm gỗ rộng chừng hơn gang tay bắc cho khách lên xuống. Lên đò là một cuộc đánh vật. Ngã, rơi xe xuống sông, rơi hàng, thậm chí cả người cũng xuống nước là chuyện thường, không ai nhớ hết. Đò đầy, chòng chành, đứng trên đò lo thon thót. Những năm 80-90 của thế kỷ XX, khi công nghiệp ở Kinh Môn ngày một phát triển, lượng người và xe lưu thông nhiều lên gấp bội thì việc đi đò phà càng phức tạp hơn, khổ hơn và đáng sợ hơn. Vì thế mong có cây cầu là tâm niệm của tất cả mọi người.
Năm 1978, khi nhà máy xi măng Hoàng Thạch được xây dựng trên đất xã Minh Tân thì cây cầu đầu tiên xuất hiện. Đó là cầu bê tông nhỏ qua sông Đá Vách nối Kinh Môn với Mạo Khê. Đấy không phải cầu của ngành giao thông mà là cầu nằm trong quy trình sản xuất của nhà máy. Mặc dù vậy người dân và xe ô tô con vẫn đi nhờ được.
Gần 20 năm sau, cầu An Thái mới khởi công xây dựng nối thị trấn Phú Thái (Kim Thành) với xã Long Xuyên (Kinh Môn) để đến ngày 22.1.2000 làm lễ khánh thành và thông xe. Kinh Môn như được mở cổng thông với quốc lộ5. Cầu bê tông dự ứng lực, to rộng hai làn xe, xuôi ngược cùng hai làn cho người đi bộ. Cây cầu nối hai quê, mang niềm vui đến cho cả hai huyện. 3 năm sau, Kinh Môn lại đón tin vui: cầu Hiệp Sơn, cầu Đá Vách và đường 188 Phú Thái-Mạo Khê dài 9 km được khởi công xây dựng để đến ngày 2.2.2008 lễ khánh thành và thông xe cả hai cầu và đường diễn ra. Vui hết chỗ nói. Từ quốc lộ 5 sang đường 18, xe chạy như mắc cửi. Phố xá hai bên đường đua nhau mọc lên. Đời sống của dân nâng lên rõ rệt. Công nghiệp về đóng trên đất Kinh Môn ngày một nhiều càng thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng mạnh hơn.
Cầu Mây dài 1,5 km bắc qua sông Kinh Môn nối con đường từ ngã ba Lai Khê sang bến Triều (Đông Triều, Quảng Ninh) có tổng vốn đầu tư gần 350 tỷ đồng (ảnh tư liệu). Ảnh: MAI ANH
Chưa dừng lại ở đó, 12 năm sau, vào ngày 30.6.2020 cầu Mây được khánh thành. Cầu dài 1,5km với tổng kinh phí gần 350 tỷ đồng. Cầu cao rộng, hiện đại và đẹp, bắc qua sông Kinh Môn nối con đường từ ngã ba Lai Khê sang bến Triều (Đông Triều). Chỉ mấy tháng sau, ngày 1.1.2021, cầu Triều thông xe. Cầu dài 750m, rộng 12 m với kinh phí 430 tỷ đồng. Đường 389 đang được sửa sang cho rộng và đẹp hơn. Cũng năm này, ngày 17.7, chiếc cầu giao thông hiện đại thứ sáu của Kinh Môn được thông xe. Đó là cầu Dinh dài 370 m, rộng 12 m với kinh phí 269,4 tỷ đồng, bắc qua sông Kinh Thầy, nối thị trấn An Lưu với xã An Sơn, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng). Kinh Môn nay đã lên thị xã. Thủy Nguyên chuẩn bị lên thành phố. Nhờ cây cầu mà hai miền quê đã sầm uất sẽ sầm uất hơn.
Vậy là chỉ trong vòng 21 năm, sáu cây cầu hiện đại được bắc qua các dòng sông sâu trên đất Kinh Môn. Mơ ước bao đời, khát khao từ thượng cổ của người Kinh Môn nay đã thành sự thật. Bến phà Thái, phà Thông, Tuần Mây, bến Triều, bến đò Dinh... những nỗi ám ảnh khi phải chen nhau xuống đò, phà nay đã thành dĩ vãng.
Nhờ các cây cầu mà cái tên “hòn đảo” của Kinh Môn nay cũng không còn. Các doanh nghiệp lớn như xi măng, thép, nhiệt điện cùng các công ty sản xuất gạch, bê tông dự ứng lực, may mặc, giầy da… đã về với Kinh Môn. Thị xã Kinh Môn ngày một đổi mới và phát triển dần lên thành phố.
VĂN DUY