Thuốc gì trị viêm mũi dị ứng?

Y tế - Sức khỏe - Ngày đăng : 21:09, 10/02/2023

Mùa xuân, thời tiết thay đổi, nồm ẩm kéo dài, phấn hoa, nấm mốc phát triển là những tác nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng. Vậy có thuốc gì điều trị và làm cách nào phòng tránh?


Thời tiết nồm ẩm kéo dài là điều kiện thuận lợi để viêm mũi dị ứng phát tác

1. Viêm mũi dị ứng là gì?

Viêm mũi dị ứng là viêm niêm mạc mũi xảy ra sau phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với chất gây dị ứng trong môi trường. Khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, các kháng thể của cơ thể sẽ phát hiện ra chất đó và giải phóng các hóa chất bao gồm cả histamine vào máu. Phản ứng (quá mức) này sau đó gây ra các triệu chứng: Chảy nước mũi, hắt hơi, nghẹt mũi...

2. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có thể được kích hoạt bởi các yếu tố, bao gồm:

Môi trường: Thay đổi thời tiết, khói, bụi và mạt nhà, ẩm mốc phát triển trên giấy dán tường, thảm và vải bọc…

Hoá chất: Tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động, một số loại thuốc điều trị như thuốc gây mê, thuốc kháng sinh.

Di truyền: Tiền sử gia đình như dị ứng thực phẩm, hen suyễn, viêm da cơ địa...

3. Thuốc điều trị viêm mũi dị ứng

Mặc dù phương pháp điều trị lý tưởng đối với viêm mũi dị ứng là tránh các tác nhân gây dị ứng, nhưng một số tác nhân gây dị ứng là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, việc sử dụng thuốc có thể giúp giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng.

Các loại thuốc điều trị viêm mũi dị ứng phổ biến bao gồm:

- Nước muối sinh lý: Rửa sạch mũi bằng nước muối sinh lý có thể giúp loại bỏ các chất gây dị ứng và giảm chất nhầy từ mũi, giảm thoát dịch xuống phía sau cổ họng.

- Thuốc kháng histamin: Thuốc kháng histamin làm giảm các triệu chứng ngứa, hắt hơi hoặc sổ mũi. Các loại thuốc kháng histamine phổ biến bao gồm diphenhydramine, hydroxyzine, fexofenadine, cetirizine và loratadine. Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng thuốc nếu trên 65 tuổi, mắc bệnh tăng nhãn áp, khó tiểu, phì đại tuyến tiền liệt, rối loạn tuyến giáp hoặc các tình trạng bệnh lý khác.

- Thuốc kháng viêm corticosteroid: Thuốc xịt mũi chống viêm có thể chứa thuốc kháng histamine, corticosteroid hoặc kết hợp thuốc kháng histamine và corticosteroid, làm giảm giải phóng các chất trung gian gây viêm khác nhau, giúp giảm sưng ở mũi và xoang. 

- Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi làm co mạch máu trong mũi làm giảm các triệu chứng nghẹt mũi. Thuốc thông mũi có thể được dùng bằng đường uống hoặc xịt mũi. Tuy nhiên, thuốc cần được dùng thận trọng, đặc biệt ở những bệnh nhân bị tăng huyết áp, bệnh tim, bệnh tăng nhãn áp, cường giáp hoặc đang dùng một số loại thuốc.

Dược sĩ VŨ THÙY DƯƠNG